Chuyên gia kinh tế nêu 4 việc doanh nghiệp cần làm ngay để ứng phó khủng hoảng Nga - Ukraine
Rà soát hợp đồng và hồ sơ pháp lý để đảm bảo chủ động nếu xảy ra tranh chấp là một trong những giải pháp được TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị cho doanh nghiệp lúc này...
Toàn cảnh tọa đàm chiều 7/3 - Ảnh: Chu Xuân Khoa
Tại tọa đàm "Xung Đột Nga - Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức chiều 7/3, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đã đưa ra 4 giải pháp cho doanh nghiệp trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang tác động toàn diện tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Lực, trước hết doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp cần tính toán đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, bởi việc chỉ tập trung vào một vài nơi đã cho thấy rõ những rủi ro thời gian qua.
Thứ hai, phải đa dạng hóa đồng tiền thanh toán. Trên thế giới, doanh nghiệp Nga, Trung Quốc và một số nước cũng đã bắt đầu đi theo hướng này.
"Ví dụ thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nga vừa qua đã chuyển sang thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ để tránh tác động và rủi ro", ông Lực cho biết.
Thứ ba, chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, phương thức kinh doanh.
"Hiện có nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng hàng hóa của họ đang bị ách tắc ngoài biển. Do đó, bây giờ chính là lúc phải suy nghĩ thêm xem có đường vòng hay kênh thay thế nào không nhằm giải tỏa ách tắc và tránh hư hỏng hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thủy hải sản", ông nói.
Nhà kinh tế trưởng của BIDV cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần rà soát lại hợp đồng và hồ sơ pháp lý để đảm bảo chủ động trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại tọa đàm chiều ngày 7/3/2022 - Ảnh: Chu Xuân Khoa
Cũng tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, trước hết là vào cuộc quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sâu hơn và nhiều hơn về kênh thanh toán song phương.
"Trên thực tế, Việt Nam và Nga đã thiết lập kênh thanh toán song phương khi Moscow bắt đầu bị cấm vận năm 2014. Kênh này thời gian qua chưa hoạt động mạnh mẽ thì nay phải làm quyết liệt hơn. Về thay đổi đồng tiền thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng phải sớm vào cuộc để xem xét nếu cần", ông Lực nói.
Ngoài ra, ông Lực cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro về tỷ giá.
"Hiện tại, ở các tổ chức tín dụng đều có các công cụ phòng ngừa rủi ro qua công cụ phái sinh. Đây là điều doanh nghiệp có thể nghiên cứu triển khai thơi gian tới", ông khuyến nghị.
Một điểm nữa là các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu để có phương án đa dạng hóa các phương thức dữ trự, bao gồm dự trữ ngoại hối. Song song với đó, ông Lực nhấn mạnh rằng cần tiếp tục thúc đẩy chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã được thông qua.
Chính phủ cần nghiên cứu lồng ghép các giải pháp ở trên vào chương trình phục hồi, phối hợp chính sách thật tốt để vừa thúc đẩy phục hồi, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa kiểm soát lạm phát.
"Tôi cũng xin đề xuất một điểm quan trọng nữa liên quan tới việc bảo hộ công dân. Khi Việt Nam chứng kiến làn sóng hồi hương của kiều bào Iraq năm 1993, BIDV đã được phép phát tiền hồi hương cho họ. Tới đây, ta phải xem xét có đưa ra gói cứu trợ nào không, nếu có thì thực hiện như thế nào. Thời gian tới, tôi dự báo có thể có vài chục nghìn kiều bào từ Ukraine, Belarus hồi hương", ông Lực chia sẻ tại tọa đàm.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ thì mới đảm bảo các chương trình, cơ chế chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và quyết liệt.
Trong trung và dài hạn, chuyên gia kinh tế này đề xuất cơ cấu lại và nâng cấp hệ thống logistics, song song với đẩy nhanh và quyết liệt hơn, thực chất hơn cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, tăng tính tự lực tự cường, sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh bất định; chủ động phân tích dự báo để tránh bị động, bất ngờ.
"Cần ổn định môi trường chính trị, kinh tế vĩ mô, vừa để an lòng dân, doanh nghiệp vừa để thu hút đầu tư", TS. Cấn Văn lực đề xuất.
Tại tọa đàm, bên cạnh những tác động tiêu cực, các diễn giả cũng phân tích những cơ hội mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine như tiến sâu hơn vào thị trường Nga, thúc đẩy hút du khách Nga, đa dạng hóa kênh thanh toán...
Nga và Ukraine là hai đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á-Âu. Về kim ngạch thương mại, Nga xếp ở vị trí thứ 1, còn Ukraine xếp ở vị trí thứ 6.