Hiệu quả cao của súng cối tự hành 2S4 Tyulpan huyền thoại cùng với nguyên tắc mà Quân đội Liên Xô/Nga đặt tên cho các hệ thống pháo binh của mình đã được giải thích.
Hệ thống súng cối tự hành 2S4 Tyulpan (Hoa tulip) cỡ nòng 240 mm được sử dụng để phá hủy các tòa nhà, công trình kiên cố, cụm tập trung nhân lực và thiết bị quân sự của kẻ thù. Kể từ năm 1972, tổ hợp đầu tiên đã phục vụ Quân đội Liên Xô, sau đó là Nga.
"Có một truyền thống nhất định trong quân đội về việc chỉ định tên cho các thiết bị quân sự", ông Yuri Khozhainov, thành viên đoàn chủ tịch của tổ chức "Các sĩ quan Nga" cho biết trong cuộc trò chuyện với tờ PolitExpert (PE).
Cụ thể, hệ thống phòng không được đặt tên theo các con sông: Shilka, Tunguska, Neva, Dvina... Trong khi đó, các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt được đặt tên theo hiện tượng tự nhiên: mưa đá, cuồng phong, lốc xoáy...
“Những tổ hợp pháo tự hành của chúng ta là một bó hoa rực rỡ gồm các loại: cẩm chướng, violet, tulip... mặc dù mang cái tên thật lãng mạn tuy nhiên sức mạnh và sự kinh hoàng mà chúng tạo ra cho đối phương thật khủng khiếp".
"Thật khó để trả lời câu hỏi tại sao pháo tự hành lại đặt tên theo những loài hoa, nhưng ý kiến thông dụng nhất là khi bắn, chớp lửa thoát ra cùng với nòng pháo màu xanh lá cây trông giống như một bông hoa”, chuyên gia quân sự Khozhainov cho biết.
Theo nhà phân tích quân sự, cối tự hành "Hoa tulip" cho dù đã ra đời rất lâu nhưng vẫn được tin dùng trong tác chiến hiện đại, bởi nó sở hữu 3 con át chủ bài trong cuộc đối đầu với những kẻ thù tiềm tàng.
Người đối thoại của tờ PE cho biết lợi thế đầu tiên và quan trọng nhất là khả năng bắn từ chỗ ẩn nấp, điều này càng làm phức tạp thêm việc phát hiện và tiêu diệt đơn vị súng cối trong quá trình phản công.
Thứ hai là độ dốc lớn của đường bay đối với viên đạn được bắn ra. Thứ ba, góc nâng của nòng súng cho phép tiêu diệt các mục tiêu ngụy trang ở vị trí kín, kể cả khi đã ẩn nấp kỹ ở trong rừng.
2S4 Tyuplan phá hủy được cả những mục tiêu không bị ảnh hưởng bởi súng trường, súng máy, súng phóng lựu, pháo bắn phẳng và thậm chí cả hỏa lực lựu pháo bắn cầu vồng.
"Ưu điểm lớn nhất của hệ thống cối tự hành nói trên bao gồm cả khả năng tấn công trực tiếp mục tiêu trong chiến hào, trên sườn dốc ngược của vách núi, cũng như phía sau các tòa nhà”, chuyên gia Khozhainov nói.
Tyulpan được trang bị đạn nổ mạnh 53-F-864 với tầm bắn tối đa 9,65 km, cũng như đạn tăng tầm 3F2 kéo dài cự ly tác chiến lên 19,69 km. Chuyên gia quân sự lưu ý: Năm 1982, đạn có hiệu chỉnh Smelchak bắt đầu được sử dụng.
“Các giải pháp kỹ thuật thú vị đã được áp dụng. Do lực giật cao nên để đưa khung gầm xe cơ sở vào vị trí chiến đấu, súng cối được lắp trên một tấm đế cố định vào mặt đất”, chuyên gia Khozhainov tóm tắt.
Trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, cối tự hành 2S4 Tyulpan đã phát huy vai trò lớn trong những trận chiến đô thị, đặc biệt là tại Mariupol, chứng minh rõ nó chưa thể sớm "nghỉ hưu".
Việt Dũng