Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank - Carmen Reinhart: Người phụ nữ không sợ 'bấp bênh'
Cuối tháng 5, Ngân hàng Thế giới đưa Carmen Reinhart làm chuyên gia kinh tế trưởng- một ví trí không phải ai cũng trụ lại được quá lâu. Nhưng với việc được mệnh danh là 'người đặc biệt', mối duyên nợ của người phụ nữ Cuba tài năng này với World Bank có lẽ sẽ còn sâu đậm hơn thế.
Bà Carmen Reinhart. Ảnh: Joe Pugliese/August
Người Cuba tài năng và cái duyên với World Bank
Người sau này đoạt giải Nobel, Paul Romer đã từ chức sau 15 tháng làm việc tại Ngân hàng thế giới. Người kế nhiệm của ông là Penny Goldberg cũng nhanh chóng quay trở lại giới học thuật sau một thời gian đảm nhận công việc ở World Bank.
Một lớp quản lý mới sẽ sớm được đưa vào, giữa bộ phận nghiên cứu và chủ tịch của Ngân hàng thế giới. Nhưng không rõ liệu World Bank có tiếp tục tìm một chuyên gia kinh tế trưởng khác cũng danh tiếng lẫy lừng như những người giữ chức vụ này trước đó không.
Thay vì chấp nhận một sự lựa chọn an toàn và tầm thường hơn, tổ chức này đã thuê Carmen Reinhart của Đại học Harvard, một trong những nữ kinh tế gia được ca ngợi rộng rãi nhất trên thế giới.
"Bà ấy là một người đặc biệt", Guillermo Calvo từ Đại học Columbia nói như vậy.
Gia đình Carmen Reinhart chạy trốn khỏi Cuba để đến Mỹ năm 1966 khi bà mười tuổi. Một khóa học về quản lý và kinh doanh thời trang tại Đại học Miami Dade đã đưa bà đến với kinh tế học.
Trước 30 tuổi, bà đã là chuyên gia kinh tế trưởng của Bear Stearns, một ngân hàng đầu tư, chức vụ mà sau này đảm nhiệm bởi sếp mới của bà là David Malpass, người đã trở thành chủ tịch của Ngân Hàng Thế giới vào năm ngoái.
Hai kỳ làm việc của bà tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) giúp bà quen làm việc tại tổ chức Bretton Woods.
Một bài báo bà viết cùng Calvo và Leonardo Leiderman tại IMF đã dự đoán cuộc Khủng hoảng tiền tệ Tequila tại Mexico năm 1994. Bài báo đã tranh luận rằng luồng vốn chảy vào của các nước Mỹ Latinh phản ánh tình trạng toàn cầu (bao gồm cả lãi suất thấp từ Mỹ) chứ không chỉ là sự cải cách mang tính trong nước.
Họ cảnh báo rằng, bất cứ hoán vị nào từ các điều kiện trên cũng có thể kích hoạt sự đảo chiều của các dòng chảy (về vốn). Và trong viễn cảnh như vậy, “các lựa chọn về chính sách”, họ chú giải một cách gãy gọn, “là rất hạn chế”.
Lập luận của bài viết này cũng phù hợp để áp dụng với những rắc rối gần đây tại Argentina, nơi đã dựa dẫm quá nhiều vào lòng nhiệt tình thoáng qua của các nhà đầu tư ngoại quốc giai đoạn cuối 2016 đến 2018.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà Reinhart là cuốn sách về lịch sử những sự kiện tài chính “ngu dại”, trải dài trong tám thế kỷ, được chấp bút cùng Kenneth Rogoff của đại học Harvard, (tại sao chỉ viết có tám thế kỷ ?!?, ông Dennis Snower từ Học viện Kiel đã đùa như vậy khi trao tặng cho bà giải thưởng Bernhard Harms năm 2018).
Cuốn sách đã dùng thông tin từ nhiều nguồn lịch sử, bao gồm giá cả được chọn lọc từ hồ sơ của các tu viện, cùng các báo cáo từ Hội Quốc Liên, các dữ liệu mà chồng của bà, Vincent, vào thời điểm đó làm việc tại Cục Dự trữ Liên bang, đã tặng bà như món quà Lễ tình nhân.
Mục đích của tác giả là để tạo ra một dãy dữ liệu liên tục đủ dài để nắm được đặc tính của các cuộc khủng hoảng tài chính hiếm xảy ra nhưng trầm trọng, mà đã làm rung chuyển cả thế giới trong thập niên 1930 và một lần nữa vào năm 2007-2009.
Công trình đầy tranh cãi của bà với ông Rogoff tuyên bố rằng nếu nợ chính phủ vượt 90% tổng sản lượng nội địa (GDP), mức tăng trưởng (kinh tế) sẽ giảm.
Những nhà phê bình tranh luận về mối quan hệ nhân quả; có người còn tìm ra lỗi sai trong bản tính. Ngưỡng 90% đã trở thành con số thống kê ưa chuộng cho những người ủng hộ sự thắt lưng buộc bụng. Nhưng chính bà Reinhart cũng đã chỉ rõ sự quan trọng của việc xóa nợ.
Những phát hiện về Trung Quốc
Bà là một trong số ba tác giả chính của một lá thư công khai gần đây, ký tên bởi 150 nhà kinh tế học, nhằm bảo vệ đề xuất của chính phủ Argentina đến các chủ nợ cho phép đổi trái phiếu của họ lấy một văn kiện hợp pháp mới với các điều khoản nới lỏng hơn.
Mối lo về nợ này cũng sẽ làm sôi nổi những nỗ lực gần đây nhằm lấp đầy sổ sách thống kê. Cùng với Sebastian Horn và Christoph Trebesch của Học viện Kiel, bà Reinhart đã thử tính toán số tiền mà Trung Quốc cho phần còn lại của thế giới vay, đồng thời cộng dồn và kiểm tra chéo các nỗ lực nhỏ lẻ từ trước đó.
“Nói rằng việc này (hoạt động cho vay của Trung Quốc) là không minh bạch đã là nói giảm nói tránh”, bà nhấn mạnh.
Vì không có những hồ sơ ghi chép chính xác hơn, việc đánh giá lỗ hổng kinh tế vĩ mô của nhiều nước thu nhập thấp là bất khả thi, bà lập luận. Và bất kì nỗ lực nào để giảm nợ của các nước nghèo trong giai đoạn đại dịch cũng có thể thất bại nếu không bao gồm các khoản vay từ Trung Quốc.
Mối lo lắng của bà cũng giống với mối bận tâm của ông Malpass. Khi còn làm việc tại kho bạc Hoa Kỳ, ông phát biểu mối lo ngại rằng Trung Quốc đang lôi kéo nhiều quốc gia vào nợ nần và theo đó mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị - địa lý của nó.
Với vị trí công việc hiện tại của mình, ông đã khẳng định rằng các quốc gia nên minh bạch hơn về việc vay và cho vay của bản thân.
Các cuộc điều tra của bà Reinhart không phải lúc nào cũng phản ánh xấu về Trung Quốc. Trong danh sách của bà về 50 quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất (cân xứng với GDP của họ), hầu như không có những quốc gia có ý nghĩa quan trọng về mặt địa lý - chính trị (ngoại trừ Pakistan và Sri Lanka).
Bà và đồng nghiệp cũng đã phát hiện ra 140 trường hợp Trung Quốc tái cơ cấu hay xóa giảm nợ cho các nước nghèo, mặc dù Trung Quốc hiếm khi phối hợp với các chủ nợ khác.
Trung Quốc cũng đã tham gia vào hoạt động gần đây của G20 nhằm trì hoãn nghĩa vụ trả nợ giữa các khoản vay song phương của các chính phủ (G20) và 73 nước nghèo.
Vậy là, Ngân Hàng Thế Giới đã tìm thấy một kinh tế trưởng tầm cỡ thế giới khác.
Nhiệm kỳ của bà Reinhart ít có khả năng yên bình hơn nhiều so với những người tiền nhiệm bà. Chỉ hy vọng rằng nó kéo dài lâu hơn một chút.