Chuyện già làng Cơ Tu nhiều lần được gặp Tổng Bí thư

Với những đóng góp nổi bật trong phong trào xây dựng bản làng, ông A Lăng Đàn đã 4 lần gặp mặt của các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước.

Già làng A Lăng Đàn năm nay đã bước qua tuổi 75

Già làng A Lăng Đàn năm nay đã bước qua tuổi 75

Tiên phong hiến đất để làm gương

Phải nhờ chỉ dẫn của người dân làng A Rớt (xã A Nông, huyện Tây Giang, Quảng Nam), chúng tôi mới tìm được nhà của già A Lăng Đàn (SN 1946, người dân tộc Cơ Tu). Như bao nếp nhà khác nằm dưới những cánh rừng già bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, căn nhà của ông Đàn đơn sơ, giản dị, các vật dụng trong nhà không có gì giá trị, ngoài chiếc ti vi cũ.

Chỉ những tấm bằng khen, giấy khen, tấm ảnh ghi lại những lần ra Thủ đô gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những giấy chứng nhận đóng góp lúa gạo của bố mẹ ông cho bộ đội Cụ Hồ trong thời kháng chiến được treo trang trọng trong nhà, ông không giấu được tự hào: “Tôi đã được ra Thủ đô Hà Nội nhiều lần cùng với đoàn những già làng tiêu biểu, được gặp mặt nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Lần đầu tiên là năm 1997, tôi được vinh dự ra Thủ đô gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đến năm 2004, tôi lại được ra gặp Thủ tướng Phan Văn Khải, lúc đó tôi đang làm Chủ tịch xã A Nông. Đến năm 2010, tôi lại được ra Hà Nội gặp mặt Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Lần gần nhất tôi được ra Hà Nội là ngày 21/12/2018, khi đó tôi được tỉnh Quảng Nam chọn là già làng tiêu biểu dự cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ân cần hỏi han, tôi vô cùng xúc động”.

Già làng A Lăng Đàn chăm đàn ngan của gia đình

Già làng A Lăng Đàn chăm đàn ngan của gia đình

Năm nay đã 75 tuổi song già Đàn vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng. Sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, từ nhỏ A Lăng Đàn đã học được nhiều điều từ người cha A Lăng Nhớt khi ông không tiếc thóc gạo, trâu bò để hiến cho cách mạng, nuôi bộ đội.

Lớn lên, chàng trai A Lăng Đàn tham gia các công tác của xã, gia nhập thanh niên xung phong tỉnh Quảng Đà (năm 1966-1968), sau đó vào bộ đội huyện Tây Giang, rồi làm Xã đội trưởng xã A Tiêng (Tây Giang).

Từ năm 1982, ông Đàn được tin tưởng bầu làm Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng và tiếp tục giữ trọng trách Chủ tịch UBND xã này. Giai đoạn 1999-2000, huyện Tây Giang lập xã A Nông trên cơ sở tách một phần từ xã A Tiêng, ông Đàn được được bầu làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã A Nông đến khi nghỉ hưu vào tháng 6/2004.

Ông Đàn kể, ngày nhậm chức ở xã mới, ông được huyện giao nhiệm vụ tiên phong xây dựng xã điểm văn hóa. Áp lực đè nặng lên vai đội ngũ lãnh đạo xã bấy giờ, bởi xuất phát điểm của địa phương hầu như là “con số không”, trụ sở xã chưa được xây dựng, đường sá chủ yếu là đường đất, cấp phối, sản xuất mang tính tự cung tự cấp… “Lúc đó, tôi liền tổ chức họp cấp ủy, đưa ra quyết sách là phải có mặt bằng xây dựng hạ tầng. Nhưng nguồn ngân sách hạn chế, muốn có mặt bằng phải vận động dân, muốn người dân hiến đất thì mình phải gương mẫu”, già Đàn kể.

Nói là làm, Bí thư A Lăng Đàn chọn luôn 5ha đất của mình để hiến cho xã xây dựng hạ tầng. Quyết định của già Đàn khiến cả nhà bất ngờ. Bà Đinh Thị Nhớ (SN 1964, vợ già Đàn) kể: “Mới nghe, vợ con đều phản đối vì đó là nơi canh tác nuôi sống cả gia đình, con cái đang tuổi ăn học. Nhưng thấy ông ấy kiên trì vận động, sau mình cũng thuận cái bụng”.

Còn ông Y Đêl Bốn, Chủ tịch UBND xã A Nông cho hay, từ mặt bằng trụ sở UBND xã, trường tiểu học, trạm y tế bây giờ đều nằm trên diện tích 5ha đất hiến của già Đàn hồi ấy. Từ việc làm này, người dân trong xã đã hăng hái tham gia các cuộc vận động hiến đất, mở đường và xây dựng nông thôn mới sau này.

Chưa đầy chục năm sau, khi phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh ở Quảng Nam, ông Đàn lại khiến cả nhà bất ngờ khi quyết định hiến thêm 2ha đất ao cá để làm mặt bằng khu dân cư, sân vận động… giúp A Nông sớm cán đích nhiều tiêu chí nông thôn mới. “Lúc đó tôi nghỉ hưu rồi, chỉ tham gia giữ chức Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Tây Giang, nhưng nêu gương truyền thống cách mạng gia đình, Nhà nước cần là mình sẵn sàng ủng hộ”, già Đàn kể.

Gia đình có 6 cử nhân

Ngoài làm ăn kinh tế giỏi, già làng A Lăng Đàn còn tham gia công tác bảo vệ an ninh khu vực biên giới

Ngoài làm ăn kinh tế giỏi, già làng A Lăng Đàn còn tham gia công tác bảo vệ an ninh khu vực biên giới

Ngày thường khi nghỉ hưu, già A Lăng Đàn vẫn đều đặn cùng vợ con ra chăm ruộng nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài làm ăn kinh tế giỏi, già làng A Lăng Đàn còn tham gia công tác bảo vệ an ninh khu vực biên giới.

“Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bộ đội ta đã được người Cơ Tu đùm bọc, chở che, nhường cơm sẻ áo. Họ đoàn kết, đồng lòng, góp sức người, sức của để đánh thắng giặc Mỹ thống nhất đất nước. Trên con đường phát triển của huyện Tây Giang, dù gặp không ít khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc nơi đây luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương giàu đẹp” già Đàn chia sẻ.

Cả 3 thế hệ trong gia đình ông Đàn luôn có những đóng góp quan trọng cho sự quê hương, làng xóm, thôn bản. Trong thời chiến, bố mẹ ông Đàn đóng góp hàng ngàn thùng lúa nuôi bộ đội Cụ Hồ. Trong thời bình, vợ chồng ông hiến cả 7ha đất cho địa phương xây dựng nông thôn mới. Những việc làm của gia đình ông ở vùng đất này từ xưa đến nay chưa ai từng làm. Tôi luôn lấy tấm gương hiếu học của gia đình già Đàn để động viên, giáo dục cho thế hệ trẻ, con em đồng bào dân tộc Cơ Tu.
Ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang

Có một điều khiến nhiều người dân nể phục gia đình già Đàn nữa là trong 6 người con thì cả 6 người đều được vợ chồng già Đàn nuôi ăn học đến nơi đến chốn, tất cả đều là cử nhân. Người con đầu A Lăng Thị Lur (tốt nghiệp Trường ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng) hiện đang làm việc tại Trung tâm y tế huyện Tây Giang. Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế), người con gái thứ 2 là A Lăng Thị Púi giảng dạy tại trường THPT huyện Tây Giang. Người con trai thứ 3 là A Lăng Lay hiện là đang công tác tại Đội CSGT-TT Công an huyện Tây Giang sau khi tốt nghiệp ĐH Cảnh sát nhân nhân. Người con gái thứ 4 là A Lăng Thị Bhố hiện đang làm việc tại Đài phát thanh huyện Tây Giang sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa. A Lăng Thị Lài tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học (ĐH Quảng Nam) hiện đang giảng dạy ở trường Tiểu học bán trú xã Tr’hy. Còn người con gái út A Lăng Thị Liên vừa tốt nghiệp đại học ngành Mầm non (Đại học Quảng Nam) đang chờ xin việc làm.

Bà Nhớ bộc bạch: “Đứa lớn vừa ra trường, thì những đứa tiếp sau cũng lần lượt vào đại học. Có những năm, 2-3 đứa cùng học đại học. Nhà nước hỗ trợ một phần cho con em vùng sâu, vùng xa nhưng các chi phí cho con ăn ở đè nặng lên vai hai vợ chồng. Chỉ riêng lo cho con gái học ở Huế, mỗi tháng mất 4-5 triệu đồng. Lúc ông Đàn nghỉ hưu, lương hưu chỉ vài trăm ngàn/tháng, rồi lên được 2 triệu, cả nhà nhờ vào ruộng nương, tăng gia sản xuất, làm đủ việc để lấy tiền cho con ăn học. Vất vả nhưng vui vì giờ con cái ra trường có công việc ổn định”, bà Nhớ chia sẻ.

Giờ đây, cứ mỗi lần họp bản, dân làng lại lấy tấm gương “gia đình cử nhân” của già Đàn để răn dạy con cháu. “Tôi thêm mừng vì các con học được ý chí, khát vọng vượt khó vươn lên để góp phần trưởng thành, cống hiến cho quê hương”, già Đàn tâm sự..

Đại Khải

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-gia-lang-co-tu-nhieu-lan-duoc-gap-tong-bi-thu-d463354.html