Theo ông Marzhetsky, đa phần các ý kiến cho rằng Hải quân Mỹ hoàn toàn làm chủ đại dương thế giới và Không quân NATO thống trị bầu trời Châu Âu một cách tuyệt đối.
Ngoài ra NATO thời gian gần đây liên tục tiếp cận biên giới Nga, triển khai cơ sở hạ tầng quân sự xung quanh, các tàu khu trục tên lửa, máy bay trinh sát và UAV Mỹ đã trở thành những vị khách không mời, cho thấy một mối đe dọa tiềm tàng.
Tuy nhiên lực lượng phòng thủ Nga đã có thể tạo ra một hệ thống tác chiến điện tử (EW) cực kỳ tinh vi.
Hệ thống này thần diệu đến mức nó có khả năng làm "mù" thiết bị của đối phương ở khoảng cách từ 3.000 đến 5.000 km, hoặc thậm chí hơn, "phép màu công nghệ" trên được gọi là Murmansk-BN.
Theo ông Marzhetsky, sự phát triển nhanh chóng của hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường và điện tử đường không đã mang lại cho quân đội nhiều cơ hội mới, nhưng nó cũng tạo ra "gót chân Achilles".
Nếu tàu chiến hoặc máy bay mất liên lạc, hoặc thậm chí mất hoàn toàn khả năng điều khiển vũ khí hiệu quả, một lúc nào đó nó sẽ biến thành con mồi bất lực và dễ dàng bị tiêu diệt.
Ngày nay nhiều hệ thống EW hiện đại đã được biết đến, ví dụ như Krasukha có khả năng gây nhiễu thiết bị kỹ thuật của đối phương bằng sóng vô tuyến ở khoảng cách lên tới 300 km.
Krasuha-4 là một hệ thống EW rất hiệu quả, đã được thử nghiệm nhiều lần trong việc phòng thủ căn cứ không quân Hmeimim ở Syria. Các phi công quân sự Mỹ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành hệ thống định vị của họ.
Tuy nhiên tất cả đều là “những trò đùa trẻ con” so với Murmansk-BN, khả năng của tổ hợp này chỉ đơn giản là quá tuyệt vời.
Công việc chế tạo một hệ thống EW có tầm quan trọng chiến lược đã bắt đầu từ thời kỳ Liên Xô trong những năm 1960, nhưng sau đó đã có những vấn đề nghiêm trọng với cơ sở thành phần.
Vào thập niên 1990, mọi thứ đã dừng lại trong một thời gian dài, nhưng vào năm 2014, hệ thống Murmansk-BN đầu tiên đã gia nhập Hạm đội Phương Bắc.
Năm 2017 tổ hợp thứ hai xuất hiện tại Biển Đen và năm 2018 hệ thống thứ ba biên chế cho Hạm đội Baltic. Có thông tin về sự hiện diện của một tổ hợp tác chiến điện tử ở Viễn Đông, nơi nó được sử dụng bởi Hạm đội Thái Bình Dương.
Một lợi thế rất lớn của Murmansk-BN là tính cơ động. Về kết cấu, nó bao gồm 4 ăng ten khổng lồ, mỗi ăng ten cao 32 mét và được mang trên 7 xe tải địa hình. Thời gian lắp ráp cho đến khi kích hoạt chỉ 3 ngày.
Bây giờ chúng ta hãy xem Murmansk-BN có khả năng gì. Tổ hợp EW này có khả năng trinh sát điện tử, đánh chặn và chế áp tín hiệu của đối phương trong dải sóng ngắn 3 - 30 MHz.
Nó liên tục quét ở chế độ tự động, xác định các tín hiệu, loại bỏ nhiễu băng tần hẹp... Khi cố gắng ra hiệu cho kẻ thù mất kiểm soát, Murmansk-BN lại lần theo dấu vết và "dính" vào kẻ chạy trốn.
Điều này có ý nghĩa gì trong thực tế, đó là tổ hợp của Nga đang gây nhiễu liên lạc giữa máy bay, tàu chiến và sở chỉ huy của đối phương.
Các tàu hộ tống theo lệnh của nhóm tấn công tàu sân bay sẽ không thể phối hợp hành động, máy bay AWACS sẽ không thể truyền tọa độ chỉ định mục tiêu cho tiêm kích.
Đồng thời điểm mấu chốt là phạm vi đặc biệt của hệ thống này. Murmansk-BN, được bàn giao cho Hạm đội Phương Bắc, nằm trên Bán đảo Kola, Biển Đen ở Crimea và Baltic ở Kaliningrad.
Với bán kính 5.000 km của tổ hợp EW này, dễ nhận thấy Nga đã bao phủ toàn bộ châu Âu và biển Địa Trung Hải bằng một tổ hợp tác chiến điện tử chiến lược.
Nếu tăng sức mạnh giới hạn của nó thì bán kính tác chiến sẽ tăng lên 8.000 km. Lúc này Nga không chỉ nắm quyền kiểm soát Tây Bắc Đại Tây Dương, mà còn "tấn công" dọc theo biên giới nước Mỹ.
Nhưng lợi thế của Murmansk-BN không chỉ giới hạn ở điều này, nó chứa đựng một tiềm năng hiện đại hóa khá lớn. Đặc biệt người ta lưu ý rằng khu phức hợp có thể làm nhiễu tín hiệu của hệ thống định vị toàn cầu GPS, khi đó người Mỹ sẽ không có thời gian để đối phó.
Mặc dù chuyên gia Nga rất tự tin về Murmansk-BN nhưng theo báo chí phương Tây, việc chỉ dựng vài cột phát sóng rồi hy vọng làm tê liệt tín hiệu GPS của cả châu Âu hay nước Mỹ chẳng khác gì huyền thoại 2 chiếc Su-24M vô hiệu hóa cả tổ hợp Aegis có công suất lớn gấp hàng trăm lần.
Việt Dũng