Chuyên gia lý giải nguyên nhân sụt lún, nứt vỡ đất ở Đắk Nông

Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân và hướng khắc phục các hiện tượng sụt lún, sạt lở đất quy mô lớn ở Đắk Nông.

Ngày 7-8, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông. Tại đây, các chuyên gia, cũng như Thứ trưởng đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan ở địa phương, qua đó tìm hướng giải quyết cụ thể.

PGS.TS Nguyễn Châu Lân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VŨ LONG

PGS.TS Nguyễn Châu Lân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VŨ LONG

"Dòng nước thấm như bệnh tiểu đường"

PGS.TS Nguyễn Châu Lân, Giảng viên Đại học GTVT (Hà Nội), cho biết quá trình kiểm tra công trình chứa nước Đắk N’ting cho thấy địa hình sạt trượt cao khoảng 30 m, đất đỏ ba zan, chủ yếu sạt trượt phần trên mái đất; vị trí nứt hình thành vòng cung.

Theo PGS Lân, giải pháp trước mắt, sử dụng tấm HDPE để ngăn nước không cho ngấm xuống phía dưới. Có thể, khoan sâu vào quả đồi nhằm tạo dòng chảy nước thoát ra, để hạn chế lớp đất sạt trượt xuống dưới.

Về lâu dài, cần phải gắn các mốc quan trắc để theo dõi tốc độ sạt trượt; sử dụng biện pháp hạ tải, sử dụng kè bằng công nghệ mới…

Đối với vị trí sụt lún ở đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, theo ông Lân cũng có yếu tố liên quan đến thoát nước. Vì vậy, cần thiết, phải bóc bỏ và làm lại từ dưới lên, nhớ chú ý phần thoát nước, có gắn các rọ đá.

“Quá trình thực hiện các hồ đập, tôi có cảm giác chúng ta mới chỉ khảo sát ở khu vực làm công trình, chưa quan tâm đến vị trí hai mái đập. Trong hoàn cảnh mưa lũ bất thường như hiện nay, cần thiết phải khảo sát tổng thể cả khu vực rộng lớn hơn.

Đặc biệt, khi đào vào mái dốc phải có biện pháp bảo vệ mái dốc đó. Nếu mất chân mái, sẽ kéo theo hiện tượng tạo ra vết nứt để tích lũy nước cục bộ. Về lâu dài, vết nứt sẽ rộng hơn. Theo tôi, cần thiết phải có biện pháp bảo vệ kè, gia cố bề mặt, hoặc biện pháp thoát nước sâu”, ông Lân phân tích.

PGS.TS Lê Văn Hùng tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông. Ảnh: VŨ LONG

PGS.TS Lê Văn Hùng tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông. Ảnh: VŨ LONG

PGS.TS Lê Văn Hùng (chuyên gia trong đoàn công tác của Bộ NN&PTNT) cho rằng, đoàn chuyên gia mới chỉ khảo sát sơ bộ và tìm ra được một phần nguyên nhân. Để đánh giá một cách đầy đủ về hiện tượng sạt trượt đất cần phải có khảo sát kĩ, đánh giá tổng thể mới xác định được chính xác nguyên nhân.

Theo PGS Lê Văn Hùng, hiện nay công trình thủy lợi Đắk N’ting mới chỉ di chuyển đập tràn, do bị xô đẩy tách khỏi móng. Phần đập và cống hiện an toàn.

“Biện pháp an toàn cho đập nhanh nhất, an toàn nhất là phải hạ mức nước chứa. Nếu đập này chỉ xả nước bình thường, sẽ an toàn cho đập phía dưới. Nếu hồ vỡ, mới hệ trọng. Cần thiết phải xả đúng thiết kế, không được vượt quá”, PGS Lê Văn Hùng nêu giải pháp.

Vị này cũng kiến nghị, cần thiết kiểm tra các công trình còn lại ở địa bàn tỉnh để có đánh giá, biện pháp ngăn chặn sớm.

Vẫn theo vị chuyên gia này, việc dùng tôn vây kín mép đường Hồ Chí Minh (đoạn bị sụt lún) sẽ tạo nên hiện tượng bị tụ thủy sẽ rất nguy hiểm.

“Khi nước mưa chảy xuống, toàn bộ đường này như một cái đập và chịu dòng thấm xuyên từ đó sang mái trượt. Nếu chúng ta sửa chữa phần này, muốn không hỏng đường đang còn thì phải xử lý ngay tụ thủy. Nếu không làm được, trong mùa mưa năm nay sẽ hỏng hết những đoạn đường còn lại”, ông Hùng cho hay. Đồng thời khẳng định, việc khảo sát trước đây của cơ quan chức năng địa phương khi làm đường chưa đến nơi, đến chốn.

“Dòng nước thấm gây xoáy ngầm. Nó giống như bệnh tiểu đường, không chết ngay mà chết từ từ…”, ông Hùng cho hay.

Nguyên nhân chính vẫn do mưa nhiều, kéo dài

Còn PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái (thành viên đoàn công tác) nhận định, nguyên nhân xuất hiện các vết nứt và các khối dịch chuyển, chủ yếu vẫn là do mưa nhiều và mưa kéo dài.

PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VŨ LONG

PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VŨ LONG

“Sạt trượt trên mái dốc thì nguyên nhân chủ yếu là mưa. Các số liệu thống kê cho thấy, lượng mưa lớn nhất của tháng 7 hàng năm chỉ khoảng 400mm, nhưng tháng 7 năm nay, lượng mưa đã hơn 700mm. Mưa nhiều đã làm tăng mực nước ngầm và làm giảm chỉ tiêu cường độ của đất, đặc biệt là giai đoạn cuối mùa khô, đầu mùa mưa”, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái đưa ra nhận định.

Vị chuyên gia này kiến nghị bên cạnh việc sửa chữa trước mắt, thì tỉnh Đắk Nông cần khảo sát kỹ lưỡng phạm vi khối trượt để có đánh giá chính xác chiều sâu của mực nước ngầm.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông cần có giải pháp xử lý tổng thể, hạ mực nước ngầm xuống; hạ mái dốc phần mái đào; xây dựng các rãnh thoát nước để tránh nước mưa thấm vào khối trượt đặc biệt dùng các biện pháp để gia tăng sự ổn định của khối trượt.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia, cơ quan các bộ khác còn ý kiến liên quan đến khắc phục hiện tượng sạt lở, sụt lún đất ở Đắk Nông.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kết luận buổi làm việc. Ảnh: VŨ LONG

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kết luận buổi làm việc. Ảnh: VŨ LONG

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai, để có giải pháp khẩn cấp, tình huống cấp bách để ứng phó, xử lý. Phải đảm bảo tính mạng của người dân là trên hết. Như tại hồ Đắk N’Ting hiện nay vẫn còn dấu hiệu dịch chuyển, nguy cơ vỡ rất cao.

Do đó, UBND tỉnh Đắk Nông và phải tính toán lại kịch bản vỡ hồ. Nếu trường hợp hồ vỡ, mức độ thiệt hại phía hạ du như thế nào. Phải rà soát lại toàn bộ khu vực dưới hạ du di dời hết người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm để giảm thiệt hại.

“Tôi đề nghị UBND tỉnh phải tính toán lại kịch bản vỡ hồ. Hiện nay hồ đang chứa 2 triệu m3 nước, nếu vỡ hồ toàn bộ số nước này sẽ chảy về đâu? Đường đi như thế nào? Phải lên kịch bản xử lý để di dời hết toàn bộ các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng”, Thứ trưởng Hiệp đề nghị.

Thiệt hại hơn 250 tỷ đồng

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết theo thống kê sơ bộ, mưa lũ đã làm ngập, ảnh hưởng 192 căn nhà, vật kiến trúc (183 nhà ở, chín phòng trọ); ngập úng khoảng 651,4 ha cây trồng các loại; khoảng 217,7 ha thủy sản và 154 ao hồ, của người dân bị ngập, nhiều công trình hạ tầng, cầu dân sinh bị hỏng, cuốn trôi; các địa phương đã phải thực hiện di dời 283 hộ dân tại các điểm bị sụt lún, sạt trượt đến nơi an toàn.

Ước thiệt hại trên 250 tỉ đồng; Mưa lớn cũng làm hai người ở huyện Đắk Song và huyện Đắk Glong bị lũ cuốn trôi.

VŨ LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-ly-giai-nguyen-nhan-sut-lun-nut-vo-dat-o-dak-nong-post745738.html