Chuyên gia nêu lý do học tiếng Anh với GV nước ngoài từ nhỏ nhưng không hiệu quả
Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên đã có những chia sẻ về việc học tiếng Anh tại trung tâm cũng như tại trường học.
Nắm bắt nhu cầu và xu hướng của xã hội ngày càng quốc tế hóa trên mọi mặt, cũng như sự quan trọng của môn tiếng Anh trên con đường học tập sau này, nhiều phụ huynh đã cho con đi học thêm tại các trung tâm Anh ngữ với 100% giáo viên nước ngoài ngay từ thuở mẫu giáo.
Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh thất vọng khi bỏ ra hàng chục triệu đồng cho một khóa học nhưng con tiến bộ rất chậm, phải “cố đấm ăn xôi” cho con học hết khóa học nhưng không hiệu quả.
Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, với kinh nghiệm nghiên cứu sâu trong giáo dục song ngữ và các trường quốc tế đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề lựa chọn phương pháp, chỗ học và hiệu quả của việc tiếp cận tiếng Anh cho học sinh Việt Nam.
Phóng viên: Chuyên gia có thể cho biết nguyên nhân của việc có nhiều em học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài từ nhỏ nhưng chưa hiệu quả?
Ông Bùi Khánh Nguyên: Có rất nhiều yếu tố khác nhau đóng góp vào hiệu quả cuối cùng của việc học ngoại ngữ, ví dụ phương pháp dạy và học, năng lực của người dạy, động lực của người học, chương trình, các phương tiện hỗ trợ, môi trường học tập…
Giáo viên người nước ngoài, cụ thể là giáo viên bản ngữ tiếng Anh có một số lợi thế nhất định trong giảng dạy ngôn ngữ, nhưng một giáo viên giỏi phụ thuộc vào chuyên môn, không phụ thuộc vào quốc tịch.
Giáo viên giỏi có thể là người bản ngữ (từ Anh, Mỹ, Canada, New Zealand, Ireland…), có thể là người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (từ Philippines, Ấn Độ, Singapore…) hoặc là người nói tiếng Anh như một ngoại ngữ (giáo viên Việt Nam). Không phải học hoàn toàn với giáo viên nước ngoài sẽ tự động đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Hiệu quả học ngoại ngữ phụ thuộc vào các yếu tố: mức độ tiếp xúc với ngôn ngữ (nghe nhiều, đọc nhiều), tương tác bằng ngôn ngữ (dùng ngoại ngữ để giao tiếp), và học cấu trúc ngôn ngữ (học từ vựng, ngữ pháp, phát âm). Cả ba bộ phận này quan trọng như nhau. Nếu chỉ tập trung vào việc tiếp xúc với người bản ngữ thì không có gì đảm bảo học sinh sẽ học ngoại ngữ thành công.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, việc quản lý các trung tâm tiếng Anh hiện nay do các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện, tuy nhiên chỉ khi cơ sở có dấu hiệu sai phạm trong đào tạo, hoạt động thì mới diễn ra thanh, kiểm tra. Như vậy, liệu có đảm bảo chất lượng của các trung tâm này?
Ông Bùi Khánh Nguyên: Hiện hoạt động của trung tâm ngoại ngữ được thực hiện theo Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học. Về chuyên môn, giám đốc trung tâm ngoại ngữ phải tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Đối với giáo viên, thì giáo viên Việt Nam phải có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên hoặc bằng cao đẳng ngoại ngữ và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Giáo viên bản ngữ có bằng cao đẳng trở lên và chứng chỉ dạy ngoại ngữ, giáo viên người nước ngoài không phải bản ngữ thì cần có thêm chứng chỉ năng lực ngoại ngữ bậc 5 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Như vậy các quy định về tiêu chuẩn đã rõ ràng và chặt chẽ. Phần còn lại là mức độ tuân thủ của các trung tâm, và khả năng sàng lọc của phụ huynh và học sinh.
Phóng viên: Hiện nay, trung tâm Anh ngữ mọc lên như nấm, để phụ huynh lựa chọn được trung tâm có uy tín, chất lượng, theo ông cần phải làm gì?
Ông Bùi Khánh Nguyên: Chúng ta cần nhìn nhận việc các trung tâm ngoại ngữ ra đời nhiều là một tín hiệu tốt, giúp người học có thể dễ dàng tiếp cận cơ hội học ngoại ngữ. Trong khi việc giảng dạy ngoại ngữ chính quy trong trường phổ thông có những hạn chế nhất định thì các trung tâm bên ngoài giúp học sinh có cơ hội học ngoại ngữ thêm, học với người nước ngoài, và lựa chọn khóa học theo nhu cầu. Với học viên người lớn thì các trung tâm này cũng giúp họ có cơ hội học ngoại ngữ và bắt kịp với thời đại toàn cầu hóa, bùng nổ thông tin.
Ngoài việc các cơ quan quản lý kiểm tra mức độ chấp hành của các trung tâm, thì người học cần dành thời gian tìm hiểu uy tín của các trung tâm mình muốn đăng ký học.
Giống khi mua các sản phẩm khác như đặt phòng khách sạn, mua đồ thời trang, mua thực phẩm, hàng gia dụng… chúng ta sẽ cần bỏ thời gian ra nghiên cứu thông tin, hỏi những người có kinh nghiệm, tham khảo ý kiến những người có trình độ chuyên môn trong số những người quen, họ hàng, bạn bè…
Với việc chọn chỗ học ngoại ngữ, người học cũng sẽ cần các kỹ năng đánh giá, kiểm tra các dịch vụ trước khi mua hàng như vậy. Kiểm tra trước khi lựa chọn vừa là một quyền, vừa là một trách nhiệm của việc tiêu dùng thông thái.
Phóng viên: Ông có đánh giá như nào về việc giảng dạy và học tập tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay? Việc nhiều trường tổ chức dạy tiếng Anh liên kết vào giờ giữa mỗi buổi học, giống như tạo sự ép buộc với học sinh, ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Ông Bùi Khánh Nguyên: Ngoài chương trình giáo dục tiếng Anh bắt buộc theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chương trình còn lại là tự nguyện. Nếu trường học thiết kế chương trình dạy tự nguyện vào buổi học, phụ huynh có quyền yêu cầu trường điều chỉnh lại để phần chương trình bắt buộc được học liền mạch, không gián đoạn.
Phóng viên: Để nâng cao trình độ tiếng Anh với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, chuyên gia có thể chia sẻ phương pháp để các em có thể học tập tốt?
Ông Bùi Khánh Nguyên: Có rất nhiều công thức thành công khác nhau cho việc học ngoại ngữ, do vậy càng tham khảo và thử nhiều các phương pháp khác nhau càng dễ có cơ hội tìm ra được bí quyết, phương pháp phù hợp nhất với mình. Việc học tiếng Anh ngày nay rất thực tế, “học là để sử dụng” do vậy cần hướng tới việc học đi đôi với thực hành.
Sử dụng tiếng Anh tốt là một kỹ năng, mà đã là kỹ năng phải có sự tập luyện, thực hành trong thực tế mới có thể thành thạo được. Một trong những nguyên nhân của tình trạng học tiếng Anh suốt 10 năm phổ thông mà không thể dùng để giao tiếp căn bản là cách thức học mang nặng tính phân tích ngôn ngữ, bỏ qua việc thực hành tiếng.
Người học ngày nay có thể tìm được rất nhiều nguồn hướng dẫn học qua mạng Internet: trên YouTube, các website, facebook… Ngoài ra có rất nhiều phần mềm, website dạy miễn phí mà dù ở nơi nào người học cũng có thể học được.
Phóng viên: Đối với hệ đại học, chứng chỉ tiếng Anh VSTEP của Việt Nam (tương đương với trình độ A1, A2, B1, B2, C1, C2) hiện được 25 đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ.
Hiện nay, các trường đại học tiến tới đưa chứng chỉ này vào làm tiêu chí tuyển sinh đại học của nhà trường. Ông có đánh giá sao về việc này?
Ông Bùi Khánh Nguyên: Chứng chỉ VSTEP có thể sử dụng như một trong nhiều tiêu chí tuyển sinh đại học được, vì bản chất nó là kỳ thi đánh giá mức độ thành thạo các kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết.
Tuy nhiên, nó không phải là một kỳ thi có thể dùng cho mọi mục đích. Ví dụ, nếu tuyển sinh viên vào các đại học khối chuyên ngữ, thì ngoài kỹ năng ngôn ngữ, khả năng phân tích ngôn ngữ, kiến thức về ngôn ngữ học cũng rất quan trọng chứ không chỉ dừng lại ở kỹ năng ngôn ngữ. Do vậy, tùy vào mục tiêu tuyển sinh của nhà trường mà các trường có thể sử dụng VSTEP ở các mức độ khác nhau.
Để VSTEP đạt được uy tín như IELTS ngay tại Việt Nam thì kỳ thi này còn phải nỗ lực rất nhiều để khẳng định trước cộng đồng người học ngoại ngữ. Thậm chí, hiện nay ngay cả một trang website chính thống có thông tin đầy đủ về kỳ thi này cũng chưa có (đa phần là thông tin từ website của các trường, các đơn vị có tổ chức thi VSTEP).
VSTEP còn phải cải thiện rất nhiều để mang lại một dịch vụ khảo thí đáng tin cậy, có chất lượng, đồng thời phải tiếp tục chứng tỏ uy tín của mình trong việc giữ gìn liêm chính học thuật, yếu tố sống còn với bất kỳ kỳ thi nào.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.