Chuyên gia 'hiến kế' xây dựng phát triển đảo Bạch Long Vĩ

Trước vẻ đẹp hoang sơ vốn có của đảo Bạch Long Vĩ – hòn xa bờ nhất Vịnh Bắc Bộ, các chuyên gia và các nhà khoa học đã có chuyến khảo sát thực tế và đưa ra các giải pháp nhằm góp phần xây dựng hòn đảo tiền tiêu thuộc cực Đông Bắc của Tổ quốc ngày càng phát triển giàu đẹp, gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo quê hương.

Vẻ đẹp hoang sơ của Bạch Long Vĩ.

Vẻ đẹp hoang sơ của Bạch Long Vĩ.

“Đánh thức”vẻ đẹp hoang sơ

Không giống như Cát Bà, Cô Tô hay Quan Lạn, đảo Bạch Long Vĩ hiện lên giữa trùng khơi với vẻ đẹp bình dị và hoang sơ hiếm có. Nằm trong 8 ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ với diện tích 1.500 hải lý vuông, khoảng gần 2.800km2, Bạch Long Vĩ là hòn đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế cũng như quốc phòng an ninh.

Cách trung tâm Thành phố Hải Phòng khoảng 110km, để di chuyển ra Bạch Long Vĩ, du khách mất khoảng 5 đến 6 tiếng di chuyển bằng tàu Hoa Phượng Đỏ, đây là phương tiện đi lại giữa đảo và đất liền với sức chở 200 hành khách và khoảng 50 tấn hàng hóa.

GS.TSKH Vũ Minh Giang và các chuyên gia trong chuyến thực tế, làm việc với lãnh đạo Huyện ủy Bạch Long Vĩ.

GS.TSKH Vũ Minh Giang và các chuyên gia trong chuyến thực tế, làm việc với lãnh đạo Huyện ủy Bạch Long Vĩ.

Theo Bí thư Huyện ủy Bạch Long Vĩ Bùi Trung Tiến, huyện đảo khi mới thành lập, chủ yếu chỉ có các công trình quân sự, gần như chưa có hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh. Đến nay, nhờ được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và thành phố Hải Phòng, huyện đã đầu tư xây dựng trên 60 công trình, dự án mang hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc.

Chính vì không quá hùng vĩ, không quá tráng lệ nên Bạch Long Vĩ đã “chạm vào trái tim” với một cảm giác thân thương, gần gũi cho bất cứ ai vừa đặt chân đến. Sự thân thương không chỉ là đất trời, cảnh vật mà còn là sự dung dị đến lạ thường của những người con yêu Tổ quốc, dành cả cuộc đời để bám biển quê hương. Điều này cũng thôi thúc giới chuyên gia, các nhà khoa học tìm ra giải pháp “đánh thức” nguồn tài nguyên thiên nhiên bất tận như còn đang ngủ vùi giữa biển Đông.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, đảo Bạch Long Vĩ còn khá hoang sơ nhưng chính cái hoang sơ lại kích thích người ta muốn tìm kiếm khám phá. Tuy nhiên, hoang sơ bỏ mặc nó và hoang sơ khai thác nó là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau. Để Bạch Long Vĩ phát triển, chúng ta cần thay đổi về nhận thức, trước hết, là quan điểm cho rằng Bạch Long Vĩ là hòn đảo tiền tiêu, có vị trí chiến lược quan trọng nên phải ưu tiên nhưng liệu cứ phải ưu tiên hay nó có thể vươn lên phát triển bằng nội lực tự có. Chúng ta phải biết khai thác tất cả những gì mình có, biến những thứ có sẵn trở thành lợi thế cho phát triển của địa phương cũng như sự phát triển đất nước.

Trạm cấp nước ngọt trên đảo Bạch Long Vĩ.

Trạm cấp nước ngọt trên đảo Bạch Long Vĩ.

“Việc coi Bạch Long Vĩ là đảo tiền tiêu, có vị trí đặc biệt đã chi phối nên chúng ta còn dè dặt trong việc đưa khách du lịch, nhất là khách nước ngoài đến tham quan và trải nghiệm. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thời đại mới, thời đại công nghệ 4.0, để phát triển Bạch Long Vĩ cần có sự giải tỏa về nhận thức. Trên cơ sở đó mới mời gọi được đầu tư, các nhà khoa học đến, nếu giữ quan điểm muốn phát triển nhưng đây là vị trí đặc biệt thì không ai dám đầu tư”, GS.TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ.

Cũng theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, chúng ta đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới của đất nước, trong đó, nhận thức sâu sắc văn hóa, môi trường, điều kiện tự nhiên, tài nguyên vô giá và vô tận nếu như biết khai thác đúng mức. Ở Bạch Long Vĩ, một trong những lĩnh vực kinh tế có thể khai thác chính là tài nguyên du lịch. Ở đây có rất nhiều thứ nhưng mới ở dạng tiềm năng, nếu muốn phát huy cần có sự thay đổi về tư duy lãnh đạo, sự quan tâm của các nhà khoa học; có những đầu tư cần được xã hội hóa để phát triển.

Phát triển hạ tầng, dịch vụ

Đây là vấn đề thiết yếu, nếu muốn phát triển du lịch tại Bạch Long Vĩ. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, du lịch phải đi kèm theo những thuận tiện về hạ tầng, dịch vụ, bao gồm hạ tầng giao thông nhưng hiện nay đường ra Bạch Long Vĩ mới chỉ có duy nhất tàu Hoa Phượng Đỏ, đây là tàu công vụ của huyện. Muốn phát triển du lịch cần phải tính đến hạ tầng giao thông tốt, bởi du lịch khám phá ở vùng xa phải tính đến chuyện đưa những người có điều kiện ra, do vậy, đường đi phải cho thấy sự thoải mái. Có thể nghiên cứu phát triển nhiều tuyến khác nhau, không ngoại trừ khả năng đi tàu trong 30 phút, thậm chí là đi trực thăng.

Quạt tuabin gió cấp điện cho huyện đảo.

Quạt tuabin gió cấp điện cho huyện đảo.

Về vấn đề quy hoạch, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, trên đảo không nên khuyến khích làm các công trình khách sạn đồ sộ, mà phải tạo môi trường thân thiện với thiên nhiên. Phải quy hoạch đảo theo hướng thân thiện với môi trường, tạo sự êm dịu giữ biển khơi. Đặc biệt người làm quy hoạch cần chú ý đến cây trồng vì hiện nay đất hoang, đất trọc còn rất nhiều.

Đối với việc phát triển dịch vụ du lịch tại Bạch Long Vĩ, chia sẻ với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Lưu Đức Kế - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết: Du lịch là phải suy nghĩ xem đến đâu, xem cái gì và ăn cái gì thì ở Bạch Long Vĩ chưa có nhiều hấp dẫn để cuốn người ta đến. Việc ăn gì có thể đã có sự khác biệt nhưng chơi gì, xem gì thì chưa, đây là cái khó cho du lịch. Tuy nhiên, vì sơ khai, chưa có gì nên Bạch Long Vĩ có sức hấp dẫn riêng của nó.

Chùa Bạch Long (Bạch Long Tự) là điểm đến đầu tiên của du khách khi đặt chân đến đảo Bạch Long Vĩ. Công trình được xây dựng theo nguyện vọng của nhân dân huyện đảo.

Chùa Bạch Long (Bạch Long Tự) là điểm đến đầu tiên của du khách khi đặt chân đến đảo Bạch Long Vĩ. Công trình được xây dựng theo nguyện vọng của nhân dân huyện đảo.

“Cần có sự tư duy để thay đổi nhận thức, sở dĩ Bạch Long Vĩ chưa được đầu tư là do quan điểm đất để phục vụ quận sự nên không được cấp sổ đỏ. Hiện nay, đã có Luật Đất đai, nếu muốn làm kinh tế, chúng ta phải giải quyết được vấn đề này”, ông Lưu Đức Kế đưa quan điểm.

“Hiến kế” để phát triển dịch vụ du lịch, ông Kế cũng cho rằng, cái giàu của du lịch đó là thương mại, mua sắm, ở Bạch Long vĩ có rất nhiều đặc sản nên cần nghiên cứu để phát triển vấn đề này. Mặt khác, khi đã có biển, cần tạo ra những bãi tắm đẹp, bởi nước ở Bạch Long Vĩ rất sạch và trong xanh nên cần tận dụng lợi thế này để thu hút du khách.

Cùng với đó là xây dựng những khu nghỉ dưỡng thân thiện với thiên nhiên, môi trường… khiến du khách có cảm giác đến Bạch Long Vĩ như đến với thiên đường. Bên cạnh đó là du lịch ẩm thực, những sản phẩm văn hóa đặc sắc xung quanh đảo như lễ hội, các chương trình nghệ thuật, show diễn…

Với 25 cán bộ và 62 đội viên thanh niên xung phong, hơn 30 năm trước những người con yêu Tổ quốc của Hải Phòng đã xung phong ra xây dựng huyện đảo Bạch Long Vĩ. Qua quá trình xây dựng và phát triển, đến nay, hệ thống chính trị của huyện được thành lập khá đầy đủ. Huyện không có cấp xã, có 03 Khu dân cư và Khu Thanh niên xung phong. Dân số huyện đảo có khoảng 326 hộ dân với 1.152 nhân khẩu, chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, thành phố Hải Phòng và các địa phương trong cả nước, các chuyên gia kỳ vọng trong tương lai, Bạch Long Vĩ sẽ phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ, kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo phía Đông Bắc của Tổ quốc.

Kim Thoa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/chuyen-gia-hien-ke-xay-dung-phat-trien-dao-bach-long-vi-374079.html