Chuyên gia: Hiểu văn hóa tiêu dùng để gỡ 'nút thắt' phát triển chợ truyền thống

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsel cho thấy Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu.

Việt Nam xếp đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Việt Nam xếp đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để có một quy hoạch và nâng cao được vai trò, tầm quan trọng của chợ truyền thống đối với người tiêu dùng Việt Nam thì người làm quy hoạch cần phải biết văn hóa chợ truyền thống, từ những việc rất đơn giản như sự nhanh chóng, thuận tiện và đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng…

Đây là chia sẻ của tiến sỹ Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) tại “Diễn đàn: Chính sách và pháp luật phát triển thương mại trong nước năm 2024,” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/12, tại Hà Nội.

Quan tâm đến sự phát triển của chợ truyền thống

Hiện nay, hạ tầng thương mại gồm chợ truyền thống, các trung tâm thương mại và siêu thị. Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, chợ truyền thống vẫn chiếm 80% thị trường bán lẻ với 8.500 chợ, trong khi siêu thị là 1.080 và 240 Trung tâm thương mại.

Mặc dù chợ truyền thống có thể thu hẹp theo mức độ phát triển đô thị và xu hướng mới là thương mại điện tử, song theo tiến sỹ Đinh Dũng Sỹ, chợ truyền thống vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân, do vậy cần đặc biệt quan tâm nhất là khía cạnh quản lý Nhà nước và sự hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư và phát triển.

Đề cập đến vấn đề quy hoạch, ông Đinh Dũng Sỹ chia sẻ một trong những tồn tại mà thời gian qua, việc quy hoạch các chợ đầu mối, quy hoạch chợ truyền thống chưa đem lại thành công như mong muốn, một số nơi sau khi xây mới nhưng người tiêu dùng không đến mua sắm mà vẫn tìm đến những chợ cũ, thậm chí là chợ cóc.

Cùng với câu hỏi tại sao chúng ta không thành công trong việc quy hoạch và phát triển, tiêu chuẩn hóa các chợ truyền thống? Theo ông Sỹ điều này là do tầm nhìn chưa chuẩn của nhà quy hoạch.

“Để có một quy hoạch và nâng cao được vai trò, tầm quan trọng của chợ truyền thống đối với người tiêu dùng Việt Nam thì người làm quy hoạch cần phải biết văn hóa chợ truyền thống, đó là những việc rất đơn giản, như: sự nhanh chóng, thuận tiện và đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng từ lương thực, thực phẩm, quần áo… và hàng hóa ở chợ truyền thống cũng là hàng tươi,” ông Đinh Dũng Sỹ nêu dẫn chứng.

Tuy nhiên, với chợ truyền thống, một số vấn đề mà người tiêu dùng còn băn khoăn, đó là dù thuận tiện, hàng hóa tươi mới, giá cả rẻ hơn so với siêu thị nhưng quan trọng là có đảm bảo an toàn hay không?

Vì vậy, chuyên gia này cho rằng cần phải có cách nhìn khác về quy hoạch, xây dựng lại chợ truyền thống, trong đó tập trung vào các nền tảng, hạ tầng bán lẻ trong văn hóa tiêu dùng của Việt Nam cũng như cơ cấu dân số Việt Nam nhất là khu vực nông thôn.

“Nếu cơ cấu và tiêu chuẩn hóa được chợ truyền thống sẽ bảo vệ được quyền lợi, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng tốt hơn. Câu chuyện của chợ truyền thống, siêu thị và trung tâm thương mại cũng là câu chuyện cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài,” tiến sỹ Đinh Dũng Sỹ nói.

 Khách quốc tế trải nghiệm ẩm thực vùng miền tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Khách quốc tế trải nghiệm ẩm thực vùng miền tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, bà Đào Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng tại một số địa phương, hệ thống hạ tầng bán lẻ nhất là tại vùng sâu, vùng xa chưa được quan tâm đầu tư; nhiều chợ truyền thống chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn.

Mặc dù thương mại điện tử đã có phát triển nhưng chưa đồng đều, mức độ ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử vào thương mại ở nhiều địa phương còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả phân phối hàng hóa.

Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại; nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ; tăng cường đào tạo nhân lực quản lý và vận hành hạ tầng bán lẻ hiện đại.

Tạo dựng môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp

Thực trạng phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua đã cho thấy những kết quả đạt được rất tích cực. Bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng khá trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (năm 2023 đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78%), điều này cho thấy phát triển thị trường bán lẻ là một trong những mục tiêu và động lực quan trọng của tăng trưởng thương mại nội địa cũng như tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Bên cạnh đó, các thành phần kinh tế tham gia hoạt động bán lẻ ngày càng đa dạng, thương mại bán lẻ đang có sự chuyển dịch từ những phương thức kinh doanh truyền thống sang hình thức kinh doanh hiện đại trên nền tảng số và thương mại điện tử, mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến,... đã góp phần làm thay đổi vị thế, vai trò của thương mại, nhất là ở các khu vực nông thôn.

Nêu quan điểm tại diễn đàn, tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ đối với thị trường bán lẻ, Việt Nam hiện có tiềm năng lớn khi người tiêu dùng tập trung lớn vào tầng lớp trung lưu mới nổi, người tiêu dùng trẻ, đối tượng có nhu cầu cao về sản phẩm, hàng hóa.

“Hơn nữa, lĩnh vực bán lẻ, trái tim của thị trường là cạnh tranh. Cho nên chính sách cần hoàn thiện và thực thi đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường, làm sao xây dựng được môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển,” tiến sỹ Võ Trí Thành nêu quan điểm, song song với đó, ông đề xuất các chính sách phải làm sao cân bằng quyền lợi của doanh nghiệp cung ứng, nhà phân phối, đặc biệt là của người tiêu dùng.

 Bà Trần Thị Phương Lan đang trao đổi tại Diễn đàn Chính sách và Pháp luật phát triển thương mại trong nước năm 2024. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bà Trần Thị Phương Lan đang trao đổi tại Diễn đàn Chính sách và Pháp luật phát triển thương mại trong nước năm 2024. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết Hà Nội là địa phương có khả năng phát triển hạ tầng bán lẻ rất mạnh. Các hệ thống bán lẻ nước ngoài, trong nước đều hiện hữu trên địa bàn Thủ đô. Trong khi đó, quan điểm từ Chính phủ đến Bộ Công Thương, đến các địa phương, trong đó có Hà Nội là phát triển các hệ thống phân phối trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Điểm nổi bật là việc phát triển hệ thống bán lẻ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thời gian qua đã tạo nên sự cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp bán lẻ nội vươn lên, làm mới mình, cạnh tranh với doanh nghiệp FDI. Tuy vậy, kinh nghiệm phát triển thị trường bán lẻ thời gian qua cho thấy doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài và doanh nghiệp bán lẻ trong nước đều có sự tăng trưởng rất tốt trên địa bàn Thủ đô.

“Sau này, khi có các quy hoạch địa phương, mạng lưới hệ thống bán lẻ cũng sẽ được tính toán rất kỹ trên cơ sở quy hoạch vùng, địa phương. Về lâu dài, ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) sẽ bỏ, sự cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, góp phần thúc đẩy hệ thống bán lẻ trên địa bàn cả nước,” bà Trần Thị Phương Lan nêu quan điểm.

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsel cho thấy tại khu vực châu Á, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thời gian gần đây. Việt Nam xếp đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu và trong khoảng từ 5-10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống bán lẻ nói riêng vẫn được đánh giá là rất tiềm năng và có mức độ hấp dẫn hàng đầu trong khu vực.

Hơn nữa, theo tiến sỹ Vương Quang Lượng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, thu nhập bình quân của người dân ngày càng tăng, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, thay đổi thói quen mua sắm từ các phương thức truyền thống sang hiện đại, thương mại điện tử phát triển. Các yếu tố này sẽ tạo ra không gian lý tưởng cho phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại nói riêng và thị trường bán lẻ trên toàn quốc nói chung.

Mặt khác, sự hình thành và phát triển của sàn thương mại điện tử đã đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, theo ông, cơ chế hoạt động của các sàn thương mại điện tử còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp mới chỉ nắm giữ khâu trung gian, còn đơn vị bán hàng nào cũng có thể thuê tài nguyên và không gian online để kinh doanh sản phẩm.

“Chính sự tiện lợi này đã tạo ra nhiều kẽ hở cho nạn buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng trên các sàn thương mại điện tử. Điều này đặt ra đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan để xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ, kế hoạch chuyên đề để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử,” ông đề xuất.

Để nâng cao hiệu quả phát triển thị trường bán lẻ trên các sàn thương mại điện tử, tiến sỹ Vương Quang Lượng đề xuất cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử. Tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử và nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-hieu-van-hoa-tieu-dung-de-go-nut-that-phat-trien-cho-truyen-thong-post999002.vnp