Chuyên gia: Kỷ nguyên vàng trong quan hệ Trung Quốc - Đức sắp kết thúc
Theo giới quan sát, việc Thủ tướng Đức Angela Merkel rời chính trường sẽ chấm dứt kỷ nguyên vàng trong quan hệ giữa Trung Quốc với Đức nói riêng, và với EU nói chung.
Không có nhà lãnh đạo phương Tây nào đến Trung Quốc nhiều lần như bà Angela Merkel - 12 lần trong trong 16 năm giữ chức thủ tướng Đức. Cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng mô tả bà là chính trị gia mà ông tin tưởng nhất, "vì bà luôn nói sự thật".
Theo tờ South China Morning Post, trong khi liên tục bị chỉ trích ở phương Tây về chính sách thân thiện đối với Trung Quốc, bà Merkel nhận được nhiều lời khen ngợi ở Bắc Kinh. Theo các quan chức và chuyên gia Trung Quốc, bà là một trong số ít nhà lãnh đạo nước ngoài "hiểu rõ nước này".
Theo ông Wang Yiwei - GS nghiên cứu về châu Âu tại Đại học Renmin, bà Merkel đã trung thành với cách tiếp cận ổn định, cân bằng và thực dụng đối phó với Trung Quốc. Điều này đã giúp nữ thủ tướng giữ cho các mối quan hệ không bị gián đoạn do những khác biệt về ý thức hệ.
Kỷ nguyên vàng
Theo các nhà quan sát, với việc bà Merkel sắp rời chính trường, "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ song phương Đức - Trung Quốc cũng sẽ sớm kết thúc.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, bà Merkel đã theo đuổi các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh trong khi cố gắng tách biệt các vấn đề gây tranh cãi trong mối quan hệ này. Mối quan hệ song phương chặt chẽ cũng dẫn dắt và định hình quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), nơi bà Merkel là nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất trong khối.
Xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc đã tăng lên 112 tỉ USD vào năm 2020, gấp 5 lần so với năm 2005 - thời điểm bà bắt đầu nhậm chức.
Năm 2016, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Hiện Berlin cũng đứng đầu bảng xếp hạng về chuyển giao công nghệ nước ngoài cho Bắc Kinh.
Ngoài ra, Berlin cũng là quốc gia thành viên EU đầu tiên thiết lập các cuộc tham vấn và trao đổi cấp nội các thường niên với Bắc Kinh, bao gồm một loạt vấn đề từ kinh tế, quân sự và an ninh, cho đến nhân quyền. Đây được xem là một phần quan trọng trong di sản chính sách đối ngoại của bà Merkel.
Tháng 10-2016, Đức và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận chung tại TP Trùng Khánh. Đây là cuộc tập trận đầu tiên giữa Trung Quốc với một nước lớn của EU. Năm 2019, một cuộc tập trận tương tự đã diễn ra ở Đức.
Năm 2020, dư luận ở châu Âu cũng dần quay lưng với Trung Quốc sau hàng loạt vấn đề như đại dịch COVID-19 và sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Bất chấp những khó khăn đó, dưới cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu từ nửa cuối năm 2020, bà Merkel đã dẫn đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư mang tính bước ngoặt giữa Brussels và Bắc Kinh và thúc đẩy ký kết một thỏa thuận trước năm 2021.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã rơi vào bế tắc khi quan hệ Trung Quốc - EU xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 3 sau khi Brussels và Bắc Kinh áp các biện pháp trừng phạt vào nhau liên quan các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Nhiều lần bị chỉ trích
Bà Merkel nhiều lần bị chỉ trích vì lập trường mềm mỏng đối với Trung Quốc về nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong, cũng như các lĩnh vực thuộc về công nghệ cao.
Trong khi thừa nhận sự cạnh tranh công nghệ cao với Trung Quốc đang gia tăng, bà Merkel vẫn khẳng định rằng một mối quan hệ chiến lược hợp lý với Bắc Kinh là cần thiết.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào cuối tháng 1 - ngay sau khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ, bà Merkel đã tán thành lời kêu gọi của ông Tập nhằm tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới bằng cách gạt sang một bên những khác biệt về ý thức hệ. Bà từ chối chọn bên trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, đồng thời cam kết gây sức ép với Bắc Kinh về nhân quyền và sự minh bạch.
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Noah Barkin từ Quỹ Marshall của Mỹ, Trung Quốc là "điểm mù lớn nhất" của bà Merkel.
"Điều này không phải vì bà ấy không nhìn thấy sự thay đổi quỹ đạo của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Đó là vì bà ấy đã chậm chạp trong việc thừa nhận những rủi ro của sự thay đổi này đối với Đức và điều chỉnh chính sách của mình cho phù hợp" - ông nói thêm.
Xung đột có thể bùng phát lại
Ông Cui Hongjian, Giám đốc Nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc dự báo những xung đột được "tạm gác" dưới thời bà Merkel có thể bùng phát trở lại.
"Bắc Kinh có thể phải tạm biệt thời kỳ vốn có sự ổn định trong quan hệ song phương. Trong tương lai, những xung đột về chính trị và ngoại giao sẽ ngày càng gia tăng, điều này đòi hỏi Trung Quốc phải dành nhiều nỗ lực hơn trước để giải quyết chúng" - ông nói.
"Trong 16 năm qua, hai bên đã có sự khôn ngoan và dũng cảm để vượt qua và quản lý các xung đột, đồng thời có thể tìm ra vị trí thích hợp cho các vấn đề và ngăn chặn chúng phá vỡ hợp tác kinh tế" - ông nói thêm.
Cũng theo ông Cui, nước Đức thời hậu Merkel sẽ không đóng vai trò ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc - EU như trước nữa.
Ông nói: "Trung Quốc nên tăng cường quan hệ với các nước EU lớn khác, giống như cách đã làm với bà Merkel. Đây là nhiệm vụ mới đối với Bắc Kinh".