Chuyên gia gợi ý Ukraine nên đàm phán với Nga để câu giờ chờ viện trợ Mỹ

Một số nhà quan sát cho rằng, việc bắt đầu đàm phán với Nga sẽ giúp Ukraine câu giờ bởi gói hỗ trợ mới được thông qua của Mỹ sẽ không thể đến tay Kiev ngay lập tức.

Gói hỗ trợ mới của Mỹ thay đổi tình thế của Ukraine thế nào?

Các chuyên gia về chiến tranh cho rằng, Ukraine nên sử dụng gói hỗ trợ trị giá 61 tỷ USD của Mỹ một cách cẩn trọng bởi có khả năng sự hỗ trợ của Washington có thể lại bị trì hoãn do các vấn đề chính trị.

Jennifer Kavanagh, thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie cho biết: “Mọi cuộc tranh luận về bước đi tiếp theo sẽ ngày càng gây tranh cãi và kéo dài. Liệu kế hoạch sẽ như thế nào nếu không còn tiền nữa".

Binh lính Ukraine trong chiến hào ở Kharkiv. Ảnh: Getty

Binh lính Ukraine trong chiến hào ở Kharkiv. Ảnh: Getty

Trong một cuộc thảo luận của tổ chức Defense Priorities, các chuyên gia như Kelly Grieco - học giả cấp cao tại Trung tâm Stimson cho rằng "mọi người liên quan đến cuộc xung đột này nên coi gói hỗ trợ trên như thể đây là gói hỗ trợ cuối cùng bởi có thể nó là như vậy".

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo với một ứng viên đảng Cộng hòa ít ủng hộ Ukraine cũng như những chia rẽ trong các cuộc thảo luận về hỗ trợ an ninh cho Kiev trong Quốc hội có thể làm phức tạp thêm việc thông qua các gói hỗ trợ tương lai cho Ukraine.

"Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ là người nắm quyền vào tháng 1", bà Kavanagh nói, đồng thời cho biết dù là ai thì người đó chắc chắn "sẽ không mong muốn bắt đầu một cuộc xung đột vào tháng 1/2025".

Gói hỗ trợ trị giá 61 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ thông qua sẽ cung cấp cho Ukraine một loạt vũ khí để có thể giúp nước này ngăn cản bất kỳ đột phá lớn nào của Nga trong những tháng tới. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp ngắn hạn trước lợi thế áp đảo của Moscow cả về vũ khí và lực lượng. Giới quan sát nhận định, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu phải áp dụng một hướng tiếp cận dài hạn và bài bản hơn để cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Sự hỗ trợ này cần được đảm bảo trước những xu hướng chính trị thay đổi ở nhiều nước phương Tây.

Từ cuối năm 2023, tác động tiêu cực của việc trì hoãn hỗ trợ cho Ukraine đã trở nên quá rõ ràng. Trong khi quân đội Ukraine bị áp đảo với tỷ lệ 1 chọi 10 về hỏa lực pháo binh thì Nga đã tiến công ở nhiều điểm dọc 1.000km tiền tuyến, giành được thị trấn Avdiivka vào tháng 2/2024 và tiếp tục tiến xa hơn trong những tuần gần đây. Các chỉ huy của Nga cũng lợi dụng các lỗ hổng phòng không của Ukraine để tiến hành chiến dịch ném bom mới nhằm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

Ngay sau khi đến tay Kiev, gói hỗ trợ quân sự của Mỹ sẽ phải giải quyết những thách thức cấp bách nhất mà Ukraine đang đối mặt. Gói hỗ trợ này bao gồm các hệ thống phòng không và tên lửa đánh chặn giúp bảo vệ các khu dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các cuộc ném bom của Nga. Ngoài ra, các đợt vận chuyển đạn pháo và tên lửa tầm xa sẽ khiến các lực lượng của Moscow gặp khó khăn trong việc tiến công và giành thêm lãnh thổ của Ukraine. Ưu thế trên không của Nga ở chiến trường miền Đông và miền Nam cũng sẽ ngày càng bị thách thức.

Tuy nhiên, gói hỗ trợ mới này không cung cấp cho Ukraine đủ số lượng vũ khí mà họ cần để đánh bại Nga. Điều này từng là vấn đề ngay từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022. Trong khi phương Tây cung cấp hỗ trợ quân sự đáng kể cho Ukraine thì các vũ khí này thường đến tay Kiev sau nhiều trì hoãn và không đủ về số lượng.

Cuộc họp đầu tiên của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine với sự tham gia của 50 nước nhằm hỗ trợ Kiev, đã không diễn ra cho tới 2 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Cũng phải mất gần 1 năm tới khi các nước thành viên NATO nhất trí cung cấp cho Ukraine số lượng khiêm tốn xe tăng hiện đại và trong khi xung đột đang ở năm thứ ba, Ukraine vẫn chờ nhận được những tiêm kích F-16 đầu tiên. Tình trạng khan hiếm các gói hỗ trợ đã cho thấy sự mong manh trong hướng tiếp cận hiện tại của phương Tây về việc trang bị vũ khí cho Ukraine.

Đàm phán với Nga để câu giờ chờ viện trợ

Với việc gói hỗ trợ của Mỹ chỉ vừa được thông qua, một số nhà phân tích về xung đột đánh giá, các động thái tiếp theo của Ukraine để tận dụng tốt nhất gói hỗ trợ mới nên bao gồm việc tăng cường phòng thủ và khai thác khả năng đàm phán với Nga.

"Tôi nghĩ Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột này. Họ không thể giành chiến thắng về mặt quân sự nhưng có thể giành chiến thắng về mặt chính trị. Ukraine thực sự có thể giành được thắng lợi về chính trị bằng cách không cho Tổng thống Putin đạt được mục tiêu chính của mình. Khi đó, Ukraine vẫn là một nhà nước độc lập với Nga", chuyên gia Grieco nhận định.

Cả hai chuyên gia Grieco và Kavanagh đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ukraine mang gì đến bàn đàm phán và sử dụng ngoại giao với Nga để ngăn tổn thất thêm về lãnh thổ.

Trong khi đó, các chuyên gia khác cũng như các quan chức Ukraine đã chỉ trích những lời kêu gọi đàm phán giữa Kiev và Moscow, đồng thời cho biết Tổng thống Vladimir Putin sẽ yêu cầu "phi quân sự hóa" Ukraine và lợi dụng việc này để đạt được các mục tiêu của mình.

Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington trong một báo cáo hồi tháng 3 cho rằng "Tổng thống Putin tiếp tục duy trì các mục tiêu tối đa ở Ukraine, tức là sự đầu hàng hoàn toàn của Kiev và phương Tây", đồng thời cáo buộc "Nga không quan tâm đến những cuộc đàm phán thiện chí với Ukraine".

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thì nhận định, Nga không đáng tin và đây là một thực tế mà ông cho là đã được chứng minh qua những thất bại trong các cuộc đàm phán trước đây.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Nga sẵn sàng tham gia đối thoại để giải quyết vấn đề Ukraine và đảm bảo an ninh cho nước này nhưng chỉ trên những điều kiện bình đằng, phù hợp với lợi ích an ninh quan trọng của Moscow. Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng, việc thảo luận nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine trên cơ sở "công thức hòa bình" của Tổng thống Volodymyr Zelensky là sự lãng phí thời gian và trí tuệ một cách vô nghĩa.

Thách thức hiện nay của Ukraine là việc gói hỗ trợ bị trì hoãn trong 6 tháng qua đã đặt nước này vào tình thế khó khăn và điều đó khó có thể giải quyết ngay lập tức kể cả khi việc viện trợ đã được thông qua.

Trong cuộc thảo luận ngày 24/4, bà Kavanagh cho rằng, bắt đầu đàm phán sẽ giúp Ukraine câu giờ bởi gõi hỗ trợ được thông qua của Mỹ sẽ không thể đến ngay lập tức.

“Thực tế là điều đó có liên quan đến vấn đề chính trị, tức là mọi thứ sẽ không hoàn hảo và sẽ có những sự trì hoãn nhất định”, chuyên gia này cho hay.

Kiều Anh/VOV.VN Theo: Business Insider, Atlantic Council

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chuyen-gia-goi-y-ukraine-nen-dam-phan-voi-nga-de-cau-gio-cho-vien-tro-my-post1091656.vov