Chuyên gia đề xuất: Thu nhập tối thiểu phải đóng thuế là 15-20 triệu đồng/tháng

Nâng mức phải đóng thuế lên 15-20 triệu đồng, giảm tỉ lệ thuế suất cao nhất xuống 25-30%, đơn giản hóa biểu thuế từ 7 xuống còn 3 hoặc 4 bậc, điều chỉnh mức đóng theo năm… là những đề xuất của các chuyên gia.

Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 20 triệu đồng/tháng

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý sửa Luật thuế thu nhập cá nhân. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, có nhiều vấn đề cần phải sửa đổi bởi các quy định về thuế thu nhập cá nhân đang quá lỗi thời, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh. Mức thuế phải đóng không phù hợp, tỉ lệ đóng vô lý, mức giảm trừ gia cảnh không sát với thực tế… là gánh nặng người nộp thuế đang phải chịu.

TS Thịnh đề xuất bỏ bớt 3 bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho tiền lương tiền công là 15 - 25% và 35%, rút số bậc thuế từ 7 xuống còn 4 là 5%, 10%, 20% và 30%. Khoảng cách giữa các bậc thuế cũng nên giãn ra, như mức thuế suất 5% nên áp dụng cho phần thu nhập chịu thuế từ 15 - 20 triệu đồng, mức 10% cho phần thu nhập chịu thuế từ 20 - 40 triệu đồng...

TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất nhiều điểm cần sửa đổi trong Luật Thuế thu nhập cá nhân.

TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất nhiều điểm cần sửa đổi trong Luật Thuế thu nhập cá nhân.

"Mức thấp nhất phải đóng thuế hay còn gọi là mức giảm trừ gia cảnh nên được xem xét lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ sống ở đô thị, nên không thể coi đó là mức thu nhập cao phải đóng thuế. Theo tôi Bộ Tài chính cần tính toán nâng lên để việc đóng thuế thu nhập thực sự trở thành công cụ kiểm soát người có thu nhập cao. Mức thu nhập tối thiểu phải đóng thuế nên để ở 15-20 triệu đồng/tháng", TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Mức đóng thuế với người phụ thuộc, theo quy định hiện nay là 4,4 triệu đồng/người/tháng. Số tiền này không đủ để nuôi một đứa trẻ ở thành phố, lại càng không đủ để chăm sóc một người già không còn sức lao động, chi phí thuốc men, đi bệnh viện… tăng cao. Theo TS Thịnh, mức này phải tăng cao hơn nữa. Tăng như thế nào cần có tính toán chính xác về mức sống tối thiểu. "Phải xây dựng mức sống tối thiểu khác đi, không thể để mức như hiện nay, áp dụng hàng chục năm, trong khi đời sống nâng cao, lạm phát, giá cả tăng", ông Thịnh nói.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả đề nghị giảm bậc thuế thu nhập cá nhân xuống còn 3 - 5 bậc và hạ thuế suất của các bậc xuống. Bởi quy định biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến như hiện nay với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cộng với thuế suất cao khiến gánh nặng, áp lực lớn đối với người làm công ăn lương.

Cách tính hiện tại gây thiệt thòi cho người nộp thuế

Theo TS Đinh Trọng Thịnh, hiện thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày mà người dân phải chi trả. Chưa kể theo quy định phải khi CPI tăng 20% thì mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh dẫn đến thời gian qua việc điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động chưa được kịp thời.

Đánh giá về biến động CPI 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, theo ông Thịnh, thời gian áp dụng vừa qua cho thấy quy định này gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Lạm phát của Việt Nam thường chỉ có tăng và trong 5 - 7 năm gần đây mức tăng khoảng 3 - 4%/năm. Nếu để cộng dồn CPI tăng 20% thì phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, mức tăng CPI hằng năm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế.

Thay vì chỉ điều chính mức thuế thu nhập cá nhân khi CPI tăng trên 20% thì sẽ điều chỉnh theo năm.

TS Đinh Trọng Thịnh

Ông Thịnh cho rằng, tùy theo tình hình thực tế mà có sự điều chỉnh tăng hoặc giảm, các biến số này gồm biến động thị trường, giá cả, tình hình dịch bệnh, thu nhập bình quân… Có làm như vậy thì người lao động cũng không phải chịu thiệt thòi. "Hiện chúng ta đang thực hiện số hóa tất cả các ngành, việc điều chỉnh mức nộp thuế cũng nên được thực hiện đơn giản hơn", ông Thịnh nói.

Cuối cùng là về mức thuế suất thuế TNCN cao nhất lên đến 35% theo TS Đinh Trọng Thịnh là chưa phù hợp với xu thế chung của thế giới. Trong khi doanh nghiệp ngày càng được ưu đãi về thuế và được giảm từ 25% vào năm 2010 xuống còn 20% năm 2020, thuế TNCN vẫn giữ nguyên. Điều này tạo áp lực đáng kể lên người chịu thuế TNCN. Cách điều chỉnh phù hợp nhất là giảm xuống còn 25-30%. Khi đó, người nộp thuế cũng sẽ cảm thấy thỏa đáng hơn. Mức thuế TNCN như hiện nay không hợp lý, quá nhiều bậc, rắc rối và cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân.

Trước đó, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố lấy ý kiến về việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu đánh giá, góp ý theo từng nhóm vấn đề gồm: Đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, cơ sở tính thuế, giảm trừ gia cảnh... Đây là điều mà người dân hết sức quan tâm, bởi sau hơn 10 năm có hiệu lực, Luật Thuế TNCN đã bộc lộ những bất cập cần phải thay đổi, sửa đổi bổ sung cho hợp lý.

Theo quy định hiện hành, cá nhân không có người phụ thuộc sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng. Cá nhân có 1 người phụ thuộc sẽ phải nộp thuế nếu có tổng thu nhập trên 15,4 triệu đồng. Các mức tương ứng tiếp theo: 2 người phụ thuộc là 19,8 triệu đồng. 3 người phụ thuộc là 24,2 triệu đồng. 4 người phụ thuộc là 28,6 triệu đồng. Thuế suất phải đóng theo tháng là: từ 0-5 triệu đồng là 5%, từ 5-10 triệu đồng là 10%, từ 10-18 triệu đồng là 15%, từ 18-32 triệu đồng là 20%, từ 32-52 triệu đồng là 25%, từ 52-80 triệu đồng là 30% và trên 80 triệu đồng là 35%.

Thuế thu nhập không tính các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định là 10,5% (đây là khoản cố định); Các khoản đóng quỹ hưu trí tự nguyện, khuyến học, nhân đạo, đóng góp từ thiện; Các khoản không tính thuế thu nhập cá nhân như tiền ăn trưa, một số khoản phụ cấp, trợ cấp,… Thu nhập từ phần tiền công, tiền lương do làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định Bộ luật Lao động.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//chuyen-gia-de-xuat-thu-nhap-toi-thieu-phai-dong-thue-la-15-20-trieu-dong-thang-169220321114112391.htm