Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Toản: Cơ hội nâng chất lượng FDI đang mở ra
Việt Nam đang có nhiều điều kiện, đang có cơ hội nhưng Việt Nam phải thay đổi chính mình, phải xóa bỏ trì trệ thì mới bật lên được - đó là nhìn nhận của ông Nguyễn Văn Toản – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
+ Ông đánh giá thế nào về tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay?
- Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động và khó khăn, con số ấn tượng về hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã khẳng định sức hấp dẫn và tiềm năng lớn của đất nước trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Tính lũy kế đến ngày 20/5/2024, cả nước có 40.285 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 481,33 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt khoảng 305,43 tỷ USD, bằng gần 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Đáng chú ý là đã có nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng như sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn.
Những con số đó phản ánh niềm tin ngày càng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.
+ Dự báo triển vọng về FDI thế nào, theo ông?
- Tình hình thu hút vốn FDI trong nửa đầu năm 2024 rất tích cực, đang là điểm sáng. Với sức hút của môi trường đầu tư tại Việt Nam và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam, FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam.
Chúng tôi dự báo như vậy khi nhận thấy: Thứ nhất, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ. Việc cải cách thể chế, tăng cường minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã giúp nâng cao sức cạnh tranh và khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam.
Thứ hai, tiềm năng và sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam và lực lượng lao động trẻ, năng động cũng như có nhiều tiềm năng khác để phát triển các ngành mới, ví dụ như nguồn đất hiếm – rất thuận cho sản xuất công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam…
Thứ ba, chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng tốt, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá hối đoái ổn định…
Đó là những yếu tố nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong xu hướng chuyển dịch đầu tư và chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu đang diễn ra. Nhiều nhà đầu tư mới, đặc biệt là các tập đoàn lớn trên thế giới đã tỏ ý sẽ vào Việt Nam. Các tập đoàn khác như SpaceX, Coca-Cola, Pacifico Energy,... cũng đã cam kết tiếp tục tăng đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
NVIDIA đã ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn FPT đầu tư 200 triệu USD xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo… Công ty Kine SIC Semi chuyên sản xuất chip công nghệ cao cũng tỏ ý đầu tư 200 triệu USD vào Bắc Ninh. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam cũng đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất.
Tập đoàn Samsung Việt Nam đã cho biết dự định tiếp tục tăng nhanh vốn đầu tư vào công nghệ thông tin, công nghệ bán dẫn trong thời gian tới. Năm 2023 doanh thu của Samsung khoảng 75 tỷ USD, chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho gần 200 nghìn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp.
Đó là những tín hiệu triển vọng thu hút FDI của Việt Nam sẽ rất khả quan. Tôi thấy Việt Nam đang có một cơ hội rất lớn để không chỉ thu hút được một lượng lớn vốn FDI mà còn có cơ hội cho một bước nhảy vọt về chất của đầu tư nước ngoài.
Tính đến 20/5/2024 đã có 1.227 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (tăng 27,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD (tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Việc đăng ký đầu tư mới, góp vốn mua cổ phần cũng ghi nhận những kết quả ấn tượng: hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
+ Một trong những vấn đề tác động lớn đến thu hút FDI, đó là Việt Nam tham gia Thuế tối thiểu toàn cầu. Quan điểm của ông về sự kiện này?
- Chính phủ Việt Nam đã rất nhạy bén khi kịp thời tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, nếu không là chúng ta sẽ lỡ nhịp với thế giới. Quốc hội Việt Nam cũng đã kịp thời có Nghị quyết 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu vào ngày 29/11/2023.
Chính phủ cũng đã nghiên cứu, ban hành các chính sách kinh tế, trong đó có chính sách thu hút FDI liên quan đến sự thay đổi của thế giới như Thuế tối thiểu toàn cầu. Thế giới đánh giá cao Việt Nam về vấn đề này. Tuy nhiên cần chủ động giành quyền đánh thuế bổ sung bằng việc nội luật hóa quy định Thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời Chính phủ cần đưa ra các chính sách hỗ trợ để “bù đắp” cho những ưu đãi mà doanh nghiệp mất đi khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích khi thực thi tại Việt Nam.
+ Một câu chuyện đang được bàn thảo rất kỹ đó là làm sao khi thực hiện thuế toàn cầu mà vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh?
- Bộ Tài chính đang soạn thảo Nghị định Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thực thi Quy tắc Thuế Tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam và lấy ý kiến các Bộ, ngành, hiệp hội, và đối tượng chịu sự tác động trong tháng 5 và tháng 6. Tháng 7/2024 sẽ hoàn thiện để lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để dự kiến tháng 10/2024 nghị định sẽ được ban hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Nghị định Chính phủ về sửa đổi một số Luật liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu và Nghị định sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư từ chủ yếu ưu đãi thuế, sang ưu đãi tài chính, chi phí đổi với dự án ưu tiên, Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Như vậy, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho thu hút FDI chất lượng cao trong hoàn cảnh mới, điều kiện mới.
Để giữ được lợi thế cạnh tranh thu hút FDI, cần chuyển ưu đãi đầu tư bằng thuế thu nhập doanh nghiệp thành các hỗ trợ khác hỗ trợ cho nghiên cứu đầu tư phát triển, đào tạo nhân lực… Trước hết cần sớm rà soát các doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng, đánh giá khả năng thu thuế bổ sung, mức độ tác động tới môi trường đầu tư… để có giải pháp phù hợp. Chính sách, cơ chế phải đảm bảo tính công bằng giữa các nhà đầu tư, các doanh nghiệp không chịu tác động bởi thuế tối thiểu toàn cầu với doanh nghiệp trong diện thực hiện thuế này. Đồng thời phải nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ tình trạng trì trệ trong một số cán bộ công chức, viên chức. Và phải nâng cao năng lực của hệ thống cán bộ, công chức để quản lý tốt hơn.
Rõ ràng là Việt Nam đang có nhiều điều kiện, đang có cơ hội nhưng Việt Nam phải thay đổi chính mình, phải xóa bỏ trì trệ thì mới bật lên được.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Nguyễn (Thực hiện)