Chuyên gia nói gì về phát triển tỉnh Bình Thuận?Phát triển nông nghiệp công nghệ caoTổ chức không gian lãnh thổVai trò của đô thị biển trong phát triển kinh tế

Tại Hội thảo khoa học về 'Tư duy, mô hình phát triển tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050' diễn ra vào sáng 14/4 tại TP. Phan Thiết, đã có nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học đã có kinh nghiệm tham gia nghiên cứu tư vấn xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước… Phóng viên Báo Bình Thuận lược ghi một số ý kiến của các chuyên gia đối với sự phát triển tỉnh Bình Thuận.

Chuyên gia nói gì về phát triển

Một góc Phan Thiết. Ảnh: Ngọc Lân

Ông Nguyễn Văn Vịnh- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Theo ông Vịnh, tiềm năng lớn nhất của Bình Thuận là vị trí địa lý, cùng với tài nguyên thiên nhiên, đất đai thuận lợi. Chính vì vậy, trong số các định hướng phát triển các ngành quan trọng, nhấn mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, tỉnh cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất. Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, thực hiện tốt cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Song song, phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, chú ý các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, lợi thế của tỉnh. Mặt khác, phát triển toàn diện khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến tạo giá trị gia tăng cao. Tập trung phát triển sản xuất giống thủy sản có lợi thế, sớm hình thành các vùng sản xuất tôm giống tập trung, ứng dụng công nghệ cao…

PGS. TS. KTS Trần Trọng Hanh- nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội:

Ý tưởng tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh Bình Thuận với các nguyên tắc: Tỉnh như một tổng thể lãnh thổ tích hợp, thống nhất. Khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên thiên nhiên, đất đai. Đồng thời, thúc đẩy các khu vực có tiềm năng phát triển như TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, thị trấn Phan Rí Cửa. Song song, tối ưu hóa sử dụng kết cấu hạ tầng hiện có và phát triển kết cấu hạ tầng mới theo quy hoạch. Cụ thể, điều chỉnh quốc lộ 1 và hệ thống giao thông liên huyện nhằm gia tăng giá trị quỹ đất và thu hút đầu tư. Đồng thời, khuyến khích phát triển các khu vực có tiềm năng, lợi thế riêng như huyện Đức Linh, Phú Quý, vùng ven biển và các khu chức năng có sức thu hút đầu tư lớn và các hành lang dọc quốc lộ 1, quốc lộ 55, đường ven biển.

Cùng với đó, tỉnh cần phát triển và xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái và thông minh theo mô hình đô thị nén, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; giảm thiểu chất thải ra môi trường. Ngoài ra, cần thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng, thay vì phương tiện cá nhân cho giao thông liên huyện, giao thông đô thị. Cần kết nối đô thị với nông thôn, dựa trên mô hình lãnh thổ tích hợp gắn với các lưu vực sông, thúc đẩy phát triển các khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn- Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam:

Ông Tuấn nhấn mạnh, tiềm năng du lịch Bình Thuận được "đánh thức" bởi sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24/10/1995. Về một số vấn đề chiến lược thúc đẩy công nghiệp hóa “không khói”, đó là chiến lược đô thị hóa có trọng tâm; chính sách quy hoạch, đất đai, sở hữu tài sản, pháp lý; thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, một số đề xuất, khuyến nghị cụ thể là đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, giao thông trọng yếu. Thu hút nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ. Song song, xây dựng các đề án phát triển du lịch chuyên đề và đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số, hạ tầng viễn thông, mạng 5G…

Mặt khác, tỉnh cần khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch và năng lượng xanh; kiểm soát chặt các chuẩn mực về môi trường biển, rác thải nhựa đại dương; đào tạo nguồn nhân lực có trọng tâm và chính sách thuế… Riêng chính sách đối với Khu du lịch Quốc gia Mũi Né – Phan Thiết, ông Tuấn đề xuất tăng thời gian khai thác và sử dụng đất thương mại (từ 50 năm lên 70 năm). Bổ sung quy hoạch đơn vị ở trong các khu vực đất thương mại dịch vụ để khuyến khích đầu tư, cùng với chính sách thị thực…

Kiều Hằng (thực hiện)

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/chuyen-gia-noi-gi-ve-phat-trien-tinh-binh-thuan-136707.html