Chuyên gia đánh giá tác động ban đầu cuộc xung đột Israel - Palestine mới bùng phát

Cuộc tấn công của Hamas khiến các cơ quan tình báo Israel hoàn toàn mất cảnh giác, trong khi Mỹ dường như cũng không hề biết rằng một cuộc giao tranh sắp xảy ra.

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cuộc tấn công chưa từng có mà lực lượng Hồi giáo Hamas người Palestine phát động nhằm vào Israel ngày 7/10 đã khiến Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải yêu cầu nước này chuẩn bị cho một “cuộc chiến lâu dài” và làm gia tăng căng thẳng trên toàn khu vực.

Cuộc tấn công khiến các cơ quan tình báo Israel hoàn toàn mất cảnh giác, trong khi Mỹ dường như cũng không hề biết rằng một cuộc giao tranh sắp xảy ra. Mỹ chia sẻ thông tin tình báo với Israel và Washington cho rằng tình hình an ninh ở nước này đã tốt hơn trong thời gian gần đây.

Điều đó đã giúp tạo tiền đề cho Mỹ tổ chức các cuộc đàm phán nhằm thiết lập mối quan hệ chính thức giữa Saudi Arabia và Israel trên cơ sở Hiệp định Abraham. Hiệp định đã được Israel, UAE và Bahrain ký kết vào năm 2020. Các thỏa thuận sau đó đã được ký kết giữa Israel với Maroc và Sudan.

Khoảng một tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết “Khu vực Trung Đông ngày nay yên tĩnh hơn so với hai thập kỷ trước”. Ông có vẻ lạc quan về triển vọng cho một thỏa thuận giữa Saudi Arabia - Israel được cho là sẽ bao gồm các đảm bảo an ninh của Mỹ và một chương trình hạt nhân dân sự của Riyadh.

Hôm 7/10, lực lượng Hamas đã tiến hành các cuộc tấn công, phóng hơn 3.000 quả rocket, khiến hơn 100 binh sĩ và dân thường Israel thiệt mạng, bắt hàng chục người Israel làm con tin. Israel tuyên bố sẽ tiến hành phản ứng mạnh mẽ và tấn công các mục tiêu ở Gaza, khiến gần 200 người thiệt mạng.

Trong bài phát biểu trên truyền hình vào tối 7/10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người trước đó đã tuyên bố Israel đang có chiến tranh, cho biết quân đội nước này sẽ dùng toàn bộ sức mạnh để tiêu diệt khả năng của Hamas và “trả thù cho ngày đen tối này”. “Cuộc chiến này cần có thời gian. Sẽ rất khó khăn”, ông Netanyahu nói.

Đánh giá về tác động từ cuộc giao tranh mới nhất trên, Hani El Masri, nhà phân tích chính trị ở Ramallah, cho biết cuộc tấn công của Hamas sẽ làm phức tạp và trì hoãn các nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.

Ông Masri nói: “Nó cũng sẽ củng cố những tiếng nói cho rằng không có giải pháp cho người Palestine thì sẽ không có giải pháp cho các vấn đề khác”.

Ba thập kỷ đàm phán liên tục do Mỹ làm trung gian đã không đạt được thỏa thuận hòa bình và thành lập một nhà nước Palestine độc lập, vốn từ lâu được coi là chìa khóa để chấm dứt bạo lực. Thất bại đó đã gây ra sự bất mãn, đặc biệt là đối với người Palestine, khi Israel tiếp tục duy trì sự chiếm đóng quân sự ở Bờ Tây.

Tình hình này từ lâu đã ảnh hưởng đến nỗ lực thiết lập quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng Arab. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước rằng, một thỏa thuận giữa nước này và Israel nên bao gồm việc “giảm bớt sự đau khổ của người Palestine” nhưng không nêu chi tiết.

Nhưng ông Mohammed phủ nhận thông tin cho rằng Riyadh đang tạm dừng các cuộc đàm phán vì chính phủ cánh hữu của Israel không sẵn sàng đưa ra nhượng bộ với người Palestine.

Thomas Warrick, cựu quan chức cấp cao về chính sách chống khủng bố tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết, tình trạng bạo lực mới nhất sẽ không làm thay đổi “động lực chiến lược cơ bản” của một thỏa thuận trong tương lai.

Ông Warrick, hiện là thành viên cấp cao của Hội đồng Atlantic, nói: “Quá trình bình thường hóa đang được thúc đẩy bởi các yếu tố trong mối quan hệ giữa và giữa Mỹ, Israel, Saudi Arabia và các quốc gia khác có liên quan. Chắc chắn điều này sẽ khiến mọi thứ phải tạm dừng, nhưng trên thực tế, nó không làm thay đổi động lực chiến lược cơ bản”.

Về phần mình, Steven Cook, một thành viên cấp cao về Trung Đông và châu Phi tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), cũng cho rằng cuộc tấn công của Hamas sẽ không làm thay đổi “động lực cơ bản” đang diễn ra giữa Israel và Saudi Arabia.

Các cuộc xung đột trước đây giữa Israel và Hamas đã dẫn đến sự tàn phá trên diện rộng ở Gaza và số người chết cao. Với một chính phủ cực hữu ở Israel, tình hình giờ đây càng trở nên bất ổn hơn. Các chuyên gia cho rằng việc tạm dừng mở rộng các khu định cư của Israel là một trong những yêu cầu tối thiểu để xoa dịu người Palestine.

Nhưng cơ cấu hiện tại của chính phủ Israel sẽ khiến yêu cầu đó trở nên khó chấp nhận. Các bộ trưởng trong chính phủ của ông Netanyahu đã công khai nói rằng họ muốn theo đuổi việc sáp nhập hoàn toàn Bờ Tây.

“Nếu trước đây điều đó là khó khăn thì bây giờ điều đó gần như không thể thực hiện được bởi vì bất kỳ sự thỏa hiệp, bất kỳ động thái, bất cứ điều gì thỏa hiệp với người Palestine ngay bây giờ sẽ bị dòng chính thống coi là không thể chấp nhận được", Akiva Eldar, một nhà phân tích chính trị ở Israel, nhận định.

Theo chuyên gia Eldar, ngay cả những yêu cầu tối thiểu mà Saudi Arabia đang mong đợi, chẳng hạn như tạm dừng việc mở rộng các khu định cư, cũng là không thể. “Israel có thể tiến hành một chiến dịch lớn ở Gaza nhằm tiêu diệt Hamas. Điều này sẽ khó khăn nhưng vẫn có khả năng xảy ra”, ông Masri nói.

Israel đã phát động 4 cuộc chiến tranh toàn diện và hàng loạt cuộc tấn công quân sự vào Dải Gaza kể từ khi lực lượng Hồi giáo Hamas nắm quyền kiểm soát khu vực này vào năm 2007. Các lệnh ngừng bắn đã chấm dứt giao tranh nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Ví dụ gần đây nhất là vào năm 2021. Sau nhiều tuần căng thẳng xung quanh các hành động của Israel trong và xung quanh khu nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa ở Jerusalem trong tháng Ramadan, Hamas bắt đầu bắn tên lửa vào Israel. Israel đáp trả bằng các cuộc không kích. Gần 250 người ở Gaza và 13 người ở Israel đã thiệt mạng trong 11 ngày giao tranh.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo thenationalnews.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chuyen-gia-danh-gia-tac-dong-ban-dau-cuoc-xung-dot-israel-palestine-moi-bung-phat-20231008105337172.htm