Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ phương pháp tiên tiến mới trong phòng, điều trị bệnh
Chiều 9/5 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo – Tọa đàm với chủ đề: 'Hợp tác y tế Việt Nhật, các phương pháp tiên tiến trong chẩn đoán, dự phòng và điều trị bệnh của Nhật Bản'.
Hội thảo - Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ triển lãm VIETNAM MEDI-PHARM 2024 lần thứ 31 nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác y tế giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản đồng thời cung cấp một cái nhìn toàn diện, khách quan về những phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh tiên tiến.
Theo TS Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Nam Nhật Bản (JVI), hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển sâu sắc, song hành cùng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Việt Nam và Nhật Bản đã và đang cùng nhau nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phát triển nguồn nhân lực, triển khai các dự án đào tạo chuyên sâu, chuyển giao công nghệ y học tiên tiến, chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn...trong suốt hành trình 50 năm hợp tác cùng phát triển.
"Hội thảo lần này được tổ chức nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác y tế giữa Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời mở ra cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn giữa các đơn vị y tế uy tín của hai nước về những phương pháp mới trong việc chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị bệnh", ông Hải chia sẻ.
Hội thảo năm nay có sự góp mặt của đại diện đến từ các cơ sở y tế hàng đầu Nhật Bản: Bệnh viện Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu (Bệnh viện NCGM) - bệnh viện công lập nằm trong top đầu các bệnh viện tốt nhất Nhật Bản do tạp chí Newsweek bình chọn năm 2023; Trung tâm Y tế Kameda (top 3 bệnh viện tốt nhất Nhật Bản, top 50 bệnh viện tốt nhất thế giới do Newsweek bình chọn năm 2023; Trung tâm Tế bào gốc Helene- đơn vị đầu tiên được cấp phép trị liệu tế bào gốc tại Nhật Bản.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận của ông Vũ Mạnh Cường- Giám đốc Trung tâm Truyền thông- Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế); Bác sĩ Hinohara Chihaya- Trưởng khoa Khám bệnh quốc tế Bệnh viện NCGM, Phó khoa đào tạo nhân lực Quốc tế, Bác sĩ chuyên khoa chăm sóc giảm nhẹ; Bác sĩ Fukuma Eisuke- Trưởng khoa bệnh lý tuyến vú của Trung tâm Y tế Kameda; Bác sĩ Takaaki Matsuoka- Viện trưởng Trung tâm tế bào gốc Helena.
Các chuyên gia cho biết, hằng năm, Việt Nam có hàng chục nghìn lượt người đến Nhật Bản khám, chữa bệnh. Nhờ có hoạt động này mà hoạt động hợp tác về y tế của Việt Nam-Nhật Bản ngày càng gắn bó hơn.
Báo cáo về chất lượng hệ thống y tế của Tạp chí kinh doanh, thương mại hàng đầu thế giới CEO World (Mỹ) công bố năm 2024 cho thấy, Nhật Bản thuộc các nước có hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe tốt nhất tại châu Á và Top đầu trên thế giới.
Điều này được thể hiện rõ qua việc tuổi thọ của người dân Nhật luôn cao dẫn đầu thế giới trong rất nhiều năm qua. Ngoài ra, hệ thống y tế Nhật Bản cũng được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, y đức y bác sĩ, các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị ung thư, các kỹ thuật mới trong y học tái sinh và y học dự phòng.