Chuyên gia lý giải về vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin của Hezbollah
Vụ nổ máy nhắn tin của các thành viên Hezbollah ở Lebanon và Syria ngày 17/9 đã khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và 2.800 người bị thương. Một số chuyên gia cho rằng đây rất có thể là kết quả của sự can thiệp vào chuỗi cung ứng.
Loạt vụ nổ máy nhắn tin bắt đầu xảy ra vào chiều 17/9 theo giờ địa phương, kéo dài khoảng 1 giờ, tại nhiều khu vực trên khắp Lebanon, đặc biệt là Dahiyeh, khu ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut vốn được coi là thành trì của Hezbollah. Tình trạng này cũng xảy ra với máy nhắn tin của một số thành viên Hezbollah ở Syria.
Lực lượng Hezbollah cáo buộc Israel đứng đằng sau loạt vụ nổ này và nói rằng có các thấy dấu hiệu cho thấy đây là một hoạt động được lên kế hoạch từ lâu.
Cho đến nay, các nhà điều tra vẫn chưa công bố thông tin về cách thức cuộc tấn công này được tiến hành và máy nhắn tin bị kích nổ như thế nào.
Tại sao lại là máy nhắn tin?
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah từ lâu đã cảnh báo các thành viên của nhóm không được mang theo điện thoại di động, nói rằng chúng có thể bị Israel lợi dụng để theo dõi hoạt động của họ. Do đó, lực lượng này sử dụng máy nhắn tin để liên lạc với nhau.
Theo một thành viên Hezbollah, các thiết bị phát nổ đều là của một thương hiệu mới mà nhóm này chưa từng sử dụng trước đây.
Nicholas Reese, một cựu sĩ quan tình báo và hiện là giảng viên thỉnh giảng tại Trung tâm Các vấn đề Toàn cầu thuộc Đại học New York, giải thích rằng điện thoại thông minh có nguy cơ bị theo dõi liên lạc cao hơn so với máy nhắn tin vốn chỉ sử dụng công nghệ đơn giản.
Theo ông Reese, vụ tấn công vừa xảy ra sẽ buộc Hezbollah phải thay đổi phương thức liên lạc của họ. Không chỉ máy tính bảng, điện thoại mà ngay cả máy nhắn tin giờ cũng không còn an toàn.
Vì sao máy nhắn tin phát nổ đồng loạt?
Đến nay, rất ít thông tin được công khai, do đó có nhiều giả thuyết về cách thức cuộc tấn công được thực hiện. Một số chuyên gia cho rằng các vụ nổ rất có thể là kết quả của hành động can thiệp vào chuỗi cung ứng.
Có khả năng các thiết bị nổ siêu nhỏ đã được cài vào máy nhắn tin trước khi chúng được chuyển cho Hezbollah và sau đó tất cả đều được kích hoạt từ xa cùng một lúc bằng tín hiệu vô tuyến.
“Phần pin của máy nhắn tin có lẽ chỉ có một nửa là pin thật và một nửa còn lại là thuốc nổ”, ông Carlos Perez, Giám đốc tình báo an ninh tại TrustedSec cho biết.
Một cựu sĩ quan xử lý bom của Quân đội Anh giải thích rằng, một thiết bị nổ gồm 5 thành phần chính: hộp đựng, pin, thiết bị kích hoạt, kíp nổ và một lượng thuốc nổ.
“Một máy nhắn tin đã có sẵn 3 thành phần và chỉ cần thêm kíp nổ và lượng thuốc nổ vào đó”, cựu sĩ quan này giải thích.
Sau khi mạng xã hội lan truyền hình ảnh từ camera an ninh cho thấy chiếc máy nhắn tin phát nổ trên người của một người đàn ông tại một khu chợ ở Lebanon, 2 chuyên gia về đạn dược cũng cho rằng đó dường như là hậu quả của vụ nổ thiết bị nhỏ.
“Khi xem video, quy mô của vụ nổ máy nhắn tin chỉ tương đương với vụ nổ của một thiết bị với một lượng thuốc nổ cực nhỏ”, Sean Moorhouse, cựu sĩ quan quân đội Anh và là chuyên gia xử lý bom mìn, cho biết.
Theo ông Moorhouse, điều này có thể cho thấy sự can thiệp của một tác nhân là nhà nước. Cơ quan tình báo nước ngoài của Israel, Mossad, bị nghi ngờ nhiều nhất vì chỉ họ mới có động cơ và có đủ nguồn lực để thực hiện một cuộc tấn công như vậy.
N.R. Jenzen-Jones, một chuyên gia về vũ khí quân sự ở Australia cũng cho rằng, quy mô và mức độ tinh vi của vụ tấn công “gần như chắc chắn chỉ ra bên can thiệp là một tổ chức nhà nước” và Israel trước đây đã từng bị cáo buộc thực hiện các hoạt động như vậy.
Năm 2023, Iran cũng từng cáo buộc Israel cố gắng phá hoại chương trình tên lửa đạn đạo của họ thông qua việc can thiệp vào các bộ phận do nước ngoài cung cấp, khiến chúng bị lỗi có thể phát nổ, làm hỏng hoặc phá hủy vũ khí trước khi chúng được sử dụng.
Có thể mất tới 2 năm để lên kế hoạch tấn công
Theo các chuyên gia, để lập kế hoạch cho một cuộc tấn công ở quy mô như vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin của Hezbollah có thể mất vài tháng đến 2 năm.
Chuyên gia Reese cho rằng, mức độ tinh vi của cuộc tấn công cho thấy bất kỳ ai đứng đằng sau vụ việc này cũng đều đã thu thập thông tin tình báo trong một thời gian dài.
Một cuộc tấn công ở quy mô như vậy đòi hỏi phải xây dựng các mối quan hệ cần thiết để có thể tiếp cận vật lý với các máy nhắn tin trước khi chúng được bán cho Hezbollah; phát triển công nghệ sẽ được cài vào các thiết bị đó; và phát triển các nguồn tin để có thể xác nhận rằng mục tiêu đang mang theo máy nhắn tin.
Có khả năng các máy nhắn tin bị can thiệp vẫn hoạt động bình thường trong thời gian trước khi xảy ra cuộc tấn công và người sử dụng không phát hiện thấy điều gì bất thường.
Elijah J. Magnier, nhà phân tích rủi ro chính trị cấp cao ở Bỉ với hơn 37 năm kinh nghiệm về khu vực Trung Đông cho biết, ông đã trao đổi với các thành viên Hezbollah sống sót sau vụ nổ máy nhắn tin. Họ nói rằng, thiết bị này được mua cách đây hơn 6 tháng. Chúng vẫn hoạt động bình thường trong suốt thời gian qua và nguyên nhân gây ra vụ nổ dường như là một thông báo lỗi được gửi đến tất cả các thiết bị.
Khả năng bị cài phần mềm độc hại?
Một khả năng khác có thể xảy ra là phần mềm độc hại có thể đã được cài vào hệ điều hành của máy nhắn tin, bằng cách nào đó khiến pin của thiết bị quá tải tại một thời điểm cụ thể, dẫn tới bốc cháy.
Theo các thành viên Hezbollah và giới chức an ninh Lebanon, đầu tiên các máy nhắn tin nóng lên rồi phát nổ trong túi hoặc tay của những người mang theo chúng vào chiều 17/9.
Các máy nhắn tin này đều sử dụng pin lithium ion. Khi quá nóng, pin lithium ion có thể bốc khói, bị chảy và thậm chí bắt lửa. Pin lithium có thể sạc lại được sử dụng trong nhiều sản phẩm từ điện thoại di động và máy tính xách tay đến ô tô điện. Cháy pin lithium có thể sinh nhiệt lên tới 590 độ C.
Tuy nhiên, theo ông Moorhouse và các chuyên gia khác, hình ảnh và video được lan truyền hôm 17/9 cho thấy nó giống như vụ nổ của một thiết bị nhỏ hoặc lượng chất nổ nhỏ, chứ không giống như vụ nổ do pin quá nóng.