Chuyên gia lưu ý bệnh nhân 91 cần phục hồi tâm lý do nằm viện lâu
Các chuyên gia nhấn mạnh bệnh nhân 91 cần được tập thở, tập cơ hoành, có thể lưu ý đến tập khí công và yoga kết hợp, cũng như phục hồi chức năng tâm lý do đã có quá trình nằm viện lâu dài...
Chiều 22/6, cuộc hội chẩn quốc gia lần thứ 5 về tình hình sức khỏe bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đã diễn ra tại điểm cầu Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế) kết nối với các bệnh viện: Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Nhiệt đới Trung ương, Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Trung ương Huế, Đà Nẵng để đánh giá tình hình sức khỏe và khả năng ghép phổi cho bệnh nhân 91.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị chủ trì hội chẩn, cùng sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực của Việt Nam như Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, chuyên gia về điều trị tích cực; Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quý Châu, quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Minh Châu, Tổng Thư ký Hội Phục hồi chức năng Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương.
Phát biểu mở đầu buổi hội chẩn, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Tổng lãnh sự Anh, Đại sứ quán Anh đã đến thăm và nắm được tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân mong muốn về quê nhà. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, việc đưa bệnh nhân về nước chỉ thực hiện khi đảm bảo các yêu cầu an toàn đủ sức khỏe ra khỏi phòng hồi sức, an toàn trong quá trình vận chuyển và sự chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân của bệnh viện phía quê hương của bệnh nhân đảm bảo an toàn.
Tại buổi hội chẩn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết, bản thân ông đã vào thăm, trò chuyện và động viên bệnh nhân. Nam phi công đã bày tỏ lời cảm ơn đến các y bác sĩ Việt Nam tận tình cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân.
Báo cáo của bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, giao tiếp tốt bằng lời nói, sức cơ 2 tay bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy, dung nạp thức ăn tốt, các xét nghiệm đánh giá nhiễm trùng của bệnh nhân âm tính.
Bệnh nhân đã cai hoàn toàn máy thở, tự thở khí phòng 24/24h. Chức năng phổi của bệnh nhân phục hồi gần 90%. Bệnh nhân tự ăn uống qua miệng, chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường. Các bác sĩ tiến hành cho bệnh nhân tập vật lý trị liệu 2 lần/ngày và tiếp tục chăm sóc vết loét cùng cụt...
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân cho biết, tâm lý của bệnh nhân vui, buồn thường xuyên, có lúc khóc, các nhân viên y tế phải động viên, dỗ dành. Bệnh nhân có nguyện vọng trở về quê nhà.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất, có thể cho bệnh nhân xuất khoa, ra khỏi khu vực hồi sức cấp cứu, chuyển phục hồi chức năng để tiếp tục hồi phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
Thảo luận tại buổi hội chẩn, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy Trần Đăng Khoa cho biết, hiện bệnh nhân tập phục hồi chức năng 2 buổi sáng/chiều, gồm tập thở, tập vận động, giao tiếp và chức năng sinh hoạt hàng ngày, tập kháng trở có trợ giúp...“Việc hồi phục của bệnh nhân phụ thuộc vào cả quá trình dinh dưỡng, phục hồi chức năng và tăng sức đề kháng”, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng thông tin.
Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến yếu tố bệnh nhân cần được tập thở, tập cơ hoành, có thể lưu ý đến biện pháp tập khí công và yoga kết hợp, cũng như phục hồi chức năng tâm lý do đã có quá trình nằm viện lâu dài...
Nam phi công người Anh, 43 tuổi, cao 1,83m, nặng 100kg (chỉ số khối cơ thể là 30.1 - có yếu tố béo phì). Bệnh nhân nhập viện điều trị ngày 18/3 tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho nam bệnh nhân này. Bệnh nhân cũng phải sử dụng ECMO từ ngày 6/4.
Bệnh nhân cũng sử dụng nhiều dịch vụ khác như lọc máu liên tục, thở máy... Đến nay, bệnh nhân đã trải qua 96 ngày điều trị tại bệnh viện, trong đó giai đoạn từ ngày 22/5 (thời điểm bệnh nhân chuyển điều trị từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh sang Bệnh viện Chợ Rẫy chưa xác định được chi phí.
Nếu chỉ tính giai đoạn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh thì đây là bệnh nhân có chi phí điều trị cao nhất mùa dịch này ở Việt Nam./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/benh-nhan-91-can-phuc-hoi-tam-ly-do-nam-vien-lau/160441.html