Chuyên gia Nhật Bản: Việt Nam - Nhật Bản gặt hái nhiều thành tựu sau nửa thế kỷ

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tokyo về chặng đường 50 năm Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973 - 21/9/2023), Tiến sĩ Tomotaka Shoji, Giám đốc Ban nghiên cứu Khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng (NIDS) của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, nhấn mạnh hai nước đã gặt hái nhiều thành tựu sau nửa thế kỷ hợp tác.

Tiến sĩ Tomotaka Shoji, Giám đốc Ban nghiên cứu Khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng (NIDS) của Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Tiến sĩ Tomotaka Shoji, Giám đốc Ban nghiên cứu Khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng (NIDS) của Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Theo Tiến sĩ Shoji, thành tựu đầu tiên trong quan hệ hai nước chính là hợp tác kinh tế. Việt Nam muốn phát triển kinh tế, trong khi Nhật Bản có mối quan hệ kinh tế rất quan trọng với Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Đây là một trong những lý do Nhật Bản muốn thúc đẩy mối quan hệ đó và hai bên chia sẻ những lợi ích kinh tế chung. Tiến sĩ Shoji nhấn mạnh Nhật Bản luôn coi trọng hợp tác kinh tế trong chính sách ngoại giao. Với tiềm lực vững vàng, Nhật Bản đã phát huy thế mạnh để tăng cường quan hệ với Việt Nam. Ông đánh giá hợp tác kinh tế song phương đã ghi nhận những bước tiến vô cùng mạnh mẽ, gặt hái nhiều thành quả.

Tiến sĩ Shoji cho biết Nhật Bản là quốc gia cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam. Nhiều cơ sở hạ tầng, đường sá tại Việt Nam có sự đóng góp của ODA từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến kinh doanh đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam diễn ra khá sôi động. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang đầu tư vào Việt Nam, xây dựng nhà máy và tuyển dụng lao động Việt Nam. Kết quả là sự xuất hiện của các thương hiệu, sản phẩm Nhật Bản tại Việt Nam như ôtô, xe máy và gần đây là Aeon Mall. Những doanh nghiệp Nhật Bản này đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc, trong khi người Việt Nam ngày càng biết đến và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của họ nhiều hơn. Ông tin rằng đây là một thành tựu rất có ý nghĩa đối với quan hệ song phương.

Về văn hóa và xã hội, Tiến sĩ Shoji bày tỏ vui mừng khi người Việt Nam có cảm giác thân thiết với Nhật Bản và người Nhật Bản cũng coi người Việt Nam là những người rất gần gũi. Cùng là quốc gia nằm trong châu Á, ông tin rằng hai nước dễ hòa hợp. Đây là nền tảng để Nhật Bản hợp tác với Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Shoji, Việt Nam đã có lịch sử lâu dài gắn với bảo vệ đất nước và giành độc lập dân tộc. Sự tôn trọng và đánh giá cao của người dân Nhật Bản đối với người dân Việt Nam cũng là lý do giúp cho quan hệ hai nước phát triển đặc biệt mạnh mẽ. Ông cho rằng an ninh là một lĩnh vực hợp tác được hai nước quan tâm.

Trong thời gian tới, theo Tiến sĩ Shoji, hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển. Theo ông, hiện có nhiều vấn đề không chỉ gói gọn ở Việt Nam và Nhật Bản, mà mở rộng ra toàn thế giới, ví dụ như biến đổi khí hậu. Mỗi quốc gia đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng khác nhau như bảo vệ môi trường. Ông cho rằng Nhật Bản và Việt Nam nên hợp tác với nhau và nỗ lực giải quyết những vấn đề này.

Về phối hợp tại các diễn đàn đa phương, Tiến sĩ Shoji khẳng định Việt Nam và Nhật Bản đã hợp tác rất nhiều trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đối với Nhật Bản, ASEAN là một tổ chức quốc tế quan trọng. Trong khuôn khổ đó, hợp tác giữa hai nước rất thuận lợi và sẽ tiếp tục được củng cố trong thời gian tới.

Ngoài ra, Tiến sĩ Shoji cũng chỉ ra một hướng phát triển nữa trong hợp tác song phương, đó là những diễn đàn kinh tế mở rộng từ ASEAN. Việt Nam và Nhật Bản được kỳ vọng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực rộng lớn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)..... Theo Tiến sĩ Shoji, hai nước sẽ tiếp tục củng cố hợp tác tại Liên hợp quốc - khuôn khổ đa phương quan trọng nhất.

Nguyễn Tuyến - Phạm Tuân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chuyen-gia-nhat-ban-viet-nam-nhat-ban-gat-hai-nhieu-thanh-tuu-sau-nua-the-ky-20230919073007337.htm