Chuyên gia gợi ý về quan hệ kinh tế - thương mại Pháp - Việt
Kể từ đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, khi đất nước Việt Nam mở cửa đón làn gió đầu tư thương mại nước ngoài, Pháp là một trong những nước đầu tiên đến với thị trường mới này. Trải qua hơn 30 năm, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Pháp đã có những thay đổi.
Tiến sĩ Jean-Philippe Eglinger, Viện nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (INALCO), đã có buổi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp để giải mã về mối quan hệ này nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973 - 12/4/2023) và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.
Đánh giá về quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong thời gian qua, ông Eglinger cho biết kể từ đầu những năm 1990, quan hệ song phương đã ghi nhận nhiều tiến bộ, thể hiện qua việc ký kết quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013. Mối quan hệ lâu đời, tin cậy và toàn cầu này đã được tăng cường với sự gia tăng tần suất các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau. Quan hệ đã mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác mới như chống biến đổi khí hậu, trong đó Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) là bên đóng vai trò chính.
Tuy nhiên, chuyên gia Eglinger cho rằng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Pháp còn chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng của nền kinh tế hai nước. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Ngân khố Pháp, số vốn đầu tư của Pháp vào Việt Nam dao động trong khoảng từ 2 - 3,8 tỷ euro trong năm 2022. Pháp đứng thứ 16 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và thứ 3 trong số các nước châu Âu sau Hà Lan và Vương quốc Anh, tạo ra 25.000 việc làm trong tổng số hơn 53 triệu dân đang trong độ tuổi lao động ở Việt Nam. Mức đầu tư này so với tổng số tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài được ghi nhận kể từ năm 1987 chiếm xấp xỉ 1%.
Về hiện diện thương mại, cơ quan này cũng chỉ ra trong báo cáo rằng năm 2022, thâm hụt thương mại của Pháp đối với Việt Nam là 5,7 tỷ euro, tăng 35% so với năm trước. Với việc nối lại hoạt động thương mại sau đại dịch COVID-19, cán cân ngoại thương Pháp đang thâm hụt về cơ cấu so với Việt Nam và vị thế thương mại đang giảm theo hướng có lợi cho các đối tác khác, đặc biệt là các nước châu Âu như Đức, Italy và Anh. Năm 2022, thị phần của Pháp chỉ chiếm khoảng 0,5%.
Theo ông Eglinger, vị thế kinh tế này có vẻ như khiêm tốn so với mối quan hệ chính trị mạnh mẽ giữa Việt Nam và Pháp. Lý giải về điều này, ông cho rằng trước hết cần xem xét các con số về đầu tư và vị thế thương mại của Pháp tại Việt Nam. Các công ty Pháp hoạt động tại Việt Nam hoặc các sản phẩm của Pháp đến Việt Nam thường thông qua các nước thứ ba, Trung Quốc hoặc các nước ASEAN, do đó các con số này không được tính vào số liệu thống kê của Tổng cục Ngân khố Pháp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Pháp hiện diện sớm và mạnh mẽ tại Việt Nam sau khi Tổng thống Francois Mitterrand thăm Hà Nội vào tháng 2/1993, nhưng không thể tự duy trì và thích ứng với tình hình kinh tế và quốc tế mới. Những doanh nhân trẻ người Pháp định cư tại Việt Nam vào đầu những năm 1990 đã phát triển cho một số công ty lớn như OpenAsia, Appletree, Archetype, Rostaing… Các nỗ lực đã được thực hiện như công ty Leflair trên các nền tảng thương mại điện tử vào năm 2019, nhưng không thành công. Trong khi những công ty thành công trong thập niên 90 ở lĩnh vực phân phối đã bị bán (như Big C) hoặc bị rút về vì không hiệu quả (như Auchan). Nhiều tập đoàn lớn được thành lập vào đầu những năm 1990 đã rời Việt Nam hoặc thu hẹp quy mô hoạt động. Tuy nhiên, chuyên gia Eglinger cho rằng có thể kích hoạt lại các cấu trúc này, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng…
Vị trí của Pháp tại Việt Nam đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Ông Eglinger cho rằng nước Pháp có vị thế là một cường quốc kinh tế tầm trung, có thể hỗ trợ Việt Nam thông qua vai trò trong một số tổ chức quốc tế. Theo chuyên gia này, các mạng lưới của Pháp được thành lập vào những năm 1990 đã chứng tỏ được vị thế trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng bắt đầu suy giảm tương đối và cần có sự thúc đẩy mạnh mẽ.
Ông Eglinger đề xuất một số cách thức mới để tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam. Trước hết là trong lĩnh vực nông nghiệp-lương thực để ứng phó với vấn đề an ninh lương thực, công nghệ thông tin mới để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa và hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0, y tế để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Theo chuyên gia này, Việt Nam đang chuyển đổi từ đầu tư công sang tài trợ tư nhân hoặc công - tư kết hợp. Do đó, Pháp cần điều chỉnh kế hoạch tài chính phù hợp với các định hướng mới. Trong lĩnh vực công nghiệp, Pháp có thể tham gia cung cấp kỹ năng trong các lĩnh vực mà đối tác Việt Nam mong muốn phát triển nhằm đáp ứng thách thức trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông cho rằng giáo dục và đào tạo cũng là lĩnh vực mà năng lực của Pháp được công nhận và đánh giá cao tại Việt Nam. Hiện Pháp đang có nhiều chương trình đào tạo tài năng và các dự án mới tại Việt Nam. Đặc biệt là các chương trình đào tạo này dựa trên cơ sở thành lập các vườn ươm hỗn hợp Pháp - Việt nhằm phát triển các công ty khởi nghiệp chung trong các lĩnh vực tiềm năng.
Tháng 7/2019, Chủ tịch Vùng Ile-de-France đã ký Biên bản ghi nhớ với thành phố Hà Nội về việc thành lập một vườn ươm (với sự hỗ trợ của AFD) - "Vườn ươm khởi nghiệp Hà Nội Pháp" (Hanoï French City Lab) - nhằm tạo nên một thành phố thông minh. Nhiều dự án hợp tác khởi nghiệp khác giữa Ile-de-France và Hà Nội đang được triển khai như hợp tác giữa Vườn ươm Công nghệ của Saclay (IncubAlliance) với Vườn ươm của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Điều này mở ra các kênh đầu tư và hợp tác mới, với các cơ sở ươm tạo/vườn ươm/trung tâm phát triển doanh nghiệp có thể là nền tảng hỗ trợ cho cả doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là của các tỉnh của Pháp.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh điều cần thiết và cấp bách là phải xem xét việc đào tạo ban đầu cho các doanh nhân của Pháp, những người sẽ đến Việt Nam. Họ phải có kiến thức vững chắc về ngôn ngữ và văn hóa của Việt Nam để tự tin, chủ động tại Việt Nam.