Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc tăng cường năng lực tấn công hạt nhân
Trung Quốc dường như đang tiến gần hơn tới khả năng phóng tên lửa hạt nhân mới từ hầm chứa dưới lòng đất, cải thiện khả năng phản ứng kịp thời trước cuộc tấn công hạt nhân.
Đó là nhận định của chuyên gia Hans Kristensen - Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS) - sau khi phân tích các hình ảnh vệ tinh chụp hoạt động xây dựng gần đây tại một khu vực huấn luyện tên lửa của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Kristensen, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tìm cách chống lại những gì Bắc Kinh có thể coi là mối đe dọa ngày càng tăng từ Mỹ.
Ông Kristensen cho biết kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có quy mô lên tới 350 đầu đạn. Con số này lớn hơn nhiều so với con số ước tính trong một báo cáo hồi tháng 9 của Lầu Năm Góc rằng chính quyền Bắc Kinh chỉ có hơn 200 đầu đạn hạt nhân.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận về phân tích của ông Kristensen về ảnh vệ tinh.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết vào mùa hè năm ngoái, báo cáo thường niên về các diễn biến quân sự của Trung Quốc nêu ra nghi ngờ rằng Bắc Kinh nâng cao khả năng sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân vào thời bình bằng cách bố trí thêm lực lượng này vào các hầm chứa ngầm và nâng cao mức độ cảnh báo tấn công tên lửa.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết: "Chính sách vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ưu tiên duy trì một lực lượng hạt nhân có thể sống sót sau cuộc tấn công đầu tiên và đủ sức đáp trả, gây ra thiệt hại cho kẻ địch".
Trong những năm gần đây, Mỹ xem việc hiện đại hóa hạt nhân của Trung Quốc là lý do chính để đầu tư hàng trăm tỉ USD trong hai thập kỷ tới để xây dựng một kho vũ khí hạt nhân hoàn toàn mới.
Theo hãng tin AP, không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang tiến tới xung đột vũ trang, chứ đừng nói đến một cuộc xung đột hạt nhân. Thế nhưng, báo cáo của ông Kristensen đưa ra vào thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng trên phạm vi rộng, từ thương mại đến an ninh quốc gia. Lực lượng hạt nhân mạnh hơn của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các tính toán của Mỹ trong phản ứng quân sự đối với các hành động gây hấn của Trung Quốc, chẳng hạn như ở biển Đông.
Frank Rose, quan chức kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho rằng không có nhiều triển vọng đưa Trung Quốc tham gia một cuộc đàm phán quốc tế để hạn chế vũ khí hạt nhân. Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từng nỗ lực nhưng không thành công và điều đó sẽ không dễ thay đổi trong thời gian tới.
Trong khi đó, Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo (NSCAI) khuyến cáo các trường đại học Mỹ cảnh giác trước nguy cơ quân đội Trung Quốc đánh cắp công nghệ nhạy cảm liên quan tới an ninh quốc gia.
Vào ngày 1-3, NSCAI bỏ phiếu về bản báo cáo cuối cùng trình Quốc hội Mỹ. Một phần mới liên quan tới vấn đề nghiên cứu trong trường đại học đã được bổ sung vào bản dự thảo báo cáo được công bố gần đây, trong đó đưa nhiều khuyến nghị trong các lĩnh vực như cạnh tranh trí tuệ nhân tạo hay chuỗi cung ứng chất bán dẫn. NSCAI cũng đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về các cá nhân và tổ chức để cảnh báo trước các rủi ro.
Ngày 1-3, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Trung Quốc Tiêu Á Khánh cho biết đất hiếm của Trung Quốc đang bị định giá thấp do sự cạnh tranh gay gắt, dẫn đến đối mặt với việc giảm chất lượng hoặc hy sinh lợi ích của người lao động để giảm giá sản phẩm xuống thấp hơn đối thủ. Hạn ngạch khai thác đất hiếm của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2021 được đặt ở mức 84.000 tấn, tăng 27% so với một năm trước đó.
Các mối đe dọa từ Trung Quốc - nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới - nhằm hạn chế xuất khẩu vật liệu này sang Mỹ đã khiến Washington phải tìm kiếm nguồn cung thay thế.