Chuyên gia Nga nói gì về chuyến công du Việt Nam của Thủ tướng Nhật Suga?
Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một Thủ tướng Nhật kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Tân Thủ tướng Nhật lên đường thăm Việt Nam
Đài NHK đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã lên đường đi thăm Việt Nam và Indonesia. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Suga kể từ khi nhậm chức thủ tướng.
Trong chuyến công tác kéo dài 4 ngày này, ông Suga dự kiến sẽ họp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Vào ngày mai (19/10), tại một trường đại học ở Hà Nội, ông sẽ có bài phát biểu về chính sách của Nhật Bản đối với khối ASEAN.
Phát biểu trước báo giới trước khi lên đường từ sân bay Haneda tại Tokyo vào hôm Chủ Nhật, ông Suga cho biết muốn thảo luận với lãnh đạo 2 nước nói trên về việc thắt chặt quan hệ giữa Nhật Bản và 2 nước, cũng như với cả khối ASEAN.
Ông Suga nói ASEAN là đối tác quan trọng để đạt được mục tiêu xây dựng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở mà Nhật Bản đang theo đuổi, và ông sẽ truyền tải cam kết của Nhật Bản đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
Theo đài NHK, đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một Thủ tướng Nhật kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Chính phủ Nhật đã giới hạn số người cùng đi với thủ tướng. Ông Suga và các quan chức đã được xét nghiệm Covid-19. Họ cũng sẽ được xét nghiệm khi quay trở lại Nhật Bản.
Chuyên gia Nga nhận định về chuyến đi của ông Suga
Báo Sputnik ngày 18/10 cho biết, nhà phân tích chính trị Piotr Tsvetov đã bày tỏ một số nhận định của mình nhân sự kiện tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide bắt đầu chuyến công du chính thức tại Việt Nam.
Theo ông Piotr Tsvetov, hoàn toàn không ngẫu nhiên mà tân Thủ tướng Nhật Bản được mệnh danh là nhân vật trung thành với đường lối của cựu lãnh đạo Nhật Bản Shinzo Abe.
Giống như ông Abe hồi tháng 12 năm 2012, ông Suga đã chọn các nước thành viên ASEAN là Việt Nam và Indonesia làm đích đến trước hết cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình ở cương vị Thủ tướng Nhật Bản.
ASEAN hiển nhiên là đối tác ưu tiên của Nhật Bản trong khu vực, còn Việt Nam và Indonesia là những nước dẫn đầu trong khối.
Vì vậy, chuyến thăm chính thức tới hai nước này khẳng định mối quan tâm truyền thống trong việc phát triển quan hệ với các nước trong khu vực và là cơ hội để thảo luận về những hướng hợp tác tương lai.
Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn
Nhà phân tích Nga nói rằng, trong Sách Xanh của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng nhấn mạnh rằng "Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn", vì vậy không khó để dự đoán rằng liên hệ kinh tế sẽ chiếm vị trí nội dung trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo của hai nước.
Rất có thể là nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ thúc đẩy các tập đoàn Nhật Bản tiến vào thị trường Việt Nam. Còn có dự kiến rằng các bên sẽ ký kết thỏa thuận về cung cấp cho Việt Nam những thiết bị quân sự tiên tiến do Nhật Bản sản xuất.
Hợp tác quân sự
"Tôi tin rằng Nhật Bản sửa soạn đề xuất cung cấp công nghệ hải quân và sự hợp tác cho Việt Nam..." chuyên gia Nga nhắc lại lời ông Stephen Nagy, GS chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo.
Ông Tsvetov cũng nói rằng, các chuyên gia theo dõi tình hình ở khu vực Thái Bình Dương đã công bằng khi xét việc củng cố hợp tác quốc phòng của Nhật Bản cùng một số nước Đông Nam Á... gắn với tình hình ở khu vực.
Ngoài việc cung cấp tàu quân sự cho Việt Nam, một biểu hiện cụ thể cho thấy sự tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước Nhật-Việt là 3 tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vừa có chuyến cập cảng Cam Ranh hồi tuần trước.