Chuyên gia khuyến cáo gì với 3,5 triệu người Việt đang 'chung sống' cùng đái tháo đường?
Một trong những sai lầm quan trọng nhất mà người bệnh đái tháo đường hay mắc phải, đó là thiếu kiểm soát đường máu song song với theo dõi mỡ máu, huyết áp. Đa phần, người bệnh chỉ kiểm soát đường máu mà quên mất 2 yếu tố tăng huyết áp và rối loạn lipit máu cũng gây ra biến chứng tim mạch.
Chiều 1/12, Hội Tim mạch Hà Nội tổ chức hội thảo cập nhật chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý tim mạch và chuyển hóa cho đông đảo bác sĩ của các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành về Tim mạch, Nội tiết - đái tháo đường của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội đã cập nhật những kiến thức, phương pháp, kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị đái tháo đường; vai trò của kiểm soát nhịp trong quản lý bệnh mạch vành và suy tim; những tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị tăng huyết áp.
Đồng thời, các chuyên gia cũng đưa ra các tình huống ca bệnh cụ thể, bàn thảo về hướng xử trí, điều trị phù hợp để các y bác sĩ vừa có thêm kiến thức lỹ thuyết vừa có thêm kiến thức lâm sàng.
Hiện cả nước có khoảng 3,5 triệu người lớn mắc đái tháo đường (chiếm khoảng 6% số người trưởng thành) và có khoảng 53.500 bệnh nhân đái tháo đường tử vong (khoảng 146 người một ngày). Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy chỉ có 30% số người bệnh đái tháo đường đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết và 40 đến 50% số người bệnh tuân thủ thuốc.
Hiện nay, bệnh tim mạch là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống con người trong xã hội hiện đại. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 20 triệu người tử vong do bệnh tim mạch.
Tại Việt Nam, các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người mỗi năm. Có khoảng 25% số người trưởng thành bị tăng huyết áp. Tỷ lệ này đang tiếp tục có xu hướng tăng đến báo động đỏ.
Điều đáng nói, với những trường hợp mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... thì nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch hay bệnh lý tim mạch chuyển hóa càng cao.
Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai), có rất nhiều sai lầm mà người bệnh đái tháo đường hay mắc phải xuất phát từ việc không hiểu biết rõ về căn bệnh, hoặc không được tư vấn những kiến thức đầy đủ về chế độ ăn uống, luyện tập và thuốc điều trị. Một trong những sai lầm quan trọng nhất mà người bệnh đái tháo đường hay mắc phải, đó là thiếu kiểm soát đường máu song song với theo dõi mỡ máu, huyết áp. Đa phần, người bệnh chỉ kiểm soát đường máu mà quên mất 2 yếu tố tăng huyết áp và rối loạn lipit máu cũng gây ra biến chứng tim mạch.
Trước thực tế trên, BS Nguyễn Quang Bảy khuyến cáo, để phòng tránh biến chứng tim mạch đối với bệnh nhân đái tháo đường, mỗi người bệnh cần có 1 bác sĩ chuyên khoa khám, theo dõi và xây dựng cho riêng mình một mục tiêu điều trị, sử dụng 1 đơn riêng để có thể kiểm soát đường máu hiệu quả nhất cũng như các chỉ số có liên quan khác như huyết áp, mỡ máu, tim mạch...
Người bệnh phải luôn nhớ rằng, việc kiểm soát đường máu song song với kiểm soát mỡ máu, tình trạng tăng huyết áp, tim mạch là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, người bệnh đái tháo đường phải thường xuyên luyện tập, tuân thủ chế độ ăn cũng như kiểm tra đường máu định kỳ để biết được hiện trạng của mình, từ đó, có thể kiểm soát đường máu tốt và các nguy cơ biến chứng tim mạch có thể xảy ra.
Trong bài trình bày cập nhật về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp, TS Vũ Quỳnh Nga- Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội khuyến cáo người dân để phòng ngừa tăng huyết áp cần giảm lượng muối thêm vào khi chế biến thực phẩm, tránh hoặc hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều muối; Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, chất béo không bão hòa đa và các sản phẩm từ sữa; Giảm thức ăn nhiều đường, chất béo bão hòa và trans fat; Tăng cường các loại rau có nhiều nitrat (lá rau và củ dền), các loại thực phẩm có nhiều magie, canxi và kali (bơ, hạt, các loại đậu và đậu phụ); giảm cân và tránh béo phì.
Bên cạnh đó cũng cần thay đổi lối sống như không sử dụng thuốc lá; giảm căng thẳng và thư giãn; giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí và nhiệt độ lạnh; tăng cường luyện tập thể dục thể thao.