Chuyên gia: Lầu Năm Góc đã coi Trung Quốc là mối đe dọa số một

Theo các chuyên gia quân sự, Bộ Quốc phòng Mỹ sau khi đánh giá toàn diện đã coi Trung Quốc là mối đe dọa số một; đồng thời xây dựng các kế hoạch quân sự của Mỹ dựa trên 'Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc'.

 Giới quan sát quốc tế cho rằng Lầu Năm Góc hiện đã coi Trung Quốc là mối đe dọa số một của Mỹ (Ảnh: Dwnews).

Giới quan sát quốc tế cho rằng Lầu Năm Góc hiện đã coi Trung Quốc là mối đe dọa số một của Mỹ (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 1/3, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, lãnh đạo Lầu Năm Góc từ Bộ trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng cho đến người đứng đầu các dự án và quân chủng, đã 4 lần lên tiếng nói về Trung Quốc, coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với Mỹ.

Theo báo Mỹ San Diego Union Tribune ngày 26/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong lần thị sát đầu tiên tàu sân bay Nimitz đã nói rằng do phải đối mặt với mối đe dọa của Trung Quốc và Iran đối với an ninh của Mỹ ở Thái Bình Dương và Trung Đông, Mỹ cần thiết phải triển khai tàu chiến trên khắp thế giới.

Vào ngày 27 tháng 2, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks viết trên Twitter rằng, kể từ khi nhậm chức bà đã đánh giá và điều chỉnh ngân sách và các ưu tiên của Bộ Quốc phòng: “Vấn đề hàng đầu: Trước sự hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, phải tăng cường khả năng răn đe cần có của Mỹ, để khi cần thiết có thể cạnh tranh và giành chiến thắng”. Cùng ngày, trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đăng một bài báo cho biết việc phát triển vũ khí siêu thanh đã được liệt kê là ưu tiên hàng đầu để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực này.

Vũ khí siêu thanh có thể bay trong thời gian dài trong tầng khí quyển (độ cao từ 80.000 đến 200.000 feet) với tốc độ tiệm cận hoặc vượt quá Mach 5, và có thể cơ động theo những cách mà bên phòng thủ không thể đoán trước.

Từ 19 đến 23/7/2020, Hải quân ba nước Mỹ, Nhật, Australia đã tập trận chung từ Biển Đông tới Guam nhằm vào Trung Quốc (Ảnh: BQP Nhật).

Ông Mike White, Giám đốc Văn phòng Chương trình Vũ khí Siêu thanh của Bộ Quốc phòng, đã tham dự Hội nghị trực tuyến chuyên đề về tác chiến vũ trụ do Hiệp hội Không quân Hoa Kỳ tổ chức. Ông phát biểu chỉ ra rằng nội dung chiến lược bao gồm tiêu diệt các mục tiêu trên biển, ven biển và trên đất liền có tính chiến thuật quan trọng trên chiến trường và phát triển vũ khí tấn công thông thường siêu thanh phóng từ trên không, đất liền và trên biển; phát triển khả năng tên lửa tấn công siêu thanh chiến thuật để tiêu diệt kẻ thù ở các cấp độ khác nhau và sử dụng các hệ thống siêu thanh có thể tái sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát và tấn công

Ông Mark Kelly, Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến trên không của Mỹ, người tham gia hội nghị này cũng tiết lộ nội dung liên quan về chương trình "Ưu thế trên không thế hệ tiếp theo" (NGAD) của Mỹ. Kế hoạch này có thể bao gồm máy bay có người lái, máy bay không người lái hoặc các năng lực tiên tiến khác, thay vì các mẫu máy bay chiến đấu truyền thống F-16 hay F-35. Mark Kelly nói rằng ông lo rằng Trung Quốc sẽ triển khai thế hệ máy bay chiến đấu mới trước Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng các đối thủ chống lại NGAD sẽ phải “trải qua một cuộc chiến tranh gian khổ”.

Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu vũ khí siêu thanh để đối phó Nga và Trung Quốc (Ảnh: 163.com).

“Nhắm mục tiêu đến Trung Quốc” là nội dung công việc quan trọng nhất của ông Lloyd Austin kể từ khi ông nhậm chức ở Lầu Năm Góc. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 2, ông tuyên bố Lầu Năm Góc đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới để đối phó với những thách thức ngày càng gay gắt do Trung Quốc đặt ra. “Nhóm công tác Trung Quốc do Bộ trưởng Austin thành lập sẽ xem xét chiến lược, khái niệm tác chiến, khoa học và công nghệ, tình hình quân lực, v.v. của chúng ta”.

Ngoài ra, theo báo Wall Street Journal ngày 27/2, Mỹ và Canada có kế hoạch cải tạo hiện đại hóa một vệ tinh quốc phòng và mạng lưới radar ở Bắc Cực để đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực. Theo các quan chức quen thuộc với vấn đề này, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm song phương với Thủ tướng Canada Justin Trudeau vài ngày trước, ông đã yêu cầu Canada tăng chi tiêu quốc phòng, bao gồm nâng cấp Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD).

Máy bay F-22 của Mỹ bay giám sát TU-95 của Nga trên vùng trời Bắc Cực (Ảnh: NORAD).

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 28/2: “Nền tảng của việc Lầu Năm Góc chống lại Trung Quốc, chơi ‘con bài Trung Quốc’ từ trên xuống dưới là sức mạnh quốc gia của Mỹ đang suy giảm và khả năng quân sự của họ gặp khó khăn khi tìm kiếm quyền bá chủ quân sự toàn cầu”. Tống Trung Bình nói: “Trong mắt người Mỹ, kẻ mạnh nào cũng phải là bá chủ. Trong cách suy nghĩ của họ, họ cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn sẽ hình thành nên cái gọi là quốc gia bá quyền, sẽ thay thế nước Mỹ. Nếu mất quyền bá chủ toàn cầu, Mỹ sẽ mất đi khả năng kiểm soát thế giới. Trong bối cảnh này, Mỹ đã coi Trung Quốc là kẻ thù giả tưởng”.

Tống Trung Bình phân tích rằng Lầu Năm Góc có hai mục đích khi “nhắm vào Trung Quốc”. Đầu tiên, họ muốn có thêm nhiều ngân sách quân sự. Thứ hai, muốn lôi kéo các đồng minh và cuối cùng là duy trì quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ. “Mỹ muốn gia tăng ảnh hưởng toàn cầu, nước này cần một cái bia trở thành kim chỉ nam quan trọng để lôi kéo các đồng minh. Vì vậy, họ coi Trung Quốc là kẻ thù giả tưởng, để Mỹ và các đồng minh có thể hình thành một cộng đồng lợi ích hoặc hình thành các giá trị chung”.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chuyen-gia-lau-nam-goc-da-coi-trung-quoc-la-moi-de-doa-so-mot-post143423.html