Chuyên gia ĐH Harvard cảnh báo không nên đóng cửa trường quá lâu

Trước thực tế số ca mắc Covid-19 tại Mỹ tăng vọt vì biến chủng Omicron, chuyên gia y tế công cộng tại ĐH Harvard vẫn cho rằng nên để trẻ đến trường.

Hệ thống trường công lập tại Chicago, Mỹ, vừa quyết định đóng cửa cơ sở giáo dục sau khi liên minh giáo viên và thành phố nảy sinh xung đột về việc dạy học trực tiếp trong bối cảnh ca mắc Covid-19 tăng vọt vì biến chủng Omicron.

Trên cả nước Mỹ, hàng nghìn trường học ra quyết định tương tự hoặc hoãn mở cửa sau kỳ nghỉ đông vì làn sóng mới của đại dịch.

Tuy nhiên, từ góc độ chuyên gia, ông Joe Allen, phó giáo sư tại ĐH Harvard, chuyên ngành Y tế công cộng, cho rằng mặt trái của việc không cho trẻ đến trường còn vượt xa những rủi ro do Covid-19 mang lại.

 PGS Joe Allen cho rằng trường học nên mở cửa vì mặt trái từ việc để trẻ ở nhà còn lớn hơn nguy cơ do dịch gây ra. Ảnh: The Harvard Gazette.

PGS Joe Allen cho rằng trường học nên mở cửa vì mặt trái từ việc để trẻ ở nhà còn lớn hơn nguy cơ do dịch gây ra. Ảnh: The Harvard Gazette.

Đóng cửa trường gây hậu quả lớn hơn dịch bệnh

Theo PGS Allen, ý kiến ủng hộ cho trẻ đến trường dựa trên 2 lập luận xuất hiện rất sớm trong đại dịch - nguy cơ trẻ nhiễm SARS-CoV-2 thấp và cái giá của việc nghỉ học quá lớn.

Ông cũng cho rằng tình thế của Mỹ hiện tại khác với hồi tháng 3/2020. Họ biết nhiều hơn về đại dịch và có thêm các “công cụ” để phòng, chống.

Bên cạnh đó, lập luận trẻ ít có nguy cơ mắc Covid-19 được chứng minh qua các đợt dịch với từng biến thể của SARS-CoV-2. Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ trong các đợt dịch do biến chủng Alpha, Delta, thậm chí Omicron, gây ra đều ở mức dưới 1/100.000.

Ông Joe Allen nhận định đây là căn cứ quan trọng vì ở thời đại nào, xã hội cũng phải chấp nhận mọi thứ có mức độ rủi ro nhất định.

Hai yếu tố tác động đến nguy cơ trước đại dịch là tuổi tác và tình trạng tiêm vaccine. Theo PGS Allen, rất may, trẻ em thuộc nhóm nguy cơ thấp. Hơn nữa, Mỹ đã có vaccine cho trẻ trong độ tuổi đi học. Vaccine cũng có hiệu quả lớn trong việc giảm nguy cơ bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển biến nặng hay tử vong, kể cả với biến chủng Omicron.

Để củng cố quan điểm nên cho trẻ đến trường, PGS Joe Allen còn đưa ra các mặt trái của việc để học sinh ở nhà, học trực tuyến.

Theo ông, từ 2 năm trước, các chuyên gia đã dự đoán được hậu quả của việc đóng cửa trường học. Trong đó, dễ thấy nhất là chất lượng học tập giảm sút.

Ở môn Đọc - hiểu, Toán, trẻ tụt lại khoảng 4-5 tháng so với khi đến lớp học trực tiếp. Những học sinh da màu hoặc gốc Tây Ban Nha chịu thiệt thòi lớn hơn.

Đó mới chỉ là thống kê đối với trẻ em có thể duy trì việc học trong đại dịch. Nhiều em thậm chí bỏ học và hứng chịu hậu quả nghiêm trọng hơn.

“Trường học là nơi đầu tiên giúp chúng ta phát hiện các vấn đề trẻ gặp trong gia đình như bị bạo hành, bỏ rơi hay ngược đãi. Quan niệm việc đóng cửa trường trong thời gian ngắn không gây ảnh hưởng gì hoàn toàn sai”, PGS Allen nêu quan điểm.

Ông dẫn ví dụ cụ thể tại thành phố New York, chỉ vài tháng đóng cửa trường học, hàng nghìn vụ trẻ bị ngược đãi đã không được báo cáo.

Ông cùng đồng nghiệp, GS Sara Bleich từ trường Y tế công cộng (ĐH Harvard), nghiên cứu về tác động của đại dịch lên trẻ em, dinh dưỡng, an ninh lương thực.

Họ nhận thấy dịch còn ảnh hưởng lớn đến phụ nữ đi làm khi họ chịu gánh nặng chăm sóc, dạy dỗ con cái ở nhà khi trường lớp đóng cửa. Vì vậy, họ cho rằng khi nhắc đến rủi ro ở trường, mọi người không thể chỉ nghĩ đến nguy cơ mắc Covid-19 tại lớp học, mà còn cần suy xét đến điều gì sẽ xảy ra khi để trẻ ở nhà.

Ông đánh giá ý tưởng đóng cửa trường để bảo vệ học sinh, giáo viên trước đại dịch là sai lầm vì bên ngoài trường, họ vẫn tiếp xúc xã hội, đứng trước nguy cơ nhiễm virus.

“Chúng ta thấy rõ điều này sau kỳ nghỉ đông. Giáo viên, học sinh không đến lớp nhưng khi đi học trở lại, thậm chí trước khi họ bước chân vào cổng trường, kết quả xét nghiệm cho thấy 1/3 trong số họ dương tính với SARS-CoV-2”, PGS Allen giải thích thêm.

Ủng hộ việc mở cửa trường học ngay cả khi số ca mắc tăng vọt vì biến chủng Omicron, ông Joe Allen cho rằng cần trấn an mọi người, đặc biệt những giáo viên lo sợ dạy học trực tiếp khiến họ dễ mắc Covid-19, rằng họ đã được tiêm chủng, đồng thời được bảo vệ bởi các biện pháp tăng cường.

Ông nêu ví dụ các trường học tại Chicago đã nâng cấp hệ thống lọc gió, đủ tiền để thực hiện các biện pháp kiểm dịch trong vòng 18 tháng.

“Tôi không hiểu nổi quyết định đóng cửa trường tùy tiện đó khi chúng ta đã có danh sách dài những tác hại của việc không cho trẻ đến lớp, ngược hẳn với ý nghĩ chỉ đóng cửa trường trong 2 ngày, một tuần hay 2 tuần, hoặc cũng có thể 3 tuần. Tôi nghĩ đây là sai lầm, bỏ phí kinh nghiệm chúng ta học được từ 2 năm qua cùng các công cụ chống dịch hiện tại. Trường học không nên đóng cửa”, ông Allen nhấn mạnh.

 Nhiều trường ở Mỹ thực hiện xét nghiệm để những học sinh không mắc Covid-19 có thể học trực tiếp. Ảnh: The Washington Post.

Nhiều trường ở Mỹ thực hiện xét nghiệm để những học sinh không mắc Covid-19 có thể học trực tiếp. Ảnh: The Washington Post.

Xét nghiệm để mở cửa trường

PGS Joe Allen nói những người đã tiêm vaccine được bảo vệ khỏi các biến chứng nặng do Covid-19 gây ra. Khi nhiễm virus, nhiều người trong số họ vẫn phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc Covid-19 khi đã tiêm đủ liều vaccine phải nhập viện thấp hơn so với tỷ lệ nhập viện ở bệnh nhân chưa được tiêm vaccine. Ông cho rằng nhiều người bỏ sót số liệu này khi nói về hiệu quả của tiêm ngừa Covid-19.

“Tôi nghĩ điều này khiến xã hội lo ngại về việc mở cửa trường học. Mọi người lo lắng là điều dễ hiểu nhưng họ nên yên tâm hơn khi giáo viên, học sinh đã tiêm chủng, đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình trước đại dịch”, chuyên gia từ Harvard nói.

Ông cũng ủng hộ chiến lược xét nghiệm cho giáo viên, học sinh khi họ đến trường mà CDC Mỹ khuyến cáo để hạn chế việc dạy học trực tuyến.

Theo ông, cách ly là biện pháp thô sơ được sử dụng khi dịch Covid-19 mới bùng phát, khó xác định ai đã nhiễm virus.

Hiện tại, mọi người rõ ràng có thể xét nghiệm để biết ai dương tính với SARS-CoV-2. Những trẻ không mắc Covid-19, kể cả trẻ tiếp xúc gần người bệnh, vẫn có thể đến lớp, nếu kết quả xét nghiệm của các em âm tính.

Đồng thời, ông ủng hộ chính sách “xét nghiệm để quay lại”, nghĩa là người mắc Covid-19 có thể quay lại trường khi có xét nghiệm âm tính mà không cần cách ly đủ thời gian như các quy định trước đây.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà các trường gặp phải là không có đủ kit test để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.

Bách Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-dh-harvard-canh-bao-khong-nen-dong-cua-truong-qua-lau-post1288629.html