Chuyên gia Mỹ: Kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng khả quan
Vừa qua, trên trang East Asia Forum đăng bài viết của Giáo sư David Dapice thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đã chỉ ra triển vọng và thách thức trong năm 2022 của nền kinh tế Việt Nam.
Theo bài viết, triển vọng năm 2022 là khả quan. Khi các nhà máy và dịch vụ dần hoạt động bình thường trở lại, sản lượng sẽ tăng vọt, giống như Trung Quốc đạt được vào đầu năm 2021. Hầu hết các dự báo đều cho rằng tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ đạt 6-7%.
Du lịch sẽ bắt đầu phục hồi sau mức sụt giảm hơn 95% so với mức của năm 2019. Xuất khẩu sẽ tăng khoảng 15% và cán cân thương mại duy trì ở mức dương. Lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp và tiền đồng tiếp tục tăng giá nhẹ so với USD. Dự báo cho rằng việc Trung Quốc đóng cửa biên giới sẽ giảm bớt, cho phép dòng chảy thương mại lưu thông bình thường hơn so với năm 2021.
Dù quan hệ kinh tế với Mỹ đã được cải thiện, song việc các nhà báo độc lập và bình luận trên mạng tiếp tục bị kiểm soát có thể tạo ra căng thẳng. Điều này có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI trong tương lai và thúc đẩy Việt Nam đa dạng hóa thay vì chỉ phụ thuộc vào FDI đầu tư cho lắp ráp đơn giản.
Vấn đề trên cũng có thể hạn chế dòng vốn FDI công nghệ cao sẽ cho phép Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế sang Công nghiệp 4.0 và cải thiện năng suất. Chất lượng FDI phải được chú trọng, cùng với đó là nỗ lực hơn nữa để nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo. Sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp trong nước lớn hơn và được kết nối tốt có thể sẽ tăng lên.
Dù cách quản lý của chính phủ là linh hoạt, song trước mắt khó khăn có lẽ sẽ nhiều hơn thuận lợi. Nguy cơ bị tấn công mạng cũng là một vấn đề cấp bách.
Một vấn đề khác là việc tiếp tục sửa đổi dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ-8) để mở rộng sản xuất điện. Bản dự thảo QHĐ-8 đã thay đổi từ cách tiếp cận cân bằng với nhiều năng lượng tái tạo hơn. Các kế hoạch tăng cường truyền tải điện bị thu hẹp và điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn FDI cho năng lượng xanh.
Trên thực tế, tăng trưởng năng lượng mặt trời sẽ bị giới hạn vào năm 2022. Sự thay đổi này không phù hợp với các tuyên bố của Việt Nam tại COP-26. GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo PPP (sức mua tương đương) năm 2021 là hơn 11.000 USD, cho thấy Việt Nam vẫn nghèo hơn so với các nền kinh tế lớn trong ASEAN, trong khi Việt Nam vẫn phải đối mặt với các vấn đề môi trường nghiêm trọng khác ở Đồng bằng sông Cửu Long và các thành phố lớn.
Lương tăng so với năng suất, áp lực tăng cường xuất khẩu và xếp hạng công nghệ giảm đặt ra những thách thức trung hạn cho Việt Nam.
(theo East Asia Forum)