Chuyên gia: 'Cố giữ giá thuê mặt bằng cao sẽ phải chịu thiệt hại lớn'

Theo các chuyên gia, tình trạng cho thuê mặt bằng, nhà phố tại khu vực trung tâm TP HCM rơi vào tình trạng ế ẩm xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong số đó đến từ việc các chủ cho thuê vẫn cố giữ mức giá cao.

Mặt bằng ở trung tâm TP HCM thời gian qua vắng bóng khách thuê. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng đóng cửa, sang nhượng khiến hàng loạt mặt bằng cho thuê tại "đất vàng" TP HCM lâm vào cảnh ế ẩm.

 Mặt bằng trung tâm TP HCM vắng bóng khách thuê

Mặt bằng trung tâm TP HCM vắng bóng khách thuê

Song, nhiều môi giới cho biết chủ nhà vẫn rất kén khách thuê, đặc biệt đối với các mặt bằng có vị trí đắc địa. Chủ nhà mong muốn người thuê kinh doanh thời trang, cửa hàng đá quý, showroom thay vì mở quán bar, nhà hàng hay dịch vụ ăn uống.

Theo khảo sát, hiện mặt bằng ở mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai giao với Nam Kỳ Khởi Nghĩa với kết cấu một trệt, 3 lầu có giá thuê 90 triệu đồng/tháng. Mặt bằng khác ở góc mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch giao với Nguyễn Thị Minh Khai với diện tích 10x10 m, kết cấu một trệt được rao giá 135 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, mặt bằng 4 căn 500 m2 ngay ngã tư Lý Tự Trọng - Trương Định suốt 2 năm qua không có người thuê, được báo giá 50.000 USD/tháng (gần 1,2 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Nhà toàn cầu cho rằng, tình trạng cho thuê mặt bằng, nhà phố tại khu vực trung tâm TP HCM rơi vào tình trạng ế ẩm xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19, nhiều người còn ngần ngại trong việc đầu tư kinh vào trong thời điểm này. Thứ hai, sau đại dịch, khách hàng bắt đầu chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến và đặt dịch vụ giao hàng tận nhà bởi sự tiện lợi, nhanh chóng.

Thứ ba, liên quan đến việc quản lý trật tự lề đường giao thông. Các sở, ban, ngành đang tích cực ra quân và túc trực kiểm tra trật tự vỉa hè, lòng lề đường. Vì vậy, đối với những cửa hàng kinh doanh cần không gian để xe cho khách, khi thuê các khu vực mặt bằng nhà phố thuộc khu trung tâm sẽ vướng trở ngại về giao thông.

Thứ tư, rào chắn thi công tuyến Metro được giải phóng, bổ sung nguồn cung mặt bằng lớn cho thành phố. Trong khi đó, nhiều chủ mặt bằng lại chưa có thiện chí giảm giá sâu khiến nguồn cung nhiều hơn cầu, khách hàng sẽ ưu tiên các mặt bằng có mức giá phải chăng hơn.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, các chủ cho thuê vẫn giữ giá cao là không hợp lý, thị trường đang khó khăn nhưng không chịu "cắt lỗ".

“Làm kinh doanh phải có sự linh hoạt, nếu môi trường kinh doanh và điều kiện kinh doanh đang gặp khó khăn thì phải điều chỉnh giá cho hợp lý. Nếu một số mặt bằng vẫn cố giữ mức giá quá cao thì sẽ chịu thiệt hại lớn”, ông Hiếu nhận định.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, tình trạng hàng loạt mặt bằng bị ế ẩm như hiện nay là một dấu hiệu cho thấy trong quá khứ có nhiều sản phẩm bất động sản chưa thật sự phù hợp. Thế nên, khi nền kinh tế, bất động sản bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng thì một số mặt bằng có giá cao sẽ bị chao đảo.

Trong thời gian tới, vị chuyên gia cho rằng, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài, chủ đầu tư sẽ thiệt hại lớn. Nhiều địa điểm kinh doanh sẽ không thể hòa vốn doanh thu, nặng nề hơn là có thể nằm dưới điểm hòa vốn.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-co-giu-gia-thue-mat-bang-cao-se-phai-chiu-thiet-hai-lon-post242993.html