Chuyện gia đình có người vướng 'tín dụng đen'
Khuya ngày hôm đó, căn nhà của bố mẹ tôi bị tạt chất thải trộn dầu luyn. Một ngày sau, tiếng chuông lại đổ trên điện thoại của mẹ tôi. Mẹ vừa nhấc máy, những lời chửi rủa tục tằn, cay nghiệt lại vang lên.
Đối tượng của app cho vay yêu cầu truy cập danh bạ điện thoại của em tôi ngay từ lúc em đặt vấn đề vay. Vì vậy, không chỉ mẹ tôi, lần lượt những người trong gia đình tôi và một số người quen của chúng tôi cũng đều nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn tương tự và không chỉ một lần. Có nhiều con đường để vướng vào tín dụng đen nhưng dù là con đường nào, một khi vướng vào cũng đều khó có thể thoát ra. Em tôi là sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Bố mẹ tôi vẫn chu cấp tiền cho em hằng tháng. Vậy nhưng cuộc sống xa nhà, không ai quản lý, em tôi đã vướng vào tín dụng đen và chuyện chỉ vỡ lở khi số nợ của em tôi lên đến cả tỷ đồng. Chuyện bắt đầu từ việc em tôi thử vận may trong lô đề, say sưa đến mức vay app này trả app kia kéo dài không thể thoát ra. Những khoản vay bao giờ cũng bị trừ ngay tiền lãi và các khoản có tên phí xét duyệt, phí giải ngân.
Ban đầu em tôi vay với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng hoặc hơn cho một ngày, tương đương với mức lãi suất 300%/năm. Em tôi đã nghĩ với 5.000 đồng/ngày, việc trả nợ dễ dàng, chỉ cần bớt đi vài chén trà đá là đủ. Nhưng sự đời tưởng dễ mà hóa ra quá khó, không những không trả được lãi mà cứ vài ngày, em tôi lại phải vay thêm một lần. Nợ gốc, nợ lãi liên tục sinh sôi, em tôi ngày càng ngập chìm trong cái bẫy do chính mình tạo ra. Ban đầu, khi bị dồn, em gọi về cho bố mẹ nói mình phải chuyển nhà trọ, cần một khoản để đặt cọc. Mặt khác, nhà trọ mới lại không có sẵn những thiết bị cơ bản nên phải sắm đồ, rồi một số khoản khác cho đồ án tốt nghiệp, đi thực tế... Những khoản tiền đó thực chất đều cho một mục đích là trả lãi các app mà em tôi trót vay. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi hàng xóm của gia đình cho biết chứng minh thư nhân dân của em tôi được phóng to đang bị dán ở cột điện đầu ngõ kèm theo lời vu khống lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chưa hết, bạn của em tôi còn chia sẻ cho tôi biết hình ảnh và lời lẽ tương tự về em cùng địa chỉ gia đình tôi đang nổi trôi trên mạng xã hội.
Sau đó một ngày, một người đàn ông gọi điện cho mẹ tôi xối xả chửi rủa. Anh ta cho biết em tôi đã vay trên app của họ, đến nay cả gốc, lãi là 200 triệu đồng và cho số tài khoản để thanh toán đúng hạn, nếu không sẽ “xử” cả nhà. Mẹ tôi thất thần, gọi lại cho họ thì không được vì họ thường dùng nhiều số điện thoại và khóa một chiều. Liên tục những ngày sau đó, nhân viên các app vay mới cũng không ngừng “khủng bố” tinh thần người thân trong gia đình tôi với lời lẽ thậm tệ và xúc phạm. Hai mái đầu bạc gầy xọp đi, hốc hác vì gánh nợ của con. Bố mẹ tôi đã quyết định bán đất để trả hết những món nợ của em tôi.
Vay thì phải trả là lẽ thường tình nhưng phải trả gấp vài chục lần số tiền vay thì thực tế "tín dụng đen" chẳng khác gì bọn "cướp ngày". Mong rằng, cơ quan chức năng có biện pháp để "tín dụng đen" không còn đất sống. Hôm nay, đầu phố nhà tôi có người lại vướng "tín dụng đen". Tôi giật mình nhớ lại những tin nhắn khủng bố, bao cuộc điện thoại dọa dẫm, bôi nhọ, lăng mạ trên mạng, dán ảnh chân dung lên các cột điện, tạt chất thải, thuê xã hội đen đến tận nhà... mà gia đình tôi vừa mới bước qua. Kể chuyện của nhà mình, tôi mong rằng mỗi người cần biết nghĩ đến gia đình trước khi vay. "Tín dụng đen" vay thì dễ mà thoát ra thì khó và biết bao nhiêu người đã lâm vào đường cùng, mất nhà, mất đất, người thân khốn khổ, hôn nhân đổ vỡ...