Chuyên gia nhận định về tác động của COVID-19 đối với triển vọng thương mại
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Vũ Quang Việt, chưa thể kết luận rằng dòng chảy thương mại quốc tế sẽ đảo ngược, mặc dù Mỹ đã có những hành động hạn chế sự tham gia của các công ty Trung Quốc.
Nhận định về vấn đề này, ông Vũ Quang Việt cho rằng hiện nay, thương mại quốc tế đã sụt giảm rõ rệt vì đại dịch COVID-19. Theo dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đại dịch sẽ khiến xuất nhập khẩu hàng hóa trên thế giới giảm 12-32% trong thời gian tới.
Xu hướng toàn cầu hóa được đẩy mạnh từ khi Mỹ để ngỏ cánh cửa cho Trung Quốc tham gia vào WTO từ năm 2001. Sau đó, Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào thị trường thế giới và vì được coi là nước đang phát triển nên Trung Quốc tiếp tục được hưởng chính sách hạn chế hàng hóa và đầu tư của công ty nước ngoài trừ khi các công ty này sẵn sàng chuyển giao công nghệ. Nhờ đó, nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh, trung bình trên 9% trong suốt 30 năm.
Trong khi đó, công nghiệp ở các nước phát triển cạnh tranh không lại trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, buộc phải đóng cửa và người lao động phải chấp nhận mức lương thấp hoặc không có việc làm. Chính vì vậy, chống toàn cầu hóa trở thành khẩu hiệu của một bộ phận người dân lao động nghèo ở các nước phát triển cao.
Ngược lại, một bộ phận khác có tay nghề cao hoặc tham gia vào hoạt động tài chính trở nên giàu có, thậm chí siêu giàu. Sự phân hóa giàu nghèo ở các nước phương Tây trước đây là hiện tượng chưa từng có. Ví dụ, từ năm 1990 đến nay, 20% người dân có thu nhập cao có tài sản tăng gần 80% trong khi 20% có thu nhập thấp nhất có tài sản giảm 39%.
Ông Vũ Quang Việt chỉ ra rằng hàng loạt chính sách đẩy tiền cho công ty lớn, ví dụ như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mua lại nợ doanh nghiệp, đã cho phép chính các công ty này mua lại cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán và đẩy giá cổ phiếu lên mức cao.
Và bởi 1% người giàu nhất nước Mỹ làm chủ tới 50% số cổ phiếu trên thị trường nên giá cổ phiếu tăng thì họ trở nên giàu có hơn. Quan sát như vậy nên nhiều người nghĩ rằng có lẽ đại dịch COVID-19 đang tạo điều kiện cho phân hóa giàu nghèo thêm sâu sắc và có thể đảo ngược quá trình toàn cầu hóa.
Tính đến nay, chưa thể kết luận rằng dòng chảy thương mại quốc tế sẽ đảo ngược, mặc dù Mỹ và một vài nước đã có những hành động kiểm soát và hạn chế sự tham gia của các công ty Trung Quốc.
Ví dụ như các nước phương Tây không cho phép tập đoàn công nghệ Huawei tham gia cung cấp thiết bị cho hệ thống mạng 5G với cáo buộc ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của các nước này.
Tuy nhiên, để Mỹ và các nước phương Tây biến hành động kiểm soát thành chính sách rộng rãi là một câu chuyện khác bởi các công ty đa quốc gia, nhất là các công ty của Mỹ, rất mong muốn tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc.
Ông Vũ Quang Việt nhận định, nếu những thay đổi vừa qua tiếp tục dẫn đến xu hướng toàn cầu đảo ngược, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động. Cụ thể, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018 ở mức tương đương 190% GDP, tỷ lệ cao so với các nước khác.
Con số này của Việt Nam chỉ thấp hơn Singapore, ở mức 215% GDP. Nhưng Singapore là đảo quốc, khác hẳn một nước có thị trường nội địa lớn như Việt Nam. Nếu so sánh thì có lẽ nên so với Trung Quốc là nước phát triển được nhờ xuất khẩu nhưng tỷ lệ xuất nhập khẩu của họ cũng chỉ là 34% GDP.
Việt Nam cũng là nước phụ thuộc đầu tư nước ngoài, chiếm tới 6,3% GDP, cao hơn gấp 2-3 lần các nước Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Philippines. Chính vì xuất khẩu của Việt Nam cũng dựa vào những thị trường lớn như Mỹ, nên nếu xu hướng toàn cầu hóa đảo ngược xảy ra thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu nước Mỹ chưa kiểm soát được đại dịch COVID-19 trong những tháng tới thì khi tiêu dùng tại nước này giảm, những mặt hàng chủ lực mà Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ gặp khó.
Việt Nam là nơi mà chính sách của chính phủ là mở cửa rộng rãi cho đầu tư nước ngoài, nên các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, Hàn Quốc đã rót tiền để sử dụng lao động với chi phí thấp gia công hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.
Nhà đầu tư lại được ưu đãi tiền thuê đất thấp, và có thể mua điện với giá cũng thuộc loại thấp nhất thế giới, trong khi các vật tư để gia công cần công nghệ cao hơn thì nhập khẩu từ những nước này. Thực tế này khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc đa dạng nguồn cung ứng.
Với Việt Nam, để đa dạng hóa nguồn cung thì cần đa dạng hóa sản phẩm và khuyến khích chuyển giao công nghệ hơn nữa. Từ trước đến nay, từ Nhật Bản, Hàn Quốc và nay là Trung Quốc không hề khuyến khích đầu tư nước ngoài.
Nhật Bản và Hàn Quốc thậm chí ngăn cản đầu tư nước ngoài, mua công nghệ và tự phát triển công nghệ mới. Nếu cần vốn, họ sẽ vay và tính toán rất kỹ lưỡng về thị trường và khả năng trả nợ. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài với điều kiện phải chuyển giao công nghệ.
Tiến sỹ Vũ Quang Việt cho rằng: “Hiện rất khó để đưa ra các đánh giá về xu hướng kinh tế mới sắp tới sẽ là gì và gây ra những tác động như thế nào đối với kinh tế toàn cầu. Có lẽ, sau khi nước Mỹ bầu cử xong vào tháng Mười Một tới thì các đường hướng, chính sách của nước Mỹ mới thực sự rõ ràng và từ đó mới có thể dự đoán được”./.