Chuyên gia giải thích về hiện tượng nước sông Hồng đổi màu, trong xanh như 'ngọc'
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, sự mất đi màu đỏ quen thuộc của sông Hồng, chính là vì bị mất đi phù sa của nó.
Những ngày qua, nhiều người dân sinh sống tại Lào Cai không còn xa lạ với dòng nước sông Hồng bất ngờ chuyển màu xanh như "ngọc". Nước trong xanh đến nỗi, người dân có thể nhìn được cận cảnh rong, rêu mọc xen giữa các hòn đá cuội dưới lòng sông.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tượng trên là do phía Trung Quốc xả nước thủy điện vào mùa khô.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN khẳng định, hiện tượng đó liên quan đến lượng phù sa trong nước bị mất đi.
GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích, sông Hồng bao gồm nhánh chính là sông Thao và 2 nhánh phụ là sông Lô và sông Đà. Thượng nguồn sông Thao nằm ở đất Trung Quốc được gọi là sông Nguyên, bắt nguồn từ địa phận Mao Thảo Tiêu thuộc huyện Ngụy Sơn, châu Đại Lý, tỉnh Vân Nam.
"Sông Hồng đi qua nhiều huyện thị của tỉnh Vân Nam, rồi chảy vào địa phận xã A Ma Sung, huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai. Do sông Nguyên đi qua những vùng đất hoàng thổ, nên phù sa của nó có màu đỏ và chúng ta gọi là sông Hồng", GS.TS Vũ Trọng Hồng cho hay.
"Giai đoạn này bắt đầu là mùa khô, nên có thể người dân ở thượng nguồn đang lấy nước sông có lớp phù sa trên mặt để tưới ruộng, khiến dòng sông trở thành trong xanh", GS.TS Vũ Trọng Hồng nhận xét thêm: "Giống như ở Việt Nam chúng ta trước đây, tỉnh Thái Bình đã có một thời đi đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp và được vinh danh là quê hương 5 tấn. Bởi chính Thái Bình đã có kinh nghiệm vận hành cống lấy nước để lấy sa vào ruộng".
Vậy hiện tượng nước trong xanh này có gây biến đổi dòng chảy trên sông không?
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, những biểu hiện biến đổi dòng chảy trên sông, như xói lở, bồi lắng bờ sông thì không bị ảnh hưởng. Bởi chỉ những chất di đẩy như cát, sỏi, đá di chuyển ở sát đáy sông mới có tác dụng và chính việc xây dựng thủy điện trên sông mới gây ra hiện tượng biến đổi dòng chảy.
"Còn hiện tượng đổi màu chỉ làm giảm năng suất cây trồng ven sông, không có biểu hiện gì ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Hồng", GS.TS Vũ Trọng Hồng đánh giá.
Để kết luận, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng: "Chúng ta không quá lo lắng vì thiếu phù sa sông Hồng mà năng suất cây trồng bị giảm, bởi Việt Nam đã có kinh nghiệm canh tác để giữ được sự màu mỡ đất đai bao nhiêu thế hệ rồi. Biện pháp luân canh, trồng các loại cây xen kẽ, bón các loại phân hữu cơ, bón thúc bằng loại phân hóa học... đều có tác dụng vừa tạo ra năng suất, vừa giữ được sự màu mỡ của đất trồng".