Chuyên gia hiến kế cứu cây xanh Hà Nội sau bão số 3

Theo chuyên gia, cứu cây xanh ở Hà Nội gãy đổ sau cơn bão số 3 không đơn giản là chỉ cần trồng lại tại chỗ, lấp đất lại, cắt tỉa cành... Ngoài ra, thời tiết nắng nóng sẽ khiến nhiều cây khó sống được.

Hàng loạt cây xanh gãy đổ có nguy cơ thành củi khô

Ngày 7/9, bão Yagi quét qua Hà Nội với sức gió mạnh nhất 102 km/h, cấp 10, giật cấp 12 làm nhiều cây xanh gãy đổ. Thống kê đến ngày 13/9 thành phố có trên 40.000 cây gãy đổ, chủ yếu ở khu vực trung tâm. Ngoài ra còn 8 quận huyện chưa báo cáo gồm Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Long Biên, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ.

Trong số 40.000 cây gãy đổ có hơn 13.600 cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác do thành phố quản lý) gồm: 10.589 cây đổ, bật gốc; 3.069 cây cành gãy, cây gãy ngọn. Cây do quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khác khu đô thị, cơ quan, đơn vị là hơn 26.300.

Cây xanh gãy đổ vẫn ngổn ngang các tuyến phố ở Hà Nội.

Cây xanh gãy đổ vẫn ngổn ngang các tuyến phố ở Hà Nội.

Theo Sở Xây dựng, dù huy động 100% lực lượng, thiết bị của các đơn vị, cùng sự hỗ trợ từ lực lượng vũ trang, các tỉnh thành nhưng số cây hư hỏng quá nhiều, việc di dời chưa đáp ứng yêu cầu.

Tính đến ngày 12/9, các đơn vị đã giải tỏa 660 cây, xử lý nhưng chưa thu dọn, di dời trên 6.729 cây; đang xử lý 118 cây. Đối với cành gãy, đã xử lý cắt ngọn 2.820 cây, chưa xử lý 206 cây.

Tại cuộc kiểm tra và làm việc với các đơn vị liên quan sáng 13/9, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị chuẩn hóa số liệu thống kê thiệt hại cây xanh, trong đó phân loại rõ cây cổ thụ, cây có thể trồng lại, cây nào mang đi ươm. Ông cũng yêu cầu thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố là cố gắng cứu 3.000 cây có thể hồi phục, trong đó hơn 100 cây quý hiếm.

Thành phố đã chỉ đạo cứu những cây cổ thụ, cây có giá trị, cây đường kính dưới 25 cm. Đến nay các đơn vị đã rà soát phân loại có hơn 3.000 trồng lại. Trong đó có 250 cây đã dựng lại, 2.600 cây đã cắt tán chờ dựng lại và 232 cây chưa cắt ngọn để trồng lại.

Theo chuyên gia về cây xanh đô thị Nguyễn Minh Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội, diễn biến thời tiết những ngày này Thủ đô là nắng nóng nên xác suất phục hồi cây xanh sẽ giảm thấp.

Đối với cây to, để dựng lại thì cần đến cẩu lớn, nhưng số lượng cây đổ rất nhiều, số lượng cẩu chắc chắn không đáp ứng nhu cầu thực tế. 1 xe cẩu tốt trong điều kiện thi công thực tế thì mỗi ngày sẽ làm được từ 3-5 cây. Với số lượng cây đổ nhiều như vậy, khó có thể đáp ứng nhu cầu.

Cơn bão số 3 khiến hàng chục nghìn cây xanh ở Hà Nội gãy đổ.

Cơn bão số 3 khiến hàng chục nghìn cây xanh ở Hà Nội gãy đổ.

Với điều kiện thời tiết nắng như hôm qua (14/9) thì chỉ một vài hôm nữa, những cây bật gốc sẽ bị chết vì thiếu nước.

Giải pháp cứu cây phù hợp lúc này vừa để phát huy hiệu quả của xe cẩu, cứu cây mà vẫn đảm bảo được các yếu tố khác là có 1 đội cắt ngọn và 1 đội cẩu đưa ngay cây về vườn ươm để tập trung lại cho dễ chăm sóc, "cấp cứu" cho cây song đã, rồi tính đến phương án trồng lại sau.

"Trồng cây cũng như cứu người, không thể bắt người ốm khỏe ngay được mà phải có thời gian để hồi phục. Và người ốm mà không được chữa thì bệnh sẽ càng nặng, để lâu thì nguy cơ tử vong là khó tránh. Còn nếu vội vàng dựng ngay cây lên tại chỗ, không có công tác phục hồi, ươm trồng lại thì số lượng cây chết sau này sẽ rất lớn", ông Nguyễn Minh Tuấn nói.

Tránh lãng phí lớn về tài nguyên cây canh

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, để phục hồi cây xanh, TP Hà Nội nên tận dụng trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà vườn có kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp tổng thể bền vững. Không nên giải quyết theo kiểu tình huống, thấy cây đổ thì dựng lên, có thể tạo ra sự lãng phí lớn về tài nguyên cây xanh, ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Nói về việc cây đổ còn nguyên bọc bầu đất, lãnh đạo một đơn vị chuyên cây xanh đô thị tại Hà Nội khẳng định, về kỹ thuật trồng cây nguyên bầu là đúng. Theo vị này, tại tất cả các dự án có cây xanh thì việc đưa cây nhỏ về trồng nguyên bầu là "đúng kỹ thuật". Đợt mưa bão quá lớn vừa qua thì cây bật gốc là điều không thể tránh khỏi.

Chi tiết hơn về vấn đề này, vị chuyên gia cho biết, bầu cây tại các nhà vườn thường dùng lưới xanh, lấy dây thít chặt lại để giữ bầu. Khi vận chuyển đến vị trí trồng phải trồng nguyên cả bầu xuống, thời gian khoảng 1 năm, rễ cây sẽ đâm xiên ra đứt bầu và tự bám vào đất để sống. "Phải có thời gian ra rễ chùm, rễ tôm bám sang đất thì cây mới sống được. Đây là phát triển phù hợp của cây trồng. Thêm nữa, mỗi dự án trồng cây đều yêu cầu đơn vị trồng bảo hành 1 đổi 1 cây chết trong vòng 24 tháng nên họ cũng phải đảm bảo cây sinh trưởng để nghiệm thu", vị chuyên gia nói.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia sinh học, việc đánh giá cây đổ do quy trình trồng cây có vấn đề là không có cơ sở. Việc phải đối mặt với cơn siêu bão đã khiến không chỉ những cây mới trồng mà còn có cả những cây đã trồng nhiều năm, cây cổ thụ.

"Trước đây, cũng có lúc việc trồng, chăm sóc cây xanh đúng là có vấn đề nhưng hiện nay thì tôi cho rằng Hà Nội làm khá nghiêm túc. Tôi ở Hà Nội đã 69 năm rồi, chưa có cơn bão nào tàn phá nặng nề thế này. Những cây tốt như cây sấu, xà cừ chẳng hạn, đã trồng nhiều năm còn đổ, chứ những loại như lim xẹt thì chưa bàn. Trong khi đó những cây như cây bàng Đài Loan chẳng hạn có mấy cây đổ đâu.

Do đó, vấn đề hiện nay là thống kê những loại cây dễ đổ để bàn tính xem việc sẽ đưa cây gì vào trồng để chống chọi lại được với thiên tai. Hệ thống cây xanh của Hà Nội sau đợt này cần phải tính toán những cây gì tốt thì nên giữ, những loại không tốt thì nên thay thế. Việc dư luận hiện nay cho rằng cây đổ là do trồng không tốt, quy trình trồng chưa đúng là không hợp lý", GS.TS Nguyễn Lân Hùng nói.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-hien-ke-cuu-cay-xanh-ha-noi-sau-bao-so-3-169240914211450723.htm