Chuyên gia lý giải vì sao người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 21-27 lần người thường
Tại Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân vào khám vì rối loạn trầm cảm ngày càng tăng, nhiều người có nguy cơ tự sát nếu không được điều trị sớm…
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm hiện là nguyên nhân hàng thứ 3 của gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới và sẽ chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030.
Thông tin đến báo chí về chủ đề rối loạn trầm cảm chiều 23-10, bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân, Đơn nguyên Rối loạn cảm xúc Phòng Điều trị rối loạn cảm xúc và ăn uống - Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp bị rối loạn trầm cảm.
Điển hình như nữ bệnh nhân L.T.S (40 tuổi), lập gia đình từ năm 19 tuổi. Bệnh nhân này có cuộc sống gia đình yên ấm với người chồng chăm lo cho gia đình, con cái ngoan ngoãn.
3 tháng gần đây, do áp lực công việc, nhiều đêm chị S phải làm thêm đến 3-4h sáng. Một thời gian sau, bệnh nhân xuất hiện tình trạng buồn bã, chán nản, bi quan, không còn thiết tha với công việc, cũng không còn thiết tha với những sở thích cá nhân như đi chơi hay xem phim.
Cô cũng cảm thấy khó tập trung, ăn kém ngon miệng. Sau 1 tháng, bệnh nhân giảm 5kg cộng với hay lo lắng, suy nghĩ nhiều, không ngủ được và thường nghĩ đến việc tự tử.
Đến khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần, nữ bệnh nhân được chẩn đoán bị trầm cảm nặng, có ý tưởng tự sát nhưng không có các triệu chứng loạn thần. Tại đây, bệnh nhân được dùng thuốc chống trầm cảm phối hợp với trị liệu tâm lý.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân cho biết, ước tính, có hơn 300 triệu người trên thế giới mắc rối loạn trầm cảm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm là nguyên nhân hàng thứ 3 của gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới trong năm 2004 và sẽ chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030.
Các bác sĩ đưa ra 9 dấu hiệu quan trọng để nhận biết bị rối loạn trầm cảm, đó là: Khí sắc giảm; mất hứng thú hoặc sở thích trong cuộc sống; mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân; rối loạn giấc ngủ; rối loạn hoạt động tâm thần vận động; giảm sút năng lượng; cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi; khó suy nghĩ và tập trung hoặc đưa ra quyết định; có ý tưởng hoặc có hành vi tự sát.
Các nghiên cứu cho thấy, các bệnh nhân nam và nữ mắc trầm cảm có nguy cơ tự sát hoàn thành cao gấp 20,9 và 27 lần so với quần thể dân số chung.
Lý giải về việc này, các bác sĩ cho rằng, trầm cảm là bệnh lý có diễn biến phức tạp. Ban đầu người bệnh có thể chỉ có cảm xúc buồn bã, mệt mỏi, mất hứng thú, cảm thấy tự ti...
Nhưng sau một thời gian, người bệnh dần rơi vào trạng thái chán nản, tuyệt vọng, thấy bản thân kém cỏi, có lỗi với gia đình. Người bệnh sẽ cảm thấy cuộc đời mình không đáng sống và nghĩ đến cái chết, cho rằng chỉ có chết đi mới thoát khỏi những khổ đau ở hiện tại.