Chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp kỳ vọng gì cho năm mới?

Giới chuyên gia cho rằng các hiệp định thương mại tự do là thời cơ cho Việt Nam trong năm mới nhưng doanh nghiệp vẫn cần thêm sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua khó khăn

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng:

Thời cơ nằm ở các FTA

Những yếu tố tưởng như tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dịch Covid-19 thực chất mang lại nhiều lợi thế. Đúng là Việt Nam có một nền kinh tế thực sự rất mở nên bất cứ cú sốc bên ngoài nào cũng có thể tác động nặng nề đến tăng trưởng. Tuy nhiên, cần đánh giá rõ đặc điểm và mức độ tác động của những yếu tố đó để vừa hạn chế bất lợi vừa tăng cường khai thác lợi thế. Nếu tận dụng được cái lợi một cách hiệu quả thì hoàn toàn có thể đẩy lùi bất lợi.

Năm 2021, thời cơ nằm ở những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thực thi. Bởi lẽ chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ nhìn tổng thể có vẻ bất lợi nhưng với việc tham gia hàng loạt các FTA đa phương và song phương, một thị trường rộng lớn về xuất khẩu và đầu tư vẫn mở ra cho Việt Nam, trong khi các đối thủ khác không có FTA còn loay hoay đối phó với bảo hộ.

Trong năm mới, doanh nghiệp vẫn sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại vừa có hiệu lực. Ảnh: Hoàng Triều

Trong năm mới, doanh nghiệp vẫn sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại vừa có hiệu lực. Ảnh: Hoàng Triều

TS Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng

Nếu so với các nền kinh tế trên thế giới thì suy giảm tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 không quá mạnh. Điều này thể hiện mức độ bền vững, độ chống chịu khá tốt của nền kinh tế. Nó cũng thể hiện các khu vực doanh nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng đã có những thay đổi để nhanh chóng thích ứng với những biến động đó. Do vậy, khi mỗi giai đoạn dịch bệnh cao điểm qua đi, hoạt động của doanh nghiệp nhanh chóng trở lại gần như trạng thái bình thường.

Năm mới, nếu kiểm soát tốt được dịch bệnh thì các hoạt động kinh tế vẫn có triển vọng hồi phục nhanh. Bởi nền kinh tế được hỗ trợ bởi những yếu tố có lợi, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa được ký kết và đưa vào thực thi. Các hiệp định là không gian rất rộng cho chúng ta trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút các nhà đầu tư hấp dẫn, từ đó tạo cơ hội lớn trong việc đa dạng hóa cơ cấu sản xuất cũng như thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, cần thừa nhận Việt Nam đang có điểm nghẽn lớn về cơ sở hạ tầng. Nếu muốn thu hút các nhà đầu tư lớn và chuỗi giá trị cao, cần phải giải quyết các điểm nghẽn này. Suy cho cùng, nếu các nhà đầu tư chất lượng cao sẽ nhìn vào những yếu tố nền tảng của một quốc gia để đưa ra lựa chọn cuối cùng. Nếu những yếu tố nền tảng này không đáp ứng được thì chúng ta chỉ thu hút được những nhà đầu tư chất lượng không cao, không đúng với định hướng đã được Bộ Chính trị nêu ra.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ,Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Holdings:

Cần gói cứu trợ đúng nghĩa cho du lịch

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở TP HCM đúng lúc các doanh nghiệp du lịch đang yếu nhất. Dịp cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp chạy chương trình quảng cáo rất nhiều nhưng năm nay, thực sự rất im ắng có thể do đã quá yếu, không đủ sức; hết nguồn lực hoặc nhiều doanh nghiệp đã đổi nghề, rời khỏi thị trường…

Sau các lần dịch trước đó, gần như mọi doanh nghiệp, đặc biệt là du lịch, đã tới hạn về sức chống chịu. Dịp Tết này được các doanh nghiệp kỳ vọng đón đầu sức cầu của thị trường nhưng sự trở lại của Covid-19 đã đảo lộn tất cả.

Lúc này, ngành du lịch thực sự cần sự quan tâm của Chính phủ. Là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch nhưng cho tới thời điểm này, du lịch vẫn chưa có một gói cứu trợ nào đúng nghĩa. Chưa kể, khổ nhất là người lao động khi họ đang hy vọng được trở lại làm việc thì lại bị gián đoạn.

Dịch bệnh trở lại tiếp tục là thách thức lớn cho nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian tới. Ảnh: Hoàng Triều

Dịch bệnh trở lại tiếp tục là thách thức lớn cho nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian tới. Ảnh: Hoàng Triều

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico):

Giảm lãi suất để bớt áp lực tài chính

Bidrico đang được hưởng lãi suất ưu đãi và khá thấp so với những doanh nghiệp khác nhờ quá trình vay vốn ở ngân hàng tốt, chưa từng nợ quá hạn. Cũng nhờ vậy, chúng tôi đã hiểu việc ổn định dòng tiền quan trọng với doanh nghiệp như thế nào. Do đó, một trong những điều các doanh nghiệp cần nhất lúc này là được hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp nhằm giảm áp lực chi phí tài chính, chi phí đầu vào…

Thời gian qua, nhiều chính sách về tín dụng, gói tín dụng ưu đãi của nhà nước đã có nhưng việc tiếp cận còn khó khăn, chưa đến tay doanh nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu cơ chế áp trần lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn từ đó tạo cơ sở, tiền đề giảm giảm lãi suất cho vay.

Bởi tài chính là nguồn sống của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều dòng tiền của doanh nghiệp bị đứt gãy, thu giảm mạnh nhưng chi không giảm, muốn hoạt động được phải ổn định dòng tiền. Nếu lãi suất thấp, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng vay để ổn định dòng tiền, từ đó có cơ hội duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Lại Minh Duy,Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, Tổng giám đốc Công ty TST Tourist:

Sớmthêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2020, Chính phủ đã có những chương trình hành động về liên kết vùng, liên kết chuyên sâu để đón khách nội địa Việt Nam và lấy đó làm tiền đề đón khách quốc tế trở lại khi điều kiện cho phép. Những kế hoạch đó, doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai bởi tạm dừng không có nghĩa là chấm dứt, mà khi dịch qua đi, Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội để phát triển.

Hiệp hội du lịch TP HCM vừa kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giảm thuế GTGT từ mức 10% hiện nay xuống 5% nhằm hỗ trợ người dân trong bối cảnh nhu cầu sinh hoạt, đời sống hằng ngày bị giảm sút do dịch Covid-19. Ngay với thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp kê khai thuế đầy đủ, có lợi nhuận đóng thuế là quá tốt nhưng mức 20% hiện nay cũng quá cao. Chưa kể, các loại bảo hiểm cho người lao động như BHXH, BHYT…, trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn như hiện nay cũng là một khoản chi phí áp lực.

Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có suy nghĩ tích cực, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Phương Nhung - Thái Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/chuyen-gia-kinh-te-doanh-nghiep-ky-vong-gi-cho-nam-moi-20210211160903505.htm