Chuyên gia hiến kế hạn chế tình trạng bỏ cọc biển số xe 'siêu đẹp'

Theo chuyên gia, quy định hiện hành chưa có chế tài xử phạt đối với những trường bỏ cọc, những người này chỉ bị mất số tiền cọc. Ngoài ra, điều này không ảnh hưởng tới tư cách tham gia đấu giá những lần tiếp theo nên việc bỏ cọc vẫn thường xảy ra.

Hàng loạt biển xe đẹp bị bỏ cọc

Thời gian qua, việc đấu giá biển số xe ô tô đẹp đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân. Đây được xem là chủ trương đúng đắn khi tạo thêm được nguồn thu ngân sách khi nhiều biển số được trả giá giá cao, đồng thời đảm bảo tính công bằng cho việc sử dụng biển số đẹp.

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian triển khai, nhiều biển số xe được trả giá quá cao khiến cho người trúng đấu giá chọn phương án không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ cọc).

Theo danh sách được Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam (VPA) công bố, trong số biển số xe được đưa ra đấu giá trong tháng 10 có tới 6/11 biển số bỏ cọc được đấu giá lại.

Biển số siêu đẹp liên tục bị bỏ cọc sau đấu giá. Ảnh chụp màn hình

Biển số siêu đẹp liên tục bị bỏ cọc sau đấu giá. Ảnh chụp màn hình

Có thể kể đến những biển số đẹp đã được đấu giá ngày 15/9 như: 51K-888.88 (TP.HCM), giá trúng trước đó 32,340 tỉ đồng; 30K-555.55 (Hà Nội) giá trúng trước đó 14,12 tỉ đồng; 30K-567.89 (Hà Nội) giá trúng trước đó là 13,075 tỉ đồng; 36A-999.99 (Thanh Hóa) giá trúng là 7,47 tỉ đồng, 98A-666.66 (Bắc Giang) giá trúng trước đó là 3,075 tỉ đồng và 47A-599.99 (Đắk Lắk) giá trúng trước đó là 1,37 tỉ đồng. Những biển số xe trên trúng với giá cao nhưng người trúng đã bỏ cọc, không nộp tiền lấy biển.

Theo anh Trần Văn N, một chủ showroom ô tô (khu vực quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từng tham gia đấu giá biển số xe ô tô thời gian qua, việc bỏ cọc tới tới từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng thường tới từ những trường hợp không có mong muốn sử dụng mà đấu giá để bán lại để hưởng chênh lệch.

Ngoài ra, có thể trong quá trình đấu giá người đấu giá không kiểm soát được cảm xúc khi ngồi trước máy tính nên đã trả giá "quá tay".

"Quá trình đấu giá cảm xúc chi phối khá nhiều, khi đã thích một biển số nào đó hoặc thấy có nhiều người cùng cạnh tranh giá có thể dẫn tới nhận định không chính xác về mức giá của biển số đó. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá bình tĩnh lại người tham gia mới nhận ra mức giá mình đưa ra là quá cao dẫn tới bỏ cọc", anh N chia sẻ.

Chế tài chưa tương xứng

Theo TS Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội, việc phải đấu giá lại là điều không mong muốn bởi sẽ gây mất rất nhiều thời gian của các cơ quan ban ngành, trong khi đó người thực sự muốn sở hữu biển số đẹp cũng lỡ mất cơ hội.

Dưới góc độ pháp lý, quy định hiện hành chưa có chế tài xử phạt đối với những trường bỏ cọc, những người này chỉ bị mất số tiền cọc. Ngoài ra, việc này không ảnh hưởng tới tư cách tham gia đấu giá những lần tiếp theo nên việc bỏ cọc vẫn thường xảy ra.

Theo quy định tại Nghị định 39/2023, Chính phủ quy định nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt trước (40 triệu đồng) sẽ không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách nhà nước.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Về nguyên tắc, người tham gia đấu giá biển số xe phải đặt trước một khoản tiền đặt cọc để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khi trúng đấu giá. Nếu người trúng đấu giá bỏ cuộc, khi đó họ mất tiền cọc thì cũng không khác gì tiền phạt khi không thực hiện nghĩa vụ của người trúng đấu giá.

"Việc hiện không có quy định chế tài xử phạt đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khi trúng đấu giá là điều dễ hiểu, bởi bản chất đây là quan hệ dân sự thông qua thủ tục hành chính. Điều này cũng phù hợp quy định pháp luật về đấu giá tài sản, đảm bảo cho những người không có khả năng, không có nhu cầu thực sự nhưng trả giá cao sẽ mất tiền đặt cọc, biển số xe đó vẫn sẽ tiếp tục được tổ chức đấu giá cho những người có nhu cầu thực sự", luật sư Lực nhận định.

Thực tế kết quả đấu giá biển số xe ôtô cho thấy, có một số người trúng giá ở mức cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm. Điều này khiến nhiều người lo ngại, đây là giá ảo và người trúng đấu sẽ bỏ cọc hay tìm cách thổi giá để gây chú ý hoặc tìm cách trục lợi.

Để hạn chế tình trạng trên, theo luật sư Lực cần có chế tài răn đe đủ mạnh, trong đó có nhiều phương án cơ quan chức năng có thể nghiên cứu áp dụng, cụ thể:

Thứ nhất, trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc, cần quy định trách nhiệm ràng buộc đối với những người tham gia đấu giá, trong đó có việc quy định số tiền đặt cọc cao lên. Lúc này người tham gia đấu giá phải thực sự cân nhắc với mức giá mình đưa ra với nhu cầu, khả năng của bản thân.

Thứ hai, cơ quan chức năng có thể có một chế tài trong trường hợp người hàng trúng đấu giá nhưng quá thời gian quy định không nộp tiền để nhận biển số (bỏ cọc) thì cơ quan có thẩm quyền có thể ra văn bản cấm người đó không được tham gia đấu giá biển số xe liên tục trong một thời gian nhất định.

Ngoài ra, đơn vị tổ chức đấu giá có thể áp dụng một số biện pháp kỹ thuật về số tiền tham gia đấu giá khi mở một tài khoản riêng cho việc đấu giá và cần có tiền để tham gia mức giá đấu. Tuy nhiên, phương án này không thể triển khai trong một sớm một chiều mà cần sự nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hợp lý.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-hien-ke-han-che-tinh-trang-bo-coc-bien-so-xe-sieu-dep-16923101714150942.htm