Chuyên gia góp ý xây dựng hồ sơ cho Huế tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo
Ngày 22/9, tại TP Huế, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học 'Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và khả năng chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa ở Huế'.
Đến tham dự hội thảo có đông đảo các đại biểu là các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sĩ, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UNESCO Creative Cities Network - UCCN) là sáng kiến được khởi xướng vào năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác với và giữa các thành phố đã công nhận sáng tạo là yếu tố chiến lược của phát triển bền vững liên quan đến các khía cạnh kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Tính đến năm 2023, đã có 301 thành phố gia nhập UCCN.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, tại Việt Nam đến thời điểm này mới có Hà Nội là thành phố duy nhất đã chính thức tham gia UCCN ở lĩnh vực Thiết kế vào năm 2019.
Năm 2021, Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng Đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam, và đã xác định các thành phố tiềm năng như: Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu, TPHCM.
Đến tháng 6/2023, với sự giúp đỡ của các cơ quan trung ương, TP Đà Lạt đã trình hồ sơ gia nhập UCCN ở lĩnh vực Âm nhạc và TP Hội An trình hồ sơ ở lĩnh vực Thủ công và nghệ thuật dân gian. Trong lộ trình đó, hội thảo được tổ chức lần này như một bước vận động, chuẩn bị để TP Huế trở thành thành viên của UCCN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung chính như: Kinh nghiệm của các thành phố tham gia vào UCCN tại Việt Nam và trên thế giới. Những chuyển biến, thành quả đạt được sau khi các thành phố tham gia UCCN. Tiêu chí ghi danh vào UCCN tham chiếu với điều kiện của Việt Nam: cơ hội, tiềm năng, thách thức và giải pháp. Cơ hội và lựa chọn cho Huế, điều kiện để TP Huế đáp ứng các tiêu chí này. Đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển công nghiệp sáng tạo ở các thành phố của Việt Nam, đặc biệt tham chiếu cho trường hợp TP Huế theo định hướng đô thị sinh thái và di sản.
Bên cạnh đó, đại biểu đã thảo luận về các mô hình và xu hướng phát triển các không gian văn hóa - sáng tạo, trung tâm sáng tạo tại các thành phố của Việt Nam; những ý tưởng và dự án cụ thể để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo của Huế; cơ hội hợp tác giữa Huế và các thành phố khác trong UCCN, cũng như giá trị của việc tham gia mạng lưới này đối với Huế. Thảo luận về những chính sách và giải pháp cần thiết để hỗ trợ sự phát triển ngành kinh tế sáng tạo của TP Huế.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, việc hình thành các trung tâm sáng tạo hoạt động trong môi trường thành phố sáng tạo là cơ hội để khai thác tài nguyên văn hóa Huế, để người dân có cơ hội sáng tạo những khác biệt về giá trị sản phẩm văn hóa của mình và mục tiêu xuyên suốt là hình thành mô hình, sản phẩm sáng tạo cụ thể để tạo ra những giá trị trong nền kinh tế, phục vụ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Điều quan trọng nữa là chính người dân là chủ thể được hưởng lợi trực tiếp, được có cơ hội nhiều hơn trong sáng tạo, trong duy trì những giá trị truyền thống những sản phẩm của mình trong điều kiện thị trường mới với quy mô, tầm vóc quốc gia. Hình thành một lộ trình công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo phải là mục tiêu, định hướng, là sản phẩm của thành phố sáng tạo.
Góp ý kiến cho việc xây dựng hồ sơ của TP Huế tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truyền thông Lê, việc lựa chọn lĩnh vực gì cần phải quan tâm đến 4 vấn đề đó là: Lĩnh vực được lựa chọn có thu hút được nguồn lực đầu tư hay không?; Lĩnh vực được lựa chọn phải thu hút được nguồn lực sáng tạo đến với TP Huế; Lĩnh vực được lựa chọn phải tạo ra được giá trị kinh tế cao và lĩnh vực được chọn phải được dùng để thu hút, phát triển du lịch.
Mạng lưới UCCN bao gồm 7 lĩnh vực sáng tạo: Thủ công và nghệ thuật dân gian, Thiết kế, Phim, Ẩm thực, Văn học, Nghệ thuật truyền thông, Âm nhạc. Các mục tiêu của mạng lưới được triển khai ở cả cấp độ thành phố thành viên và cấp quốc tế, đặc biệt là thông qua các lĩnh vực hành động, như: Chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và thực hành tốt nhất; Các dự án thí điểm, quan hệ đối tác và các sáng kiến liên kết các khu vực công tư nhân, và xã hội dân sự; Chương trình và Mạng lưới trao đổi chuyên nghiệp và nghệ thuật; Nghiên cứu và đánh giá về kinh nghiệm của các thành phố sáng tạo; Chính sách và biện pháp phát triển đô thị bền vững; Hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức.