Chuyên gia nói gì về việc sống sót 7 ngày dưới vực nhờ ăn dương xỉ, củ lạc tiên?

Không riêng gì cây dương xỉ hay lạc tiên mà có rất nhiều loại thực vật trong cuộc sống khác đều có thể ăn được. Người dân không dùng nó làm thực phẩm vì nó rất khó ăn, có vị chát, mà giá trị dinh dưỡng không cao.

Lá cây dương xỉ góp phần giúp bà Liên sống sót sau 7 rơi xuống vực. Ảnh minh họa.

Lá cây dương xỉ góp phần giúp bà Liên sống sót sau 7 rơi xuống vực. Ảnh minh họa.

Dương xỉ (danh pháp khoa học là: Marattiopsida) là loại cây thân thảo thuộc mọc hoang tại nhiều khu vực ở nước ta. Trước đây, dương xỉ là loại cây hoang dã nhưng trong những năm gần đây, khá nhiều gia đình đã đem loại cây này về trồng, chăm bón để làm cảnh và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc bà Nguyễn Thị Bích Liên sống sót sau 7 ngày rơi xuống vực sâu là chuyện rất may mắn. Tuy nhiên còn may mắn hơn nữa khi bà Liên đã biết tự cứu lấy mình nhờ việc ăn cây rừng để duy trì sự sống trong suốt 1 tuần.

Trao đổi với phóng viên Infonet, TS. Ngô Đức Phương - Viện trưởng Viện thuốc nam cho rằng, dương xỉ là loại cây cơ bản không độc, có thể người phụ nữ đã căn cứ vào yếu tố này để lựa chọn dương xỉ để ăn.

“Không riêng gì cây dương xỉ hay lạc tiên mà có rất nhiều loại thực vật trong cuộc sống khác đều có thể ăn được. Chỉ là người dân không dùng nó làm thực phẩm vì nó rất khó ăn, có vị chát, mà giá trị dinh dưỡng lại không cao. Ví dụ như các loại lá rất quen thuộc với chúng ta là lá chuối hay lá mít... đều ăn được”, ông Thịnh cho hay.

Gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra dương xỉ có rất nhiều công dụng với sức khỏe như bổ sung vitamin, giàu dinh dưỡng tốt cho cơ thể và còn có tác dụng chữa nhiều bệnh.

Loại rau này đặc biệt giàu protein, chất béo, carbonhydrate, khoáng chất và vitamin, giá trị dinh dưỡng rất cao. Trong dương xỉ chứa một số loại vi khuẩn có lợi có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, chống viêm vì thế những người bị các bệnh mẩn ngứa, vết thương lở loét ăn rất có lợi.

Người dân phương Tây, Hàn Quốc, Nhật Bản ăn dương xỉ hàng ngày để phát huy công dụng của nó với cơ thể.

Thậm chí dương xỉ là một trong những mặt hàng đắt đỏ tại siêu thị ở những quốc gia này. Nhưng ở nước ta, dương xỉ được coi là cây mọc dại. Chỉ một số ít người dân miền núi sử dụng làm rau ăn hàng ngày vì không kiếm được nguồn rau khác.

Lưu ý: Khi ăn dương xỉ, nên dùng nước sôi chần qua một chút để bớt đi vị chát. Loại rau này có tính lạnh, người bị tỳ vị hư hàn không nên ăn nhiều.

Thông tin thêm trên VTC, PGS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, qua trường hợp của bà Liên, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều trường, lớp dạy cho trẻ em, thậm chí người lớn cách sinh tồn khi lâm vào hoàn cảnh tương tự như đi lạc vào rừng sâu, kẹt trong thang máy, hỏa hoạn hay đuối nước...

Những khóa học như vậy rất quan trọng bởi sẽ giúp con người biết cách sinh tồn trong bối cảnh gặp nguy hiểm, khắc nghiệt. Bằng sự hiểu biết của mình, người lâm vào tình thế này sẽ biết làm sao để duy trì sự sống bằng việc tìm nước uống, cây gì thì ăn được, giữ cơ thể tránh mất nước thể nào, bảo vệ cơ thể trước môi trường ra sao hoặc kêu gọi trợ giúp từ người khác bằng cách...

“Ở nước ngoài, nhiều nước đã dạy cho trẻ em học sinh cấp 2, cấp 3 về những kỹ năng này rồi, nhưng ở nước ta thì tôi chưa thấy nhiều”, ông Thịnh nói.

Chính vì vậy, chuyên gia này hy vọng qua câu chuyện của bà Liên, các cơ quan chức năng sẽ quan tâm nhiều hơn tới việc hướng dẫn người dân, trẻ em về kĩ năng sinh tồn trong những trường hợp tương tự như vậy để giữ được tính mạng của mình trong thời gian chờ người khác đến cứu giúp.

Phạm Hiền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/chuyen-gia-noi-gi-ve-viec-song-sot-7-ngay-duoi-vuc-nho-an-duong-xi-cu-lac-tien-309EeDl7R.html