Chuyên gia dân số: 36 tuổi mới bắt đầu lo cho tuổi già là đã... muộn

GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho biết, trong bối cảnh hiện nay, 36 tuổi mới bắt đầu lo cho tuổi già đã là… hơi muộn.

GS Nguyễn Đình Cử chia sẻ quan điểm về già hóa chủ động

GS Nguyễn Đình Cử chia sẻ quan điểm về già hóa chủ động

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Làm thế nào để thích ứng với già hóa dân số” do Tổng cục Dân số - Bộ Y tế vừa tổ chức, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho biết, già hóa chủ động là vấn đề cần được quan tâm hơn trong bối cảnh tuổi thọ của người dân nước ta ngày càng cao, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng lớn.

Theo đó, về phía Nhà nước phải có các chính sách phù hợp, chủ động thích ứng với giai đoạn dân số già để không những chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, ổn định an sinh xã hội mà còn hạn chế các tác động, thách thức cũng như phát huy, tận dụng được vai trò của người cao tuổi đối với sự phát triển đất nước.

Ngược lại, về phía mỗi người dân cũng cần chủ động lên kế hoạch từ trước để chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu, già hóa của mình cả về vật chất lẫn tâm lý. “Tôi từng nói rằng, 36 tuổi mới bắt đầu lo cho tuổi già thì đã là… hơi muộn. Không biết suy nghĩ vậy có tiêu cực không nhưng qua nghiên cứu, giờ tôi vẫn bảo lưu quan điểm đó” – GS Cử nói.

Phân tích kỹ hơn về lập luận này, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội dẫn chứng: nếu tuổi trẻ không có ý thức giữ gìn sức khỏe, chẳng hạn hút thuốc lá, uống bia rượu từ năm 16, 18 tuổi thì đến khi 36 tuổi đã có thâm niên 20 năm hút thuốc, rượu bia, chắn chắn sẽ ảnh hưởng sức khỏe, nguy cơ bệnh tật.

“Hay tuổi trẻ là độ tuổi sinh sản, nếu không có ý thức kế hoạch hóa gia đình, 35, 36 tuổi, thậm chí lớn hơn vẫn cố sinh đẻ để… bằng được đứa con trai mới thôi thì không những ảnh hưởng sức khỏe mà ảnh hưởng cả đến quá trình chuẩn bị vật chất, tâm lý khi bước vào tuổi già…” – GS Nguyễn Đình Cử nói thêm.

Mô hình chăm sóc và phát huy người cao tuổi dựa vào cộng đồng phát huy hiệu quả tại Hà Nội

Mô hình chăm sóc và phát huy người cao tuổi dựa vào cộng đồng phát huy hiệu quả tại Hà Nội

Đồng quan điểm này, bà Lưu Thị Hường, Trưởng Ban Chăm sóc người cao tuổi – Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng cho rằng, khi 36 tuổi trở lên mới bắt đầu lo cho tuổi già thì đúng là đã “hơi muộn”.

Theo bà Hường, thống kê có tới 70% người cao tuổi nước ta hiện sống cùng con cháu, phụ thuộc kinh tế, đồng thời có rất nhiều người già cô đơn, không có tích lũy. Đây là hệ lụy từ việc thế hệ người cao tuổi hiện nay khi còn trẻ chưa có kế hoạch chủ động thích ứng với tuổi già.

“Hiện nay chỉ những cán bộ về hưu thì có nguồn lương hưu hàng tháng hoặc chút ít tiết kiệm. Đa phần người cao tuổi ở nông thôn sống phụ thuộc con cháu hoặc vẫn phải làm việc vất vả. Thực trạng này cần thay đổi, trước hết là thay đổi từ nhận thức, kể cả những người ở nông thôn cũng phải có kế hoạch chuẩn bị trước cho tuổi già của mình” – bà Lưu Thị Hường chia sẻ.

Đại diện Hội Người cao tuổi Việt Nam đề xuất, tới đây, nhà nước cần có thêm nhiều giải pháp phù hợp để tiếp cận “già hòa dân số” chủ động, chẳng hạn khi người lao động bước vào tuổi 40 thì ngoài bảo hiểm xã hội sẽ có thêm gói bảo hiểm tích lũy cho người già, giống như ở Nhật Bản đã triển khai...

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, để thích ứng với già hóa dân số, ngành y tế đã và đang đẩy mạnh các chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe cho người cao tuổi phòng tránh, hạn chế mắc phải các bệnh mãn tính thường gặp ở tuổi già.

Cùng đó, hiệu quả từ mô hình chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi dựa vào cộng đồng được triển khai thời gian qua đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người cao tuổi ở một số địa phương.

Dù vậy, trước thách thức từ quá trình già hóa dân số rất nhanh hiện nay, ngoài vai trò của cơ quan nhà nước, rất cần sự tham gia xã hội hóa mạnh hơn vào lĩnh vực này. Mặt khác, để già hóa chủ động, mỗi người hãy có ý thức lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ.

Trình Thủ tướng phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến 2030

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam đang là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi tại nước ta chiếm 11,86% dân số, dự báo sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,10% vào năm 2049.

Thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ về công tác dân số trong tình hình mới, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030. Ngày 11-9 vừa qua, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án này.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-gia-dan-so-36-tuoi-moi-bat-dau-lo-cho-tuoi-gia-la-da-muon-post446058.antd