Chuyên gia: Ít khả năng Mỹ-Triều nối lại đàm phán trong năm 2020

Giáo sư Kim Dong-yub cũng đánh giá đàm phán đình trệ không đồng nghĩa Triều Tiên loại trừ khả năng nối lại đối thoại với Mỹ, bởi Washington vẫn là đối tác đối thoại hấp dẫn nhất đối với Bình Nhưỡng.

Các cuộc đàm phát hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên khó có thể nối lại trong năm nay bởi rất ít khả năng Washington sẽ đưa ra những nhượng bộ lớn trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Đây là nhận định được giáo sư Kim Dong-yub thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam đưa ra ngày 10/1 tại một hội nghị chuyên đề diễn ra ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc).

Giáo sư Kim Dong-yub cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đã tính tới khả năng trên khi cảnh báo về tình trạng đình trệ kéo dài trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên tại hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 12 năm ngoái.

Vị giáo sư này nói: "Rất khó để dự đoán các cuộc đàm phán Mỹ-Triều sẽ được tái khởi động khi Mỹ hướng sự chú ý tới cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Triều Tiên cũng tuyên bố rõ rằng nước này sẽ không quay trở lại đàm phán nếu Mỹ không đưa ra những đề xuất mới."

Tuy nhiên, giáo sư Kim Dong-yub cũng đánh giá đàm phán đình trệ không đồng nghĩa Triều Tiên loại trừ khả năng nối lại đối thoại với Mỹ, bởi Washington vẫn là đối tác đối thoại hấp dẫn nhất đối với Bình Nhưỡng.

Theo ông, "nếu không có Mỹ, rất khó để Triều Tiên được hoàn toàn chấp nhận như một thành viên bình thường trong cộng đồng quốc tế."

Mặt khác, nếu các cuộc đàm phán được nối lại vào năm tới, giáo sư Kim Dong-yub nhận định Triều Tiên có thể sử dụng kho hạt nhân ngày càng được mở rộng nhằm hướng các cuộc đàm phán tập trung vào việc cắt giảm vũ khí hạt nhân thay vì phi hạt nhân hóa.

Điều này khiến khả năng hai bên đạt được thỏa thuận sẽ trở nên khó khăn hơn.

Trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu rằng nước này không lý do gì để hoãn các vụ thử tên lửa liên lục địa và tên lửa đạn đạo, đồng thời cảnh báo sẽ phô diễn một "vũ khí chiến lược mới" trong tương lai gần, cũng như cáo buộc Mỹ đang kéo dài thời gian vì lợi ích chính trị riêng của mình.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ tin tưởng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ giữ lời hứa về phi hạt nhân hóa, kể cả khi nhà lãnh đạo này cảnh báo về một "vũ khí chiến lược mới."

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều Tiên rơi vào bế tắc kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 hồi tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt thỏa thuận. Hai bên đã tiến hành cuộc gặp cấp chuyên viên tại Thụy Điển hồi tháng 10, song không đạt kết quả./.

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-it-kha-nang-mytrieu-noi-lai-dam-phan-trong-nam-2020/617825.vnp