Chuyên gia LHQ kêu gọi Mỹ khép lại chương buồn về nhà tù Guantanamo
Các chuyên gia trên nêu rõ: '20 năm giam giữ độc đoán không qua xét xử, kèm theo các hình thức tra tấn hoặc đối xử bất công là không thể chấp nhận được đối với bất kỳ chính phủ nào.'
Hai thập kỷ sau ngày những tù nhân đầu tiên bị giam giữ tại Vịnh Guantanamo, một nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc ngày 19/1 kêu gọi Washington đóng cửa địa điểm “liên tiếp vi phạm nhân quyền” này.
Hơn một chục chuyên gia độc lập về quyền con người của Liên hợp quốc đã bày tỏ phẫn nộ vì nhà tù được tạo ra sau loạt vụ tấn công khủng bố tháng 9/2001 để giam giữ các tù nhân trong “cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ” đến nay vẫn còn hoạt động.
Họ mô tả trung tâm giam giữ của Hải quân Mỹ này là một nơi “đầy tai tiếng.”
Trong một tuyên bố, các chuyên gia trên nêu rõ: “20 năm giam giữ độc đoán không qua xét xử, kèm theo các hình thức tra tấn hoặc đối xử bất công là không thể chấp nhận được đối với bất kỳ chính phủ nào."
Các chuyên gia của Liên hợp quốc kêu gọi chính phủ Mỹ đóng cửa địa điểm này, thả các tù nhân hoặc đưa họ tới các nước thứ ba an toàn, và có biện pháp chữa trị những vết thương vì bị tra tấn và giam giữ bất công.
Các chuyên gia trên nhấn mạnh là một thành viên mới được bổ nhiệm lại vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Mỹ rất cần “khép lại chương đau buồn về vi phạm nhân quyền hàng loạt này.”
Từng giam giữ gần 800 tù nhân từ khắp nơi trên thế giới, nhà tù Guantanamo hiện vẫn còn giam 39 người, một vài trong số đó đã ở đây từ khi nhà tù mới hoạt động.
13 người đã được chấp nhận chuyển đi, nhưng việc tìm một nơi để đưa họ đi hoặc dàn xếp việc hồi hương của họ đang diễn ra rất chậm chạp. 10 người đang trong tiến trình xét xử hoặc chờ xét xử, 2 người đã bị kết án. 14 người đang chờ được trả tự do.
Một số người từng chịu các hình thức tra tấn của các nhân viên Cục Điều tra liên bang (CIA) trong những năm đầu tiên của chương trình giam giữ sau sự kiện khủng bố 11/9/2001.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby ngày 10/1 cho biết Tổng thống Joe Biden muốn đóng cửa nhà tù Guantanamo, song đây là một vấn đề chính trị rất gây tranh cãi.
Phát biểu với báo giới, ông cho biết Nhà Trắng, quân đội Mỹ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan khác “hiện đang đánh giá cách thức giải quyết phù hợp.”
Tuy nhiên, các chuyên gia của Liên hợp quốc cáo buộc hệ thống tư pháp Mỹ “đang tạo ra một lỗ hổng pháp lý tại Guantanamo.”
Các chuyên gia chỉ ra rằng từ năm 2002-2021, 9 tù nhân đã thiệt mạng trong quá trình điều tra, 7 trong số này được cho là tự tử.
Không ai trong số này bị cáo buộc tội danh nào. Các chuyên gia nhấn mạnh những người đã cho phép và thực hiện tra tấn tại Guantanamo phải bị đưa ra trước công lý./.