Chuyên gia Mỹ: Covid-19 không làm Trung Quốc thay đổi chính sách trên biển Đông
Chuyên gia về Trung Quốc Bonnie Glaser, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - trụ sở Washington), hôm 27-5 khẳng định Bắc Kinh đang từng bước triển khai mưu đồ kiểm soát không phận, vùng biển lẫn đáy biển của biển Đông.
Trong buổi trao đổi trực tuyến được tổ chức trên Zoom của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM, bà Glaser nhận định đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) không phải là yếu tố khiến Trung Quốc thay đổi chính sách. Nói cách khác, Trung Quốc hiện tại không hành động khác thường, chỉ đơn giản là họ thấy thời cơ để đẩy mạnh hoạt động nhằm tìm kiếm lợi ích riêng và đây không phải là lần đầu. Trong quá khứ, nước này từng nhiều lần ngang ngược đưa ra yêu sách lãnh thổ khi thấy các điều kiện trong khu vực và quốc tế thuận lợi cho mình.
"Khi thấy điều kiện thuận lợi, Trung Quốc sẽ tiến tới. Ngược lại, họ sẽ tạm ngừng và củng cố lại vị trí. Sau đó, họ sẽ lại lần tới khi nhận thấy thời cơ" – bà Glaser giải thích.
Cũng theo bà Glaser, hoạt động xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp giúp Trung Quốc duy trì hiện diện quân sự liên tục trên biển Đông để từ đó, hỗ trợ chiến dịch dọa nạt, can thiệp vào các hoạt động khác nhau của các nước trong khu vực, từ đánh bắt thủy sản đến thăm dò khai thác năng lượng.
Chuyên gia này nhấn mạnh việc tàu hải cảnh Trung Quốc tham gia vào các hoạt động quấy phá này cho thấy hành động dọa nạt của họ không chỉ nhằm vào các nước trong khu vực, mà còn các công ty nước ngoài hợp tác với các nước này.
Về chính sách của Mỹ, bà Glaser cho biết trong nhiều năm dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, thông điệp chính mà Washington muốn gửi đến là đảm bảo tự do hàng hải và hàng không một cách phù hợp với luật pháp quốc tế trên biển Đông nói riêng và thế giới nói chung. Theo đó, Mỹ sẽ triển khai máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép.
Điểm quan trọng mới trong chính sách Mỹ, theo bà Glaser, là sự tập trung vào nỗ lực bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Bên cạnh đó, Washington còn đẩy mạnh chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên biển Đông để thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.