Chuyên gia khuyến cáo thời điểm tiêm vaccine bổ sung và chọn loại nào?

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải đáp những băn khoăn về việc khi nào sẽ tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ ba và tiêm loại vaccine gì?

Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Thông tin từ Bộ y tế cho hay, cập nhật đến 13h30 ngày 9/12, cả nước đã tiêm hơn 130 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 123.302.462 liều, trong đó có 68.910.919 liều mũi 1 và 54.391.543 liều mũi 2.

Bộ Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12/2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine.

Có được tiêm trộn loại vaccine?

Trước quan tâm của nhiều người dân về việc tiêm mũi vaccine COVID-19 nhắc lại có được tiêm trộn hay không? Phó giáo sư Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mũi nhắc lại có thể sử dụng cùng loại vaccine với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA (Pfizer, Mordena...). Nếu trường hợp người dân trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA (Pfizer, Mordena...).

Đối với những người đã tiêm vaccine Vero Cell (của Sinopharm) có thể tiêm nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine véc tơ virus (vaccine Astrazeneca)
Cụ thể, vaccine mRNA gồm: Moderna, Pfizer/BioNTech…; Vaccine véc-tơ virus gồm: AstraZeneca, Sputnik V; Vaccine "nguyên virus": Sinopharm.

Theo bà Hồng, việc tiêm nhắc mũi 3 đã được tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, tuy nhiên các quốc gia đều mới triển khai mũi tiêm thứ 3 này. Vì vậy, cần phải có thời gian và nghiên cứu trong tương lai thì mới có thể khẳng định thời gian tồn lưu miễn dịch bảo vệ người được tiêm chủng phòng COVID-19 trong bao lâu.

Phó giáo sư Dương Thị Hồng chỉ rõ với việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho đến hiện nay Bộ Y tế đã có hướng dẫn đối với người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng thì cần tiêm mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Các nhóm đối tượng còn lại thì tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm cuối cùng của liều cơ bản. Lịch tiêm này áp dụng cho tất cả các loại vaccine đã triển khai ở Việt Nam.

Các đối tượng tiêm liều bổ sung và nhắc lại

Theo Bộ Y tế, để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, theo khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID- 19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế (Bộ Công an); Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản, liều bổ sung và nhắc lại.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc tiêm đủ liều cơ bản là rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nên cần được ưu tiên tối đa.

Vì vậy, các địa phương ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Theo đó, tiêm liều bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng:

- Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine).

- Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV.

- Người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...

Loại vaccine tiêm cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA.

Về khoảng cách, tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine.

Tiêm liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng sau:

-Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền.

-Người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế.

- Người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

Loại vaccine nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA.

Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine véc tơ virus (vaccine Astrazeneca)

Khoảng cách: tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.

Theo Bộ Y tế, vaccine sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt. Liều lượng vaccine để tiêm bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12/2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến trưa 9/12, tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 96,3% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều là 76% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 93,4% và 68,6%; miền Trung là 92,8% và 73,3%; Tây Nguyên là 91,0% và 60,5%; miền Nam là 98,9% và 84,7%.

Có 61/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 29 tỉnh đạt tỷ lệ trên 95% là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Lào Cai, Điện Biện, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

2/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Hà Giang (78,3%) và Cao Bằng (79,7%). Bộ Y tế đã phân bổ vaccine cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.

Về triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, đã có 55 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm được 6.203.319 liều, trong đó có 5.086.261 liều mũi 1 và 1.117.058 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 55,7% và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều là 12,2% dân số từ 12-17 tuổi./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-khuyen-cao-thoi-diem-tiem-vaccine-bo-sung-va-chon-loai-nao/758837.vnp