Chuyên gia lý giải về mưa đá khốc liệt vừa qua và dự báo thời tiết dịp 30-4

Chuyên gia thời tiết đã lí giải việc mưa đá khủng khiếp đã xảy ra ở Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình; cũng như đưa ra dự báo về một đợt nắng nóng trên diện rộng dịp nghỉ Lễ 30-4 và 1-5

Mưa đá xuất hiện diện rộng ở nhiều tỉnh phía Bắc đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, cây trồng

Mưa đá xuất hiện diện rộng ở nhiều tỉnh phía Bắc đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, cây trồng

Theo báo cáo của các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa và Nghệ An, thiệt hại do mưa dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra từ đêm 23 đến ngày 24-4, đã gây thiệt nặng nề về tài sản của người dân.

Cụ thể, mưa dông, lốc, sét, mưa đá đã khiến 1 người ở Thanh Hóa bị thương. Về tài sản, có 4 nhà bị tốc mái, hư hỏng hoàn toàn (Phú Thọ: 3, Thanh Hóa: 1); 242 nhà bị tốc mái, hư hỏng một phần (Sơn La: 30, Nghệ An: 154; Thanh Hóa: 41, Hòa Bình: 9; Phú Thọ: 8); 19 trường học, điểm trường bị tốc mái, hư hỏng (Phú Thọ: 17; Nghệ An: 2).

Về nông nghiệp, có 1.570 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ảnh hưởng, thiệt hại, trong đó nặng nề nhất là tại tỉnh Thanh Hóa với 703 ha, tỉnh Sơn La với 594 ha, tiếp đó là Hòa Bình 210 ha, Phú Thọ 63 ha. Mưa to, gió lớn cũng khiến 67 cột điện bị gãy đổ; 17 thuyền dân sinh bị thiệt hại, 1 trạm y tế và 2 trụ sở cơ quan bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết - clip: Hoài Linh

Lí giải hiện tượng mưa đá, theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, giai đoạn vừa qua nền nhiệt trên cả nước đều có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm. Theo thống kê, trong 20 ngày của tháng 4, nền nhiệt trên cả nước, nhất là ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh miền trung, phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 2-3 độ C, thậm chí có nơi cao trên 4 độ C.

Với nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm như vậy cộng với tác động của không khí lạnh yếu từ phía bắc di chuyển xuống, tương tác với nhau đã gây ra hiện tượng mưa đá, lốc sét và gió giật mạnh ở hầu khắp các khu vực trên cả nước, đặc biệt là đã xảy ra vào chiều tối 24-4 tại Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình... "Hiện tượng mưa đá này khốc liệt hơn hẳn so với trung bình nhiều năm" - ông Hưởng cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, hiện tượng dông lốc, sét và mưa đá hiện nay khó có thể dự báo xa được. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng có thể cảnh báo sớm được hiện tượng này qua những thiết bị theo dõi như dùng ảnh mây vệ tinh, dùng ảnh radar để cảnh báo sớm 30 phút đến 1 giờ đồng hồ trước khi hiện tượng xảy ra.

Trong thời gian tới, hiện tượng dông lốc, sét và mưa đá sẽ còn tiếp tục xảy ra ở các tỉnh miền Bắc (giai đoạn tháng 4, tháng 5 và nửa đầu tháng 6) và tháng 5 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, vì đây là giai đoạn giao mùa nên hiện tượng dông lốc, sét và mưa đá còn xảy ra nhiều và mãnh liệt.

"Dự báo năm 2024, với nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm, hiện tượng dông lốc sét, mưa đá có khả năng xảy ra mãnh liệt hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm" – ông Hưởng cho hay.

Nắng nóng diện rộng dịp nghỉ lễ 30-4

Dự báo về thời tiết nghỉ lễ dịp 30-4 và 1-5, ông Hưởng cho biết thời tiết dịp này tương đối đặc biệt. Theo thống kê của cơ quan khí tượng, trong đoạn 10 năm qua, chưa có một năm nào mà cả ba miền Bắc - Trung - Nam cùng xảy ra nắng nóng trong dịp nghỉ lễ 30- 4 và 1-5.

Dự báo, từ ngày 27-4 đến 30-4, Bắc Bộ sẽ xảy ra một đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội, khả năng cao tới 37-38 độ C. Khu vực phía Tây Bắc Bộ cũng như các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa trở vào đến Bình Định, Phú Yên, nhiệt độ có khả năng cao đến 37-39 độ C.

Khu vực vùng núi phía Tây của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, nhiệt độ có khả năng lên tới 39-41 độ C.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, những ngày nghỉ lễ cũng xảy ra nắng nóng với nhiệt độ tại khu vực Tây Nguyên từ 35-37 độ C; khu vực Nam Bộ từ 36-38 độ C.

Ngoài ra, trong những ngày đầu tiên của tháng 5, ở khu vực Bắc Bộ, trong đó trọng tâm khu vực vùng núi Trung du Bắc Bộ, có khả năng xảy ra hiện tượng mưa, dông lốc và gió giật mạnh.

Còn ở phía Nam sẽ xuất hiện mưa dông chuyển mùa, nắng nóng sẽ giảm nhưng tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ và có thể gia tăng hiện tượng dông lốc, sét và mưa đá trong giai đoạn đầu tháng 5 khi mưa chuyển mùa.

Nguyên nhân nắng nóng, theo ông Hưởng là do nước ta đang chịu tác động của hiện tượng El Nino và hiện tượng này đã làm cho nhiệt cả nước cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Cộng thêm giai đoạn này, thời tiết nước ta đang chịu tác động của vùng áp thấp nóng phía tây nên khả năng cao sẽ gây ra một đợt nắng nóng diện rộng trên cả nước trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/video-chuyen-gia-ly-giai-ve-mua-da-khoc-liet-vua-qua-va-du-bao-thoi-tiet-dip-30-4-196240425110200812.htm