Chuyên gia người Pháp lý giải về màu vôi biệt thự cổ được chi hơn 14 tỷ để bảo tồn

Trước những phản ánh về màu vôi hiện nay của dự án tu bổ bảo tồn của biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài với mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng, ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) cho biết: 'Lựa chọn màu sơn chỉ là một chi tiết nhỏ trong cả một dự án trùng tu lớn'.

Liên quan đến việc dự án biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang trong quá trình tu bổ bảo tồn và màu sắc công trình đang được sự quan tâm lớn từ dư luận, UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định màu vôi tường hiện nay chưa phải là màu chính thức của công trình.

Sau 1 năm trùng tu, bảo tồn, biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài đã hoàn thành tu bổ toàn bộ kiến trúc bên ngoài và đang trong giai đoạn hoàn thiện dự án.

Sau 1 năm trùng tu, bảo tồn, biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài đã hoàn thành tu bổ toàn bộ kiến trúc bên ngoài và đang trong giai đoạn hoàn thiện dự án.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, trong quá trình thi công tu bổ biệt thự, chuyên gia Pháp và chuyên gia Việt Nam đã làm công tác “khảo cổ học công trình” để tìm ra màu sắc, vật liệu và các chi tiết gốc. Trên cơ sở kết quả khảo cổ, nhóm chuyên gia đưa ra quyết định sử dụng lại các vật liệu màu sắc gốc theo như công trình được xây dựng ban đầu.

“Hiện tại, các chuyên gia đang quét thử nghiệm một số màu vôi để lựa chọn ra màu vôi theo đúng màu gốc nhằm đảm bảo tính chân xác tối đa cho công trình. Màu vôi tường hiện nay chưa phải là màu chính thức của công trình”, quận Hoàn Kiếm nêu thêm.

Căn biệt thự ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài nằm trong khuôn viên có diện tích hơn 990m2, được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Dự án trùng tu biệt thự mẫu tại số 49 Trần Hưng Đạo (46 Hàng Bài) được khởi công xây dựng vào tháng 4/2022 với mức đầu từ hơn 14 tỷ đồng.

Trước những phản ánh về màu vôi hiện tại của công trình, ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) khẳng định vấn đề lựa chọn màu sơn chỉ là một chi tiết nhỏ trong cả một cái dự án tu bổ bảo tồn lớn. "Khi thực hiện dự án trùng tu, chúng tôi đảm bảo rất nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật, kết cấu, nguyên vật liệu, lựa chọn làm sao cho phù hợp, hài hòa và đúng nguyên tắc bảo tồn. Lựa chọn màu sơn chỉ là chi tiết rất nhỏ nhưng lại là điều mà dư luận quan tâm nhất, trong khi đó có nhiều vấn đề khác phức tạp hơn khi thực hiện tu bổ công trình", ông Emmanuel Cerise nói.

Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) lý giải màu sơn hiện tại của công trình.

Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) lý giải màu sơn hiện tại của công trình.

Về vấn để thử nghiệm màu vôi cho cả công trình, chuyên gia người Pháp chia sẻ, đội thi công đã thực hiện thử nghiệm trên các mảng nhỏ nhưng tất cả đều thừa nhận là không thể hiện được điều gì cả. "Diện mạo công trình khi được sơn toàn bộ thì mới thể hiện đúng thị giác mà nó tạo ra. Chỉ sơn 1-2 mảng tường thì không đánh giá được", ông Emmanuel Cerise chia sẻ.

Giám đốc PRX-Vietnam khẳng định, quá trình tu bổ bảo tồn biệt thự chưa hoàn thiện, màu vôi tường hiện tại không phải màu sơn của công trình nên chưa thể đánh giá chính xác: "Việc sơn thử là thử nghiệm và chưa thể thành công ra đúng gam màu ngay được. Dự án chưa hoàn thiện nên chúng ta không nên coi đó là hình ảnh của dự án hoàn thiện".

Lý giải về việc chọn màu vôi tường như bây giờ, ông Emmanuel Cerise cho biết, đây là một biệt thự tư nhân nên không lưu giữ hồ sơ thi công, đặc biệt nó được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Tài liệu còn lại duy nhất là bức ảnh gia đình gia chủ chụp ở phía cổng 40 Hàng Bài. Đây là bức ảnh đen trắng nên không thể hiện được màu sơn của công trình.

Để ra được màu sơn thử nghiệm như bây giờ, chuyên gia Pháp chia sẻ dựa trên hai cơ sở: "Một, chúng tôi kiểm tra lớp vữa gốc phủ bên ngoài tường rồi tìm ra màu sơn tương tự. Công trình đầu thế kỷ XX khi mới làm sẽ có màu be vàng và màu be đỏ giả màu gạch, kẻ các đường chỉ gạch giả. Chúng tôi dựa trên đó lựa chọn màu sắc.

Hai, chúng tôi dựa trên một bộ ảnh của nhà nhiếp ảnh người Pháp chụp năm 1915 - đặc biệt là các bức ảnh màu. Tuy màu ảnh thời kỳ đó không thật như bây giờ nhưng vẫn thể hiện nhiều công trình được xây dựng theo kiểu biệt thự cổ này, có các lớp đan xen giữa tường vàng và tường đỏ. Từ đó chúng tôi thử nghiệm và sẽ hoàn thiện trong thời gian tới".

Với góc độ chuyên môn, ông Emmanuel Cerise không ủng hộ việc thay đổi toàn bộ màu sơn mà chỉ giảm tông màu nhạt hơn. "Việc dùng một màu sơn duy nhất cho cảm giác thuận mắt nhưng sẽ không thể hiện đúng và làm giảm giá trị công trình. Có thể ban đầu chúng ta nhìn gam màu đối lập nhưng sau một thời gian ngắn thì độ đậm màu sẽ giảm dần đi. Những biệt thự ở Hà Nội đầu thế kỷ XX đều được xây dựng theo phong cách phối màu như này", chuyên gia người Pháp khẳng định.

Dự án trùng tu biệt thự mẫu tại số 49 Trần Hưng Đạo (46 Hàng Bài) được nghiên cứu từ năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và Vùng Ile-de-France, quận Hoàn Kiếm và cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France (PRX). Tháng 4 năm 2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã khởi công dự án trên, qua 1 năm thực hiện, đến nay, công trình đã đi vào giai đoạn hoàn thiện.

Sau khi hoàn thành, biệt thự sẽ được đưa vào khai thác với chức năng là Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội. Định hướng khai thác công trình như một thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng là minh chứng rõ nét cho một chiến lược đồng bộ bao gồm cả hai khía cạnh bảo tồn và phát huy giá trị đối với một yếu tố di sản đô thị. Cùng đó, sẽ là nơi giới thiệu các nguyên tắc cơ bản cần lưu ý khi tiến hành một dự án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị đối với một công trình kiến trúc Pháp cổ. Với chức năng mới như vậy, công trình sẽ trở thành một điểm đến văn hóa mới của quận Hoàn Kiếm nói riêng và toàn thành phố Hà Nội nói chung.

Duy Phạm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-gia-nguoi-phap-ly-giai-ve-mau-voi-biet-thu-co-duoc-chi-hon-14-ty-de-bao-ton-post1526236.tpo