Chuyên gia ĐH Hải chiến Mỹ nhận định việc Trung Quốc phóng tên lửa ở Biển Đông
Ông James Kraska đến từ Đại học Hải chiến Mỹ nhận định, hành động phóng tên lửa ở Biển Đông của Trung Quốc vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc về cấm sử dụng vũ lực.
Trả lời VTC News, ông James Kraska, chuyên gia Luật Hàng hải quốc tế từ Trung tâm Luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng, việc Trung Quốc phóng tên lửa cũng tương tự như các hoạt động của Triều Tiên, và có thể coi đó như mối đe dọa của việc sử dụng vũ lực. Điều này vi phạm Khoản 4 Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc vốn cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
"Trong khi Trung Quốc muốn dùng các vụ phóng tên lửa này để phô trương sức mạnh, các vụ thử tên lửa đang gây mất ổn định khu vực.
Đồng thời củng cố thêm nhận định của nhiều quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản và Australia rằng Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình quốc tế và an ninh trong khu vực", ông Kraska chia sẻ.
Trong khi đó, chia sẻ với VTC News, Tiến sĩ Hosoda Takashi, chuyên gia an ninh châu Á tại Đại học Charles (CH Séc) và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đối ngoại Tokyo (Nhật Bản) nhận định, điều đáng quan tâm là thời điểm Bắc Kinh thực hiện hành động bắn tên lửa ở Biển Đông.
“Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tiến hành cuộc diễn tập hải quân RIMPAC 2020 (các bên tham gia: Australia, Brunei, Canada, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Philippines, Singapore và Mỹ) từ ngày 17-31/8, sau khi Trung Quốc không được mời tham dự trong năm nay. Vì vậy, Bắc Kinh cần tiến hành một cuộc diễn tập quân sự khác để thách thức RIMPAC, phô trương sức mạnh của mình”, Tiến sĩ Hosoda Takashi bình luận.
Điểm mới trong tuyên bố của Mỹ
Cũng có các nhận định về diễn biến mới này, chia sẻ với VTC News, nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (Singapore) nhận định một vài động thái của Mỹ - Trung vừa qua đã từng xảy ra, song vẫn có điểm mới quan trọng.
Về vụ phóng 2 tên lửa đạo đạo của Trung Quốc, ông Collin Koh cho rằng nó không gây ngạc nhiên nếu nhìn lại vụ thử tên lửa đạn đạo chống hạm trên Biển Đông của Bắc Kinh vào tháng 7/2019.
Mỹ cũng đã nhiều lần cử máy bay U-2 tới do thám trong khu vực. Tuy nhiên điểm mới là lần này Trung Quốc công khai đăng đàn công bố và chỉ trích giữa lúc căng thẳng 2 nước tăng cao.
Ngoài ra, theo ông Koh, điểm mới ở đây là các lệnh trừng phạt của Mỹ với các cá nhân, tổ chức có liên quan tới hoạt động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Hosoda Takashi nhận định, việc Washington liệt 24 công ty và viện nghiên cứu Trung Quốc vào danh sách trừng phạt là một bước tiến mới.
“Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố Trung Quốc làm suy yếu các quyền chủ quyền của các đối tác Mỹ trong khu vực’. Điều này cho thấy Washington sử dụng các tranh chấp xung quanh Trung Quốc để gây áp lực lên Bắc Kinh”, Tiến sĩ Hosoda Takashi nhận định.
“Bất chấp sự phản đối của Mỹ và các nước khác, chính quyền Trung Quốc vẫn nhanh chóng xây dựng các đảo nhân tạo từ năm 2013, cho phép Trung Quốc quân sự hóa trái phép các tiền đồn tại Biển Đông, nhằm làm suy yếu quyền chủ quyền của các đối tác của Mỹ trong khu vực”, thông báo của Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ trong thông báo hôm 26/8.
Ngoài ra, Mỹ sẽ trừng phạt 24 công ty và nhiều cá nhân của Trung Quốc "hỗ trợ Bắc Kinh trong các hoạt động xây dựng quân sự và quân sự hóa bị quốc tế lên án tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông".
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Pompeo cho biết Washington sẽ bắt đầu hạn chế thị thực đối với các công dân Trung Quốc chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với việc cải tạo quy mô lớn, xây dựng hoặc quân sự hóa những tiền đồn bị phản đối trên Biển Đông, hoặc liên quan đến việc Trung Quốc sử dụng hành động cưỡng ép đối với các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền Biển Đông để ngăn cản họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi.
"Điều này cho thấy Washington đang nghiêm túc trong việc thực hiện một chiến lược tổng thể hơn trên Biển Đông, ngoài các công cụ quân sự mà nước này thường sử dụng như các hoạt động tự do hàng hải (FONOP)", chuyên gia Collin Koh cho hay.
Mỹ - Trung có vượt qua giới hạn đỏ?
Theo nhà nghiên cứu Collin Koh, Mỹ thời gian gần đây liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt với quan chức Trung Quốc. Nhưng động thái mới đây là lần đầu tiên họ mạnh tay với các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Chuyên gia cho rằng, Mỹ và Trung Quốc đang ngày gia tăng các đòn “lên gân” để cảnh báo bên còn lại, nhưng ông hy vọng hai siêu cường sẽ không vượt qua lằn ranh đỏ và bước vào một cuộc xung đột vũ trang tại khu vực.
Theo phân tích của ông Koh, trên thực tế cả 2 bên có nhiều lý do để không dấn thân vào một cuộc chiến như vậy.
Đối với Trung Quốc, họ không muốn làm ảnh hưởng khả năng phục hồi kinh tế bằng một cuộc chiến ở Biển Đông và sẽ làm phức tạp thêm các vấn đề an ninh trong nước.
Trong khi đó, Mỹ đang phải gồng mình đối phó với đại dịch COVID-19. Nền kinh tế mà Tổng thống Trump hết mực tự hào giờ cũng đang sa sút và cần một thời gian để phục hồi. Ngoài ra, còn có yếu tố của cuộc bầu cử đang tới gần.
“Chiến tranh sẽ là sự phân tâm không mong muốn với cả Bắc Kinh và Washington. Hơn nữa, bất chấp những lời lẽ công kích lẫn nhau, 2 bên vẫn duy trì một số kênh liên lạc giúp giảm thiểu rủi ro”, chuyên gia nhân định.
Với Tiến sĩ Hosoda Takashi, ông cho rằng Washington cũng rất cẩn trọng, cân nhắc trong việc đưa ra phản ứng trước các động thái của Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Tuy nhiên, mục đích của các hành động của Washington không phải là giải quyết từng tranh chấp mà tập trung vào chỉ trích và ngăn chặn sự trỗi dậy Bắc Kinh. Mỹ vẫn cẩn trọng trong sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế thay vì gây áp lực quân sự đối với Trung Quốc”, ông Hosoda Takashi nhấn mạnh.
Chuyên gia đến từ Trung tâm Đối ngoại Tokyo cho rằng, cần quan sát thái độ của người Mỹ sẽ tiếp tục như thế nào sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới đây để xác định rõ ràng hơn chính sách của Washington đối với Bắc Kinh.
Căng thẳng Mỹ - Trung nóng lên những ngày qua sau hàng loạt động thái của 2 nước ở Biển Đông. Sáng 26/8, Trung Quốc phóng 2 tên lửa đạn đạo ra Biển Đông chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh cáo buộc Mỹ điều máy bay trinh sát U-2 vào một "vùng cấm bay" khi nước này tiến hành tập trận quân sự bắn đạn thật.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ áp lệnh trừng phạt 24 công ty và nhiều cá nhân Trung Quốc bị cho là có liên quan tới hoạt động xây dựng và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Trong một tuyên bố riêng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Mỹ sẽ cấm nhập cảnh đối với các công dân Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan tới hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông.
Trước những hoạt động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam tiếp tục thể hiện lập trường nhất quán đối với vùng biển này. Ngày 26/8, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tập trận quân sự tại vùng biển phía Bắc Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, hủy bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự”.