Chuyên gia: Nguy cơ xung đột Mỹ - Trung cao hơn bao giờ hết

Kênh liên lạc giảm dần trong khi các cuộc chạm trán trên không, trên biển ngày một tăng khiến nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc cao hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia Trung Quốc đánh giá nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất cao, khi mà các kênh liên lạc giữa lực lượng vũ trang hai nước đã rơi vào tình trạng im lặng, South China Morning Post cho biết.

Wu Shicun, Chủ tịch Viện nghiên cứu Biển Đông, nói Bắc Kinh và Washington bị khóa trong cuộc cạnh tranh trên nhiều mặt trận, sự mất lòng tin chính trị dẫn đến hàng trăm kênh liên lạc giữa hai chính phủ bị đình trệ.

 Tàu khu trục Lan Châu (phải) chạy cắt mặt tàu khu trục USS Decatur của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu khu trục Lan Châu (phải) chạy cắt mặt tàu khu trục USS Decatur của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Theo một báo cáo về sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được viện công cố hôm 23/6, cho biết liên lạc giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh từ năm 2018.

Quan hệ giữa quân đội 2 nước trở nên xấu đi khi Mỹ rút lại lời mời quân đội Trung Quốc tham dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2018) cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới được tổ chức 2 năm một lần.

Liên tục trả đũa nhau

Báo cáo cho biết, việc Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018 để trả đũa việc Bắc Kinh triển khai tên lửa và hạ cánh máy bay ném bom trên sân bay bồi lấp phi pháp ở Biển Đông.

“Tôi nghĩ rằng nguy cơ xung đột đang gia tăng, đặc biệt là sau vụ suýt va chạm giữa tàu khu trục USS Decatur của Mỹ và tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc vào tháng 9/2018 trên Biển Đông”, ông Wu nói.

Trong vụ đối đầu căng thẳng vào tháng 9/2018, tàu khu trục USS Decatur của Mỹ đang tuần hành tự do hàng hải trên Biển Đông, tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc đã di chuyển cắt mặt ở cự ly 41 m ở gần Đá Ga Ven, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc đang kiểm soát trái phép.

Hai bên đều đổ lỗi cho nhau khiêu khích trước.

Trong khi các cuộc chạm trán tăng lên theo thời gian, hai bên đã không có động thái ngăn nó leo thang thêm. Các kênh liên lạc từng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm căng thẳng trong quá khứ.

Nguy cơ xung đột có thể bắt nguồn từ khủng hoảng eo biển Đài Loan, tương tự như sự cố xảy ra vào năm 1990, khi Trung Quốc tiến hành một loạt vụ thử tên lửa ở vùng biển xung quanh đảo Đài Loan.

Vụ va chạm giữa máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ và một máy bay chiến đấu của Trung Quốc trên vùng trời ngoài khơi đảo Hải Nam vào năm 2001 từng khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng.

Trong số các kênh liên lạc có một đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng và cơ chế đối thoại cho quân đội hai nước.

Các quan chức quân đội hai nước thường gặp gỡ không chính thức tại các sự kiện như Đối thoại Shangri-la hàng năm được tổ chức ở Singapre, dù sự kiện năm nay đã bị hoãn bởi đại dịch Covid-19.

Nguy cơ Chiến tranh Lạnh mới

Khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng thì cũng kéo theo nỗi sợ hãi về Chiến tranh Lạnh mới. Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, 3 tàu sân bay hạt nhân của Mỹ tuần tra Thái Bình Dương cùng lúc.

Hồi đầu tháng, Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ cho biết tất cả tàu ngầm được triển khai làm nhiệm vụ đang tuần tra ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc cũng gia tăng hoạt động trong khu vực.

 Một tàu tiếp tế của Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC 2014. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Một tàu tiếp tế của Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC 2014. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Đầu tháng, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết đã điều động máy bay chiến đấu ngăn chặn nhóm chiến đấu cơ Trung Quốc vượt qua eo biển Đài Loan và tiếp cận hòn đảo trong thời gian ngắn. Nó diễn ra chỉ vài giờ sau khi một máy bay vận tải của Mỹ bay qua không phận Đài Loan.

Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Nam Kinh, cho biết các cơ chế hiện tại có thể không đủ để kiểm soát mọi cuộc chạm trán và hai bên nên đưa ra một giải pháp hiệu quả hơn để quản lý các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra.

Để giải quyết các cuộc gặp gỡ trên không, trên biển có chủ ý không chỉ đòi hỏi sự cơ động an toàn mà còn cả sự tin tưởng chính trị và chiến lược, để nó không leo thang vào các hoạt động thù địch.

Các quan chức quân đội Trung Quốc và Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã không gặp nhau kể từ năm 2017.

“Tôi nghĩ rằng Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nên tham gia liên lạc với đối tác Trung Quốc. Đây là hoạt động để xây dựng mối quan hệ giữa hai quân đội, chúng ta không nên chỉ dựa vào suy đoán để hiểu biết nhau”, ông Zhu nói.

Video đụng độ ở Sikkim sau khi sĩ quan Trung Quốc bị đấm vào mặt Cuộc đụng độ xảy ra giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở Sikkim (Ấn Độ), khi một sĩ quan Trung Quốc bị binh sĩ người Ấn Độ đấm vào mặt.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-nguy-co-xung-dot-my-trung-cao-hon-bao-gio-het-post1099381.html