Chuyên gia: 'Nguy cơ xung đột trên Biển Đông là không thể'
Giới phân tích cho hay những hoạt động quân sự của Mỹ và đồng minh tại Biển Đông gần đây là nỗ lực nhằm gây áp lực lên Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post hôm 10-2 nhận định Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều áp lực từ các hoạt động quân sự gần đây của Mỹ và các đồng minh NATO ở khu vực Biển Đông, tuy nhiên một số nhà phân tích cho rằng khả năng xảy ra một cuộc xung đột là không thể.
Phương Tây gia tăng áp lực lên Trung Quốc
Điển hình là trong động thái mới nhất, Mỹ đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz vào Biển Đông vào ngày 9-2 “nhằm chứng minh khả năng của hải quân Mỹ trong môi trường có thử thách”. Đi cùng với nhóm tàu tác chiến là tàu khu trục tên lửa hành trình USS Bunker Hill và USS Princeton, các tàu khu trục USS Russell và USS John Finn.
Đây là hoạt động chung thứ hai của hai nhóm tàu sân bay tác chiến ở Biển Đông trong vòng bảy tháng. Hải quân Mỹ cho biết cuộc tập trận “nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và lực lượng đáng tin cậy để trấn an các đồng minh và đối tác cũng như gìn giữ hòa bình trong khu vực”.
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly thông báo nước này đã điều tàu ngầm SNA Emeraude đi cùng có tàu hỗ trợ BSAM Seine đến tuần tra ở Biển Đông. Theo bà Parly, cuộc tuần tra là “một bằng chứng nổi bật” về năng lực của hải quân Pháp trong việc triển khai tại vùng biển xa và trong thời gian dài cùng với các đối tác chiến lược, theo hãng tin France24.
Ông Hu Bo, Giám đốc Tổ chức Tư vấn Sáng kiến Tình hình Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết các hoạt động của Mỹ và Pháp ở khu vực là nỗ lực nhằm gây thêm áp lực lên Trung Quốc.
“Sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, các đồng minh của Mỹ tin tưởng hơn rằng Mỹ sẽ thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về kiểm soát và cân bằng Trung Quốc” - ông Hu nói.
Chính quyền ông Biden đã thông báo Trung Quốc sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ và Washington sẽ hợp tác với các đối tác nhằm phát triển chiến lược cạnh tranh với Bắc Kinh.
Trong khi đó, ông Collin Koh, chuyên gia thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nhận định hải quân Mỹ đang gửi thông điệp rằng lực lượng này có thể hoạt động “bất cứ nơi nào họ muốn miễn là luật pháp quốc tế cho phép, bất chấp nối đe dọa từ Bắc Kinh”.
Còn đối với Pháp, quốc gia này muốn bày tỏ sự ủng hộ các lợi ích của Paris ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
“Pháp coi mình là một người chơi độc lập trong khu vực, thường định vị như là một sự chọn lựa thay thế đối với các quốc gia trong khu vực không muốn liên kết quá chặt chẽ với Trung Quốc hoặc Mỹ’ - ông Koh cho hay.
Xung đột là điều không thể
Các nhà quan sát cho rằng sẽ có thêm nhiều cuộc tuần tra như vậy đến từ Mỹ và các đồng minh bao gồm Anh, khi họ muốn đẩy lùi các hoạt động và quân sự hóa của Bắc Kinh trong khu vực.
Cuối năm nay, hải quân Hoàng gia Anh có kế hoạch điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đi qua Biển Đông và eo biển Đài Loan để vào biển Hoa Đông tham gia một cuộc tập trận hải quân với Mỹ và Nhật Bản.
Đức cũng thông báo họ có kế hoạch triển khai một tàu khu trục đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm nay.
Bên cạnh hoạt động thách thức Trung Quốc trên thực địa, vào tháng 9 năm ngoái, ba nước thành viên NATO là Anh, Pháp và Đức đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ), trong đó thể hiện lập trường pháp lý lâu dài liên quan đến các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Công hàm khẳng định ba nước sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và tự do được quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Chuyên gia quân sự Song Zhongping, cựu huấn luyện viên quân đội Trung Quốc nhận xét: “Đây là một hình thức mở rộng của NATO và họ sẽ gia tăng áp lực quân sự lên Trung Quốc. Tuy nhiên, một số đồng minh của Mỹ đến khu vực này vì các giá trị chung như tự do hàng hải và hàng không, thay vì lợi ích quốc gia của họ, vì vậy họ không có khả năng dốc toàn lực để đối đầu với Trung Quốc”.
Đồng thời, chuyên gia Zhu Feng, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác về Biển Đông của Trung Quốc tại Đại học Nam Kinh cho rằng việc có thêm nhiều hoạt động quân sự trong khu vực như tuần này có thể làm gia tăng nguy cơ va chạm trên Biển Đông.
“Có khả năng xảy ra va chạm trên biển hoặc trên không nhưng không có khả năng xảy ra chiến tranh” - ông Zhu cho hay.