Chuyên gia lưu ý cha mẹ cách tăng cường kỹ năng sống cho trẻ
Gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ nữ sinh mất tích. Hiện tượng này đang một lần nữa nâng mức cảnh báo về sự thiếu hụt những kỹ năng sống ở trẻ, thậm chí ở cả lứa tuổi sinh viên Đại học.
Khóc, cười khi con bỗng dưng “mất tích”
Những ngày qua, cư dân mạng chia sẻ và kêu gọi cộng đồng tìm kiếm tin tức của Nghiêm Thị H.C, học sinh lớp 11 trú tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh mất tích sau khi đi học thêm tiếng Hàn. Gia đình H.C tìm mọi cách liên lạc nhưng không được. Đặc biệt, sau khi H.C mất tích chị Nguyễn Thị Huệ (mẹ của H.C) đến trường hỏi bạn cùng lớp thì mới biết con gái mình đã có người yêu. Qua điều tra công an phát hiện nữ sinh đang ở nhà bạn tại tỉnh Nghệ An nên đã tổ chức đưa về gia đình.
Trước đó không lâu, một nữ sinh Nguyễn Thị H.T tại trường THPT Đồng Lộc (Hà Tĩnh) mất tích 4 ngày sau khi được em trai chở đến trường. Một nữ sinh khác là Nguyễn T.H, 18 tuổi tại Hòa Bình cũng mất tích sau khi đi dự đám cưới bạn. Hiện cả hai nữ sinh đã được tìm thấy và đưa về gia đình an toàn. Tuy nhiên, cả hai em có biểu hiện sức khỏe suy nhược, tinh thần mệt mỏi, không muốn nói chuyện với ai nên cơ quan điều tra vẫn chưa hỏi rõ được nguyên nhân.
Thế nhưng, không phải nữ sinh nào cũng may mắn, có cơ hội được trở về đoàn tụ với gia đình. Mới đây, cơ quan công an đã tìm thấy thi thể nữ sinh Học viện Ngân Hàng tại khu vực sông Nhuệ địa phận huyện Thường Tín (Hà Nội). Trước đó, gia đình nữ sinh này cũng đã đến trình báo cơ quan công an huyện Thường Tín vì con gái mất tích không trở về nhà sau khi tan học.
Hàng loạt các vụ mất tích trong thời gian chưa đầy một tháng, nhiều bậc phụ huynh đã không khỏi lo lắng, bất an cho con em mình. Chị Đặng Thị Hoàng Giang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con gái đang học lớp 12 chia sẻ: “Theo dõi thông tin nhiều nữ sinh mất tích gần đây, tôi rất lo lắng khi con mình cũng đang ở độ tuổi đó. Hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển rồi các ứng dụng kết bạn trên điện thoại thông minh rất nhiều đồng nghĩa những nguy cơ nguy hiểm đe dọa các con tăng lên gấp bội nếu các con không được trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết trong cuộc sống”.
Đồng quan điểm, chị Ngô Thu Phương, phụ huynh học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Trong xã hội hiện đại, có nhiều lý do khiến phụ huynh không dám “buông” con ra ngoài vì sợ con gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, dù cha mẹ cẩn trọng đến đâu thì các con vẫn sẽ phải đối mặt với những tình huống không mong muốn. Điều các bậc phụ huynh cần làm là trang bị cho con những kỹ năng ứng phó với các tình huống để con thoát hiểm nếu chẳng may gặp sự cố”.
Lời giải cho sự an toàn của trẻ
Đánh giá nguyên nhân của những vụ nữ sinh mất tích liên tiếp xảy ra gần đây, dưới góc nhìn xã hội học, TS Nguyễn Kim Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Một thực tế đáng báo động hiện nay là tầng lớp học sinh, sinh viên quá thiếu kỹ năng sống, chưa biết ứng phó với các vấn đề xảy ra trong đời sống hàng ngày.
Công tác giáo dục kỹ năng sống trong các trường học hiện nay chưa được chú trọng, các em được học kỹ năng sống chủ yếu qua tranh ảnh, tài liệu mà chưa được thực hành trong những tình huống thực tế. Nặng về lý thuyết là nguyên nhân khiến học sinh, sinh viên dù học giỏi, có hiểu biết nhưng lại khá mù mờ khi gặp phải các tình huống ngoài đời thực”.
Từ vụ nữ sinh Học viện Ngân Hàng mất tích hay trước đó là vụ nam sinh Grab bị sát hại, TS Nhung cho rằng, các bậc phụ huynh không nên chỉ trông chờ vào nhà trường mà chính mỗi phụ huynh phải là giáo viên chủ động dạy con những kỹ năng để phòng tránh. “Không chỉ đợi khi xuất hiện những thông tin liên quan đến việc trẻ bị bắt cóc, nữ sinh bị mất tích mà ngay cả trong những lúc bình yên nhất, các bậc phụ huynh vẫn nên trang bị cho con cái kỹ năng nhận diện và ứng phó trước những tình huống bất ngờ, nguy hiểm. Đây là những hàng rào cần thiết để trẻ có thể biết cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân khi gặp các sự cố mà không có người lớn bên cạnh”, TS Nhung chia sẻ.
Cũng theo TS Nhung, đề phòng những bất trắc có thể xảy ra trong cuộc sống do các đối tượng nghiện ma túy, nhóm cướp thực hiện chúng ta cần dạy trẻ kỹ năng chủ động thích ứng, phán đoán tình huống, đừng tự đẩy mình vào những tình huống nguy hiểm, tránh những khung giờ thấp điểm, đi lại ở những cung đường vắng. Nếu có công việc phải đi qua những cung đường như vậy, thì nên đợi có người đồng hành thì sẽ giảm bớt nguy cơ xảy ra tình huống nguy hiểm.
Còn nếu chẳng may bị chặn đường thì cần nhanh chóng thoát ly tài sản để đảm bảo tính mạng cho bản thân. Trường hợp khác, nếu gặp những đối tượng bị “ngáo đá” có những biểu hiện bất thường thì giới trẻ cũng nên tránh xa nguồn nguy hiểm vì khi đối tượng mất khả năng điều khiển hành vi rất dễ dẫn tới những manh động.
Nhìn từ khía cạnh tâm lý học, TS Trần Thị Thu Hương, Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Hàng ngày tiếp xúc với không gian mạng, những luồng văn hóa tự do, phóng khoáng dễ khiến giới trẻ có suy nghĩ sai lệch. Chính bản thân các em cũng chưa thể nhận thức được hành động của mình sẽ ảnh hưởng như nào tới gia đình, hay chính bản thân các em. Bên cạnh đó, khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái khiến các em lựa chọn chia sẻ với người lạ nhiều hơn. Cũng từ đây, các đối tượng xấu dễ dàng dụ dỗ, gạ gẫm và các em tin vào những lời đường mật của các đối tượng trên mạng xã hội”.
Không chỉ trang bị cho trẻ những kỹ năng nhận diện và ứng phó với các tình huống nguy hiểm, theo TS Trần Thị Thu Hương, các bậc phụ huynh còn cần phải quan tâm, chia sẻ nhiều hơn với con mình. “Việc chia sẻ với con cái mỗi ngày giúp cha mẹ dễ dàng nhận biết những dấu hiệu thay đổi bất thường về mặt tâm lý của con, từ đó đưa ra những hướng tiếp cận, giải pháp hiệu quả phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Thay vì áp đặt các em theo suy nghĩ của người lớn thì cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của các em, làm bạn với các em, tránh để mọi chuyện vào sự đã rồi”, TS Hương nói thêm.
Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ở gia đình hay ở nhà trường đều là điều cần thiết trong xã hội hiện đại. Khi học sinh, sinh viên được trang bị kỹ năng sống đúng đắn, lành mạnh các em sẽ có đời sống tinh thần tươi vui thoải mái và hơn hết là hạn chế tối đa những sự việc đau lòng.