Chuyên gia mách nước ông Biden ứng phó với Trung Quốc
Một lập trường cứng rắn trước Trung Quốc là điểm đồng thuận hiếm hoi giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ những ngày này.
Theo CNN, sự đồng thuận đó thậm chí bắt đầu từ trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, được tiếp sức bởi những bước tiến dài của Trung Quốc nhằm bắt kịp Mỹ về công nghệ và kinh tế, cùng những bất bình về nhiều chính sách của Bắc Kinh.
Nhưng CNN cho rằng, chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Quốc hội Mỹ cần cả những chính sách thông minh đối với Trung Quốc, chứ không chỉ những chủ trương cứng rắn.
CNN ngày 6/12 đăng tải bài viết nêu quan điểm của hai chuyên gia thuộc Nhóm Á - Âu là Michael Hirson, Giám đốc phụ trách về Trung Quốc và Đông Nam Á, và Paul Triolo, Giám đốc phụ trách chính sách công nghệ toàn cầu, về những gì ông và quốc hội Mỹ cần lưu ý:
Ván cờ lâu dài
Chính quyền Tổng thống Trump đã nhận ra một cách chính xác rằng các khía cạnh trong chính sách trước đây của Mỹ đối với Trung Quốc không hiệu quả - đặc biệt là thường xuyên miễn cưỡng đối đầu với Bắc Kinh về các chính sách đối ngoại và thương mại.
Nhưng họ đã sai lầm khi chuyển sang một thái cực hoàn toàn khác, tìm mọi công cụ để đơn phương chống lại Trung Quốc - từ thuế quan đến kiểm soát xuất khẩu công nghệ của chính Mỹ - mà không đặt ra được một chiến lược bền vững.
Chẳng hạn, những hạn chế của Mỹ với Huawei đã thành công trong ngắn hạn, làm giảm bớt năng lực của Trung Quốc trong tham vọng giành vị trí dẫn đầu toàn cầu về mạng 5G, nhưng cũng mang lại nguy hiểm cho vị thế công nghệ vượt trội của Mỹ.
Các công ty Trung Quốc cùng không ít hãng nước ngoài đành phải loại sản phẩm và tài sản trí tuệ của Mỹ ra khỏi lĩnh vực của họ. Kết quả là, nếu Mỹ không cẩn thận thì các công ty bán dẫn nước này sẽ đánh mất thị phần toàn cầu và lợi nhuận để đầu tư vào các công nghệ tiên tiến.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, như cấm vận tài chính kết hợp nhiều công cụ tài chính và ngoại giao khác, đã phát huy hiệu quả tốt nhất khi Mỹ hợp tác cùng với các đồng minh như Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Chính quyền Biden và Quốc hội Mỹ cần phải phối hợp được sự kiên quyết như của chính quyền Trump và một chiến lược mà có thể thúc đẩy các liên minh của Mỹ.
Đầu tư vào sức mạnh nội địa
Mỹ cần phải thực hiện các khoản đầu tư cần thiết để giữ được lợi thế công nghệ của mình.
Ưu tiên hàng đầu là đảo ngược tình trạng sụt giảm kéo dài của nguồn quỹ tài trợ cho nghiên cứu, phát triển và khoa học cơ bản. Nhiều nghiên cứu cho thấy quỹ liên bang không chỉ giúp mang lại những đột phá về khoa học và y học mà còn mang lại tỷ suất lợi nhuận kinh tế cao.
Quyết tâm mà không khoa trương
Chính quyền tiếp theo của Mỹ phải tránh cách nhìn nhận Trung Quốc là một ông "ba bị" ẩn nấp ở mọi ngóc ngách. Các chính trị gia mô tả, hầu như mọi vấn đề liên quan Trung Quốc hiện nay đều là mối đe dọa an ninh quốc gia. Những lập luận như vậy càng làm suy yếu quyền lực của Mỹ hoặc phản tác dụng.
Những rủi ro pháp lý của việc thâu tóm tài sản công nghệ bất hợp pháp biến thành sự đối xử bất công bằng với các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) ở Mỹ, coi họ như công cụ của Bắc Kinh trong chiến lược đánh cắp các công nghệ tân tiến của Mỹ.
Giới chức thi hành luật nên tiếp tục điều tra các vụ thâu tóm tài sản trí tuệ bất hợp pháp, nhưng phải cân bằng diễn ngôn của công chúng, bằng cách thừa nhận các tổ chức học thuật và công ty Mỹ cũng hưởng lợi nhờ tiếp cận một lực lượng kỹ sư và nhà khoa học được đào tạo tốt từ Trung Quốc.
Tương tự, một số nỗ lực gần đây nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ không được làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Quốc.
Điều hành tốt trong nước
Trong Khi Mỹ vẫn thống trị về kinh tế và quân sự, tình trạng rối loạn chính trị ở nước này sẽ khiến phần còn lại của thế giới băn khoăn liệu Mỹ có thể tiếp tục giữ được vị trí hay không.
Mỹ (cũng như châu Âu) đã thất bại nặng nề trong đối phó với đại dịch Covid-19, trong khi Trung Quốc đạt được hiệu quả rõ rệt trong kiểm soát dịch bệnh. Một cuộc bầu cử tổng thống kéo theo nhiều tranh cãi về kết quả bỏ phiếu càng khiến Mỹ trông yếu kém hơn.
Cạnh tranh với Trung Quốc sẽ không thể hàn gắn được chia rẽ chính trị ở Mỹ, mà điều thực sự mà cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cần làm là chứng tỏ Mỹ có thể tự điều hành một cách hiệu quả.