Chuyên gia nói về việc cấp phép lái xe điện, xe dưới 50 phân khối

Nhiều chuyên gia đánh giá quy định người điều khiển xe máy có dung tích xy-lanh dưới 50cm3 hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4 kW sẽ phải có giấy phép lái xe (GPLX) sẽ giúp nâng cao ý thức tham gia giao thông của học sinh…

Theo chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, người đủ 16 tuổi trở lên sẽ được cấp GPLX hạng A0. Quy định này nếu được hiện thực hóa sẽ tác động đến hàng chục triệu người, chủ yếu là học sinh và người già.

Trên thực tế, quy định người đi xe máy dưới 50cc và xe máy điện có công suất dưới 4kW vốn đã được Bộ GTVT đưa ra nhưng có số phận tương đối lận đận. Cụ thể, trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) lần thứ nhất, Bộ GTVT đề xuất phân loại thành 17 hạng GPLX, trong đó bổ sung hạng A0 dành cho loại xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc, xe máy điện có công suất dưới 4kW.

Vào thời điểm đó, có nhiều ý kiến trái chiều nên khi tiếp thu ý kiến của dư luận, Bộ GTVT đã bỏ quy định bắt buộc người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phải có bằng lái hạng A0. Thay vào đó, điều chỉnh theo hướng cấp GPLX hạng A1 cho người từ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi.

Quy định này nhấn mạnh, đối tượng này chỉ được điều khiển xe máy điện có công suất không vượt quá 4kW, xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cc. Đến khi các em đủ 18 tuổi trở lên sẽ được điều khiển xe có dung tích xi lanh lớn hơn, không phải học và thi. Việc này vừa bảo đảm đạt được mục tiêu đảm bảo ATGT cho học sinh chưa đủ 18 tuổi, vừa cắt giảm điều kiện, thủ tục hành chính.

Thế nhưng, sau khi đề xuất được gỡ bỏ khỏi Dự luật Giao thông đường bộ sửa đổi, vẫn có không ít ý kiến đề nghị đưa lại quy định này. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực giao thông cho rằng, việc yêu cầu đối tượng điều khiển xe máy dưới 50cc và xe máy điện phải có GPLX là cần thiết. Bởi những loại phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông nguy hiểm không kém gì các loại mô tô, xe máy có phân khối lớn hơn nhưng người điều khiển lại không bắt buộc phải có GPLX.

Nhiều học sinh THPT ở Hà Nội đi xe máy, xe đạp điện đến trường ảnh: Nguyễn Linh

Nhiều học sinh THPT ở Hà Nội đi xe máy, xe đạp điện đến trường ảnh: Nguyễn Linh

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) cũng cho thấy, 90% số vụ tai nạn giao thông đối với trẻ em trong những năm gần đây rơi vào nhóm từ 16 - 18 tuổi.

Nghiên cứu về tai nạn giao thông của Bệnh viện Việt Đức năm 2017 cho thấy, có tới 80% số vụ cấp cứu do tai nạn giao thông xảy ra ở nhóm thanh thiếu niên từ lớp 8 đến lớp 12 và trên 80% thương vong cũng nằm trong nhóm này. Đây là con số đáng báo động bởi phần lớn học sinh trong độ tuổi này đi xe mô tô dưới 50cc và xe máy, xe đạp điện.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc quản lý cả nhóm đối tượng điều khiển xe máy dưới 50cc và xe máy điện là việc làm cần thiết bởi những chiếc xe này nặng xấp xỉ 100kg, có thể đạt vận tốc tối đa đến 60-70km/h, là nguồn gây nguy hiểm không kém gì các loại mô-tô, xe máy khác.

"Yêu cầu bắt buộc người điều khiển nhóm phương tiện dưới 50cc phải học và thi lấy GPLX là cần thiết, nhằm nâng cao nhận thức trong việc chịu trách nhiệm cho hành vi giao thông của mình. Đồng thời, cũng là giúp trang bị những kiến thức, kỹ năng ATGT bài bản, có hệ thống cho người ở độ tuổi vị thành niên", Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết: "Đáng ra, chúng ta phải làm điều này từ lâu rồi. Theo tôi, những loại phương tiện như xe máy dưới 50cc hay xe đạp điện dưới 4kW chỉ có thể chạy với tốc độ 30 - 40km nhưng khi di chuyển trong nội thành vẫn thừa sức gây tai nạn, thậm chí tai nạn nghiêm trọng".

CSGT xử lý học sinh đi xe máy điện vi phạm giao thông. Ảnh: Phương Sơn

CSGT xử lý học sinh đi xe máy điện vi phạm giao thông. Ảnh: Phương Sơn

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng điều quan trọng nhất là làm sao để học sinh, sinh viên phải trải qua các khóa đào tạo, sát hạch về kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện cũng như quy định của Luật Giao thông đường bộ trước khi cho phép lái xe ra đường. Còn việc cấp GPLX hay chỉ cấp chứng chỉ chỉ là hình thức. Các cơ quan thực hiện có thể cân nhắc, xem hình thức nào thuận tiện hơn thì áp dụng.

GS.TS Từ Sỹ Sùa – giảng viên cao cấp Đại học Giao thông Vận tải cũng cho biết, đây là quy định hết sức bình thường vì nhiều nước trên thế giới đều đã áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định trên cần phải có lộ trình và tính toán các phương án cũng như hình thức thực hiện cho phù hợp, bởi đối tượng chịu tác động chủ yếu của quy định này là học sinh độ tuổi từ 16 - 18.

"Ngoài những quy định cứng thì việc tuyên truyền, giáo dục và có phương pháp tiếp cận hợp lý rất quan trọng. Khi áp dụng vào thực tế cần có lộ trình rõ ràng, căn cơ để tránh "sốc" vì sẽ tác động đến đối tượng còn ít tuổi, rất nhạy cảm", GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.

Một số ý kiến cũng chỉ ra rằng yêu cầu đối với người điều khiển xe máy dưới 50cc và xe máy điện dưới 4 kW cần phải được tính toán để phù hợp độ tuổi 16-18 tuổi. Nếu yêu cầu quá cao trong việc học, sát hạch có thể gây lãng phí thời gian và tiền của. Do vậy, các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai thực hiện cần cân nhắc để đảm bảo hài hòa và có tính kế thừa.

Lãnh đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết, quá trình xây dựng dự luật, Ban soạn thảo đã tính các phương án đào tạo, sát hạch với nhóm phương tiện này, cụ thể sẽ xây dựng các bài sát hạch tương đồng với hệ thống sát hạch xe gắn máy, môtô hiện nay để đảm bảo tính an toàn và hạn chế tối đa việc phải mất thời gian thi lại hoặc nâng cấp bằng lái cho người dân.

"Dự kiến, để quy định này được thực thi phải mất từ 6 tháng đến hơn một năm để luật hóa, xây dựng nghị định và các văn bản hướng dẫn", đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-gia-noi-ve-viec-cap-phep-lai-xe-dien-xe-duoi-50-phan-khoi-2020122514460834.htm