Chuyên gia: 'Chưa có cơ sở để giảm phí BOT cho công chức đi làm xa'
Mới đây tỉnh Quảng Trị đã rà soát ô tô cán bộ để đề xuất giảm phí BOT đã thu hút sự chú ý của dư luận. Theo các chuyên gia, đề xuất này chưa hợp lý, thay vì yêu cầu giảm giá BOT, UBND các tỉnh xem xét có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ đi lại cho cán bộ của mình.
Xung quanh đề xuất giảm phí BOT, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Phan Lê Bình – người có nhiều kinh nghiệm về chính sách phí đường bộ.
PV: Ông đánh giá thế nào về đề xuất xem xét giảm phí BOT cho cán bộ công chức đi làm xa sau sáp nhập?
Ông Phan Lê Bình: Đây là một nhu cầu mới đặt ra, một đề tài mà chúng ta cần cân nhắc. Theo góc nhìn từ kinh tế thị trường, tôi chưa thấy có cơ sở để chủ đầu tư BOT giảm phí BOT cho công chức đi làm xa. Việc yêu cầu doanh nghiệp BOT giảm phí chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường.
Thay vào đó, UBND các tỉnh có thể hỗ trợ cán bộ đi lại, gồm cả phí cầu đường, chi phí nhiên liệu và hao mòn phương tiện. Đây là phương án khả thi hơn nhiều so với việc miễn hoặc giảm giá BOT cho từng nhóm đối tượng.

Ảnh minh họa
PV: Có kinh nghiệm nào tương tự ở nước ngoài không, thưa ông?
Ông Phan Lê Bình: Ở nước ngoài, ít có tiền lệ giảm phí BOT cho công chức vì bối cảnh rất khác. Đây là tình huống đặc thù khi Việt Nam thực hiện sáp nhập tỉnh. Trong một số trường hợp, cán bộ vẫn ở tỉnh cũ nhưng phải đi làm ở trung tâm hành chính mới – nơi cách xa chỗ ở hàng chục km.
Về lâu dài, có thể một số cán bộ công chức sẽ chuyển nhà đến gần nơi làm việc hơn để giảm thời gian và chi phí đi lại. Tuy nhiên, với những người vẫn phải di chuyển xa, địa phương có thể bố trí xe đưa đón công chức, dù điều này gặp khó khăn do giờ giấc làm việc không đồng đều.
Một gợi ý khác là khuyến khích cán bộ, công chức đi làm theo nhóm, có thời gian đi về tương đối giống nhau. Việc đi xe chung không chỉ giảm chi phí mà còn giảm phát thải môi trường, tăng hiệu quả sử dụng phương tiện – một giải pháp xanh và bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông!